Chuyên mục  


Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc phải rút khỏi Mỹ, một ngày sau khi quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng.

ByteDance - công ty mẹ TikTok có kế hoạch đấu tranh pháp lý. Tuy nhiên, nếu thất bại, họ sẽ phải chọn một trong hai. Theo nguồn tin của Reuters, ByteDance sẽ không thoái vốn TikTok cho bất kỳ ai. Trường hợp xấu nhất, hãng sẽ rời nước này.

Tuy nhiên, nếu xem xét kịch bản "bán mình" thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua nền tảng truyền thông xã hội với 170 triệu người dùng ở Mỹ và ngày càng thách thức các gã khổng lồ bản địa như Meta - công ty mẹ của Facebook.

Viễn cảnh bán TikTok có thể dẫn đến một cơn sốt thâu tóm, thu hút nhiều người mua tiềm năng từ các công ty công nghệ đến các nhà bán lẻ, quỹ đầu tư. Nhưng theo các chuyên gia pháp lý và nhà phân tích kinh doanh, không phải cứ giàu là mua được.

Logo ứng dụng TikTok hiển thị trên màn hình điện thoại một người dùng hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Ví dụ, hai gã khổng lồ Google, Meta được xem là khó tham gia, do bất kỳ nỗ lực nào cũng sẽ vướng rào cản pháp lý. Bản thân Meta đang đối diện vụ kiện của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, cáo buộc việc họ mua WhatsApp và Instagram là vi phạm luật chống độc quyền.

Google hiện cũng đấu tranh với các vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp, liên quan đến hoạt động kinh doanh công nghệ tìm kiếm và quảng cáo. Vì vậy, chuyên gia cho rằng Google cũng không phải ứng cử viên triển vọng.

Gene Kimmelman, cựu quan chức chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các tên tuổi khác như Amazon cũng sẽ gây lo ngại về độc quyền. Do đó, các nhà mạng như Verizon hoặc AT&T triển vọng hơn. Trong khi, Intel, Cisco, hay Oracle thì khó đánh giá được nguy cơ.

Jasmine Enberg, nhà phân tích chính tại Emarketer chỉ ra nghịch lý là chỉ những gã khổng lồ công nghệ lớn nhất của Mỹ mới có đủ nguồn lực để mua TikTok. Nhưng vấn đề là họ dễ vướng về quy định nhất.

"Bất kỳ người mua tiềm năng nào cũng phải có túi tiền dồi dào. Dù muốn sử dụng thuật toán của TikTok, nhưng hầu hết những ai đủ khả năng mua sẽ không thể vượt qua các rào cản chống độc quyền", bà đánh giá. Theo giới công nghệ, các thuật toán của ByteDance được xem là "món nước sốt bí mật" tạo nên thành công mà hiện không có công ty mạng xã hội nào có được.

Trong khi đó, Microsoft có triển vọng khá hơn. Sở hữu LinkedIn, một mạng xã hội dành cho các chuyên gia, nhưng hãng không có ứng dụng như TikTok trong danh mục đầu tư. Họ cũng từng là một trong số ít ứng cử viên mua TikTok vào năm 2020, khi Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên thúc đẩy việc bán.

Khi ấy, Microsoft cùng Walmart hợp tác tham gia đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận khả thi. Cả hai đều từ bỏ nỗ lực sau khi TikTok đồng ý hợp tác với Oracle trong Dự án Texas để lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ do Oracle sở hữu, nhằm giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia của Nhà Trắng.

Bốn năm sau, khi tương lai của TikTok ở Mỹ bấp bênh, người mua tiềm năng cũ như Microsoft và đối tác Oracle có thể xem là ứng viên khả thi. Microsoft gần đây cũng bị giám sát về chống độc quyền khi tìm cách mua nhà phát hành trò chơi điện tử Activision Blizzard. Nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua được các thách thức pháp lý tại Mỹ và quốc tế để thâu tóm xong năm ngoái.

Ngoài các gã khổng lồ công nghệ, một khách hàng mới đang xuất hiện. Trong động thái gây ngạc nhiên, Steven Mnuchin, Cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Trump tuyên bố đang tập hợp một nhóm các nhà đầu tư để mua TikTok.

Thông tin chi tiết về ý tưởng của Mnuchin vẫn còn mơ hồ, dù ông được cho là đã đề xuất một thỏa thuận có thể loại trừ việc Tiktok phải bán thuật toán bí mật để vượt qua rào cản pháp lý của Trung Quốc về hạn chế xuất khẩu công nghệ. Điều đó có nghĩa là ông chỉ mua thương hiệu của TikTok.

Vài doanh nhân khác cũng bày tỏ sự quan tâm như Kevin O’Leary, Chủ tịch công ty đầu tư mạo hiểm tư nhân O’Leary Ventures. Giống Mnuchin, ông quan tâm việc mua lại thương hiệu Tiktok mà không gồm thuật toán. Ông cho rằng giá chào mua hợp lý có thể từ 20 đến 30 tỷ USD.

Mua TikTok bằng bao nhiêu tiền cũng không đơn giản. Các ngân hàng đầu tư được Reuters khảo sát cho biết rất khó để định giá TikTok bao nhiêu so với các đối thủ cạnh tranh tương tự như Meta hay Snap, vì thông tin tài chính của TikTok không được công bố và khó tiếp cận.

Hai nguồn tin cho biết doanh thu năm 2023 của ByteDance đã tăng lên gần 120 tỷ USD, từ mức 80 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, công ty chủ yếu kiếm tiền ở Trung Quốc nhờ Douyin - nền tảng "chị em" của TikTok.

Trong khi, người dùng hoạt động hàng ngày của TikTok ở Mỹ được cho là chỉ chiếm khoảng 5% trên toàn thế giới. Nguồn tin khác lại cho rằng Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của TikTok vào năm ngoái.

Hồi tháng 3, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ "kiên quyết phản đối" việc ép bán TikTok. "Việc bán hoặc thoái vốn TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải trải qua các thủ tục cấp phép theo luật pháp và quy định của Trung Quốc", Người phát ngôn nói thêm.

Bên cạnh giải pháp rời đi hoặc bán mình, trước đó, The Information đưa tin ByteDance đang "xây dựng các kịch bản về hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ mà không cần thuật toán đặc biệt".

Phiên An (Reuters, CNN)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020