Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 19 ngày 11/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng EAS phát huy hơn nữa vai trò và giá trị là diễn đàn hàng đầu đối thoại về các vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển tại khu vực.
Để EAS đáp ứng được kỳ vọng đó, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và các đối tác EAS cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin chiến lược, gia tăng điểm đồng, giảm thiểu bất đồng, tôn trọng khác biệt, hướng đến tương lai. Đồng thời, các nước cần hành xử xây dựng, có trách nhiệm, chung tay ứng phó thách thức chung, cùng định hình cấu trúc khu vực mở, bao trùm, minh bạch, đề cao luật pháp quốc tế.
Trong quá trình này, ASEAN sẽ giữ vai trò trung tâm, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, tránh xung đột, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN bằng lời nói và hành động thực tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 19. Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng trông đợi EAS thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, dành ưu tiên cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, an ninh an toàn mạng...
EAS cũng cần tiên phong hành động ứng phó với các thách thức toàn cầu như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai... đặc biệt trong bối cảnh các hiện tượng khí hậu cực đoan vừa qua như bão Yagi ở Đông Nam Á hay bão Helene và Milton ở Mỹ.
Thủ tướng nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và hàng hải trên Biển Đông. Việt Nam kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hạn chế bất đồng, khai thác điểm đồng, thúc đẩy hợp tác, đối thoại chân thành, tin cậy, hiệu quả, dựa trên luật lệ, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, tạo môi trường thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, phát triển tự cường, thịnh vượng và bền vững hiện nay. Các đối tác khẳng định ủng hộ nỗ lực, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và lập trường chung của ASEAN trong các vấn đề này.
EAS hội tụ nhiều nền kinh tế hàng đầu và phát triển năng động của thế giới, chiếm 1/2 tổng dân số và gần 2/3 tổng GDP toàn cầu.
Kim ngạch thương mại hàng hóa giữa ASEAN và các đối tác EAS đạt 1.700 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác EAS vào ASEAN đạt 124,6 tỷ USD năm 2023.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc lần thứ 14 diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế, nhất là vai trò, vị trí trung tâm, quan trọng của Liên Hợp Quốc và cá nhân Tổng thư ký Antonio Guterres.
Thủ tướng đề nghị ASEAN và Liên Hợp Quốc phối hợp chặt chẽ, bảo đảm sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau trong triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các "Văn kiện vì tương lai" vừa được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai. Việt Nam mong muốn Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ ASEAN, trong đó có các nước tiểu vùng sông Mekong tăng khả năng chống chịu trước thiên tai và chủ động quản lý, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng.
Tổng Thư ký António Guterres phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc, chiều 11/10. Ảnh: Nhật Bắc
ASEAN sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Liên Hợp Quốc hình thành các chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ủng hộ nỗ lực, sáng kiến của Liên Hợp Quốc và Tổng thư ký Guterres nhằm giải quyết các xung đột và điểm nóng, trong đó có các cuộc xung đột ở Trung Đông hiện nay, Thủ tướng bày tỏ quan ngại về những ý kiến chỉ trích, thiếu công tâm, gây cản trở, khó khăn cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện trọng trách của mình, nhất là các nỗ lực trung gian hòa giải, cứu trợ nhân đạo và thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan hướng tới giải pháp lâu dài, bền vững.
Việt Nam nhất trí với lời kêu gọi của các nước, Liên Hợp Quốc và Tổng thư ký Guterres về việc các bên liên quan cần chấm dứt tình trạng bạo lực, ngừng bắn ngay lập tức; đảm bảo việc cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân; thả con tin và thúc đẩy đàm phán hòa bình trên cơ sở "giải pháp hai nhà nước", phù hợp luật pháp quốc tế, các Nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên liên quan và nhất là những người dân vô tội.
Tổng thư ký Guterres mong muốn cùng ASEAN đẩy mạnh ưu tiên hợp tác trên 4 lĩnh vực bao gồm kết nối, tài chính, khí hậu và bảo đảm hòa bình, trong đó nhấn mạnh coi trọng vai trò của ASEAN là người kết nối, kiến tạo và sứ giả hòa bình.
Viết Tuân