Cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, chuỗi Highlands Coffee thông báo tăng giá 10-15%, tương đương 4.000-10.000 đồng mỗi sản phẩm, với lý do giữ chất lượng sản phẩm, dịch vụ "trong tình hình biến động thị trường". Cá biệt có sản phẩm tăng đến 18%.
"Phát súng" mở màn của Highlands Coffee - một trong những chuỗi lớn nhất Việt Nam - cho thấy áp lực lạm phát đã lan đến những ly cà phê, trà sữa, sinh tố và đá xay của người Việt.
Ông Hoàng Việt, CEO Laha Cafe cho rằng các chuỗi đồ uống phải tăng giá do chi phí về mặt bằng, nguyên liệu và nhân công đang tăng rất nhanh. Chi phí cho cà phê đã tăng 25%, mặt bằng tăng 10-20%. Đến các loại ly, túi, ống hút cũng tăng giá 10-20%. "Có loại nguyên liệu tăng lên đến 20-30%. Nếu không tăng giá, các quán khó lòng duy trì được", ông nói.
Một quán cà phê của Highlands Coffee tại quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Áp lực đầu vào rót lên những ly cà phê trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nửa đầu năm chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng giá xăng dầu trong nước bình quân 6 tháng đã tăng 51,83% so với cùng kỳ 2021. Mặt hàng này dễ dàng khiến nhiều nguyên liệu của ngành đồ uống lên giá vì vận chuyển đắt đỏ.
Nguyễn Võ Trung Quân, nhà sáng lập The Young Café, cho hay chi phí đầu vào của quán tăng từ 10-30%, từ cà phê đến trái cây, kem béo, chủ yếu do chi phí vận chuyển. "Thường các quán sẽ cầm cự 1-2 tháng khi đầu vào tăng. Việc có chuỗi lớn tăng trước cũng không bất ngờ vì họ chịu áp lực về chi phí mặt bằng vị trí đẹp, nhân công cao", Trung Quân phân tích.
Dù vậy, nhiều chuỗi lớn khác như Starbucks, Phúc Long, The Coffee House, Chuk Coffee & Tea cho biết chưa có kế hoạch điều chỉnh. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, đơn vị sở hữu Chuk Coffee & Tea, còn cam kết "vài tháng tới không tăng giá". Các nền tảng đặt món như GoFood, Baemin, ShopeeFood cũng chưa ghi nhận sự biến động đáng kể về giá trên diện rộng của đối tác.
Ngành F&B chỉ mới bắt đầu đà hồi phục sau hai năm chật vật vì Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú chỉ mới tăng trưởng dương vào quý vừa qua, với mức 25,92%. Trong khi đó, ngành này giảm rất sâu trong 3 quý liền trước, với -54,1% vào quý III và phục hồi dần.
Nhu cầu tiêu thụ đồ uống vào mùa hè cũng đang rất lớn. ShopeeFood cho hay, với ngành hàng đồ uống, nền tảng ghi nhận nhu cầu cao và số lượng đơn hàng gia tăng trong tháng 5 và tháng 6. GoFood cho biết tổng lượng đơn hàng đặt qua nền tảng quý II/2022 tăng 42% so với cùng kỳ. Vì vậy, các đơn vị này thà giảm lợi nhuận để tăng doanh số vào cao điểm thay vì tăng giá - quyết định có thể đẩy khách hàng sang đối thủ.
"Với tôi thì tăng giá vài nghìn đồng không thành vấn đề, nhưng tâm lý bị tổn thương. Giờ có rất nhiều quán, nếu một chỗ nào tăng thì cũng dễ chọn nơi khác", anh Hoàng Phan, nhân viên kinh doanh tại quận 1, TP HCM cho biết. Mỗi ngày, anh chi trung bình 70.000 đồng cho 2 ly đồ uống, chưa tính khi cần đi tiếp khách.
Do đó, một số chuỗi chọn chiến lược tiếp tục giữ giá và ra mắt sản phẩm mới để sẵn đà kích cầu. The Coffee House cho biết hai sản phẩm mới của họ gần đây đã liên tục xô đổ các kỷ lục doanh thu kể cả trước dịch. "Chúng tôi cũng đã và đang mở mới các cửa hàng. Số cửa hàng đã về lại con số 154 (so với trước dịch) và dự kiến còn tăng nhanh", đại diện chuỗi này nói.
Một cách khác để cầm cự là điều chỉnh trong cơ cấu sản phẩm. Anh Nguyễn Trường Khoa, Phụ trách Vận hành của chuỗi The Running Bean cho biết nhiều nhà cung cấp đã tăng giá 20%. "Từ đầu năm đến nay, chúng tôi luôn cố gắng giữ mức giá tốt nhất cho khách hàng bằng cách chấp nhận loại bỏ một số sản phẩm ra khỏi menu vì giá nguyên vật liệu của món đó bị đội lên quá cao", anh Khoa nói.
Tuy nhiên, "gồng" giá cũng sẽ có những giới hạn. Trường Khoa nói ở tình hình hiện tại, khi vật giá leo thang mỗi ngày, The Running Bean đang cân nhắc điều chỉnh lại một số kế hoạch kinh doanh phù hợp để cân bằng bài toán kinh tế.
Với Laha Cafe, CEO Hoàng Việt, cho biết chiến lược của công ty là nghiên cứu các sản phẩm mới với chi phí hợp lý và biên lợi nhuận tốt hơn, hạn chế các sản phẩm với nguyên liệu tăng giá quá nhanh. Đồng thời, tìm kiếm các mặt bằng xa trung tâm hơn để giảm giá thuê xuống.
"Tình hình này chúng tôi cũng đang xem xét tăng giá một số sản phẩm để có thể bù đắp chi phí. Nếu không tăng giá thì khó lòng duy trì được", anh nói thêm.
Nguyễn Võ Trung Quân đang chuyển địa điểm của The Young Café từ quận 1 sang quận 10. Chi phí mặt bằng không quá nặng và nhân công cũng không đáng kể vì tự làm cùng một nhà đồng sáng lập khác. Tuy nhiên, anh nói sẽ buộc phải đổi giá menu nếu chi phí đầu vào chung tăng 50%. "Nếu lạm phát vẫn kéo dài thì sớm muộn gì quán xá cũng sẽ lên giá hết", anh nói.
Báo cáo mới công bố hôm 6/7 của HSBC cho rằng áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như những quốc gia khác trong khu vực, nhưng đà lạm phát vẫn tăng nhanh chóng. Họ dự báo lạm phát sẽ ở mức trung bình 3,5% trong năm 2022, nhưng sẽ có thể tạm thời vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm. Ví dụ, quý IV năm nay, lạm phát có thể đạt 5,6%.
"Có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng", báo cáo bình luận. Lần đầu tiên trong gần 2 năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.
Viễn Thông