Anandaloy – khu trung tâm trị liệu bằng tre và đất ở Bangladesh với sự độc đáo đã giành giải thưởng Obel 2020. Dự án được đánh giá cao về tính nguyên bản, riêng biệt và nghệ thuật.
Thông tin dự án
- Tên dự án: Trung tâm cộng đồng Anandaloy
- Kiến trúc sư: Anna Heringer
- Địa điểm: Bangladesh
- Năm hoàn thiện: 2020
- Nhiếp ảnh gia: Kurt Hoerbs
“Đối với tất cả ban giám khảo chúng tôi, Anandaloy là một dự án xuất sắc”, Martha Schwartz, chủ tịch hội đồng giám khảo Obel Award 2020 đồng thời là người sáng lập hãng phim Martha Schwartz Partners của Mỹ cho biết.
Schwartz chia sẻ thêm “Đây chính là một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản, theo một phong cách hoàn toàn riêng biệt và không bắt chước thứ gì khác. Tôi nghĩ Anna hoàn toàn tận tâm với những gì cô ấy đang làm. Điều đó có thể cảm nhận được khi chúng ta nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật nổi bật, vì chắc hẳn rằng đằng sau đó là tâm huyết sáng tạo của kiến trúc sư và nỗ lực hoàn thiện tác phẩm của họ.”
“Anna đã kết hợp tất cả các giá trị của mình, cô ấy đang chọn cách xây dựng một cách bền vững cho tác phẩm của mình. Bằng cách sử dụng các vật liệu có sẵn ở đó, để cho mọi người cùng tham gia, để họ có thể học hỏi cách xây dựng cho chính mình đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho phụ nữ và người khuyết tật. Chúng ta có thể cảm thấy rằng kiến trúc sư đã thực sự tôn trọng nền văn hóa, con người và đất đai ở nơi đây”.
Anna Heringer đã sử dụng chất liệu đất nện được làm bằng bùn từ các ao tại địa phương cho các yếu tố cấu trúc. Chúng bao gồm các bức tường và một đoạn đường nối bao quanh tòa nhà, được thiết kế để làm cho trung tâm cộng đồng được hòa nhập với nhau.
Kiến trúc sư giải thích: “Điều tôi muốn truyền tải thông qua dự án này đó là có rất nhiều vẻ đẹp được khám phá khi chúng ta không tuân theo hình mẫu tiêu chuẩn thông thường. Anandaloy không tuân theo một bố cục hình chữ nhật đơn giản, mà Anandaloy hiện lên như một tòa nhà đang nhảy múa cùng những đoạn đường nối tiếp theo nó xung quanh.”
“Đoạn đường nối đó rất cần thiết vì nó là biểu tượng của sự hòa nhập. Đây là đoạn đường nối duy nhất trong khu vực và là thứ nổi bật nhất về tòa nhà, cũng là điểm gây ra rất nhiều câu hỏi. Bằng cách đó, bản thân kiến trúc của tòa nhà đã thể hiện được nhận thức về tầm quan trọng của việc hòa nhập tất cả mọi người.”
Trên mặt bằng tầng trệt của tòa nhà gồm một bên là những bức tường bằng đất bao quanh một văn phòng, nhà vệ sinh và phòng trị liệu cho trung tâm cộng đồng; trong khi đó bên còn lại là đoạn đường nối trung tâm với phòng trị liệu thứ hai và “phòng khách” chính.
Bốn không gian giống như hang động đã được tạo ra cùng với không gian chính bên trong các bức tường bằng đất.
Heringer nói: “Đối với tôi, điều quan trọng là phải chứng tỏ rằng có thể xây dựng một ngôi nhà hai tầng hiện đại với những nguồn lực đơn giản. Bùn không chỉ đơn giản là đất – nó là một vật liệu xây dựng thực sự có chất lượng cao mà bạn có thể sử dụng để xây dựng các cấu trúc rất chính xác. Không chỉ xây dựng được những túp lều nhỏ mà nó còn có thể trở thành cấu trúc kỹ thuật bền vững thậm chí cho cả các tòa nhà công cộng.”
Phía trên trung tâm trị liệu, tòa nhà còn có các văn phòng, cửa hàng và xưởng cho Dipdii Textiles – một dự án may quần áo do Heringer hợp tác với Veronika Lang và NGO Dipshikha phát động nhằm cải thiện cơ hội làm việc cho phụ nữ địa phương.
Heringer nói: “Tầng trên cùng của Anandaloy cũng rất đặc biệt với tôi bởi ngoài kiến trúc, chúng tôi còn chịu trách nhiệm về cả chương trình và nội dung. Thông thường, với tư cách là một kiến trúc sư, khi bạn xây dựng con tàu thì những gì diễn ra bên trong không phải là việc của bạn. Nhưng đối với chúng tôi, đó là việc của chúng tôi.”
“Dự án này đã tạo rộng ranh giới trong công việc của tôi. Tôi thấy mình giống một kiến trúc sư kiêm một nhân viên xã hội và một nhà hoạt động vì cộng đồng.”
Toàn bộ tre từ một khu rừng địa phương đã được sử dụng để tạo hàng hiên xung quanh tòa nhà, làm trần cũng như mái của công trình. Sử dụng các vật liệu tự nhiên đồng nghĩa với việc vào cuối tuổi thọ của tòa nhà, những vật liệu này có thể bị phân hủy.
Kiến trúc sư giải thích: “Tôi muốn tạo ra những tòa nhà có thể phân hủy, tôi không muốn bỏ lại rác thải. Chúng ta không bao giờ có thể biết trước được những gì các thế hệ sắp tới cần, điều mà tôi thực sự muốn giữ lại đó chính là bí quyết.”
Năm ngoái, kiến trúc sư người Nhật Junya Ishigami đã giành được Giải thưởng Obel đầu tiên cho Vườn nước sinh học ObelArt của mình – một cảnh quan nhân tạo gần dãy núi Nasu của Nhật Bản. Để tìm hiểu thêm về Giải thưởng Obel, mời bạn truy cập vào trang web của Quỹ Henrik Frode Obel.
Biên dịch | Hương Lan (Nguồn: Dezeen)
XEM THÊM:
- Trung tâm nghiên cứu Y học Lisbon: “Cái đẹp là giải pháp trị liệu” / Charles Correa Associates
- Thiên nhiên có thể chữa lành cho con người?
- Khu nghỉ dưỡng trị liệu ở Bad Schallerbach, Austria