Chuyên mục  


Những ‘người lái đò’ đặc biệt

Giữa sân khấu của chương trình ‘Chia sẻ cùng thầy cô’ tối 15/11, cuộc gặp gỡ của thầy giáo Trần Đại Lượng (SN 1989) công tác tại Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an và người học trò cũ đã khiến nhiều người xúc động.

Đại úy Trần Đại Lượng kể, 16/4/2013 được nhận công tác tại đội Kế hoạch hướng nghiệp và Dạy nghề Trường Giáo dưỡng số 2. Ngôi trường giáo dục đặc biệt khi đội ngũ thầy cô giáo là chiến sĩ công an trên mặt trận đấu tranh, giáo dục, cảm hóa con người và học trò là trẻ vị thành niên đã nhiều lần vi phạm pháp luật, được gia đình và xã hội giáo dục nhưng không đạt kết quả.

Thời gian đầu công tác tại ngôi trường đặc biệt này, đã có những lúc Đại úy Lượng gặp không ít khó khăn. Đó là áp lực khi học trò luôn thường trực thái độ bất cần, thiếu hợp tác, lười học… Nhưng với niềm tin đến với nghề ‘giáo dục các em là cứu cuộc đời các em, là đem lại hạnh phúc cho gia đình các em, đem lại bình yên cho xã hội" và sự giúp đỡ của những người đồng đội, anh càng yêu công việc đầy ý nghĩa nhân văn này.

thay-dai-luong-17317205870671028895360.jpg

Đại úy, thầy giáo Trần Đại Lượng là một trong 60 gương giáo viên được vinh danh trong 'Chia sẻ cùng thầy cô' vào tối 15/11. Ảnh TG

Bằng trách nhiệm, tình yêu thương, anh đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng dẫn cụ thể kỹ thuật cho học sinh trong những tiết thực hành... dần ‘cảm hóa’ được các em. Đến nay, gần 300 học sinh được cấp chứng chỉ nghề, nhiều học sinh có "trang đời bất hảo" đã thay đổi và có cuộc sống tốt hơn.

Trong số các em học sinh đó có Hoàng Minh Nghĩa (quê Hữu Lũng, Lạng Sơn). Nghĩa ban đầu tỏ ra lầm lì, ít nói, khó bảo đã dần thay đổi, tiến bộ. Kết thúc khóa học, Nghĩa ra trường trước thời hạn và được cấp chứng chỉ loại Giỏi. Nghĩa sau đó làm thuê ở các xưởng cơ khí, rồi mở xưởng chuyên làm cửa xếp, mái tôn, biển quảng cáo, nhôm kính tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Thậm chí, em còn giúp được cho học sinh khác cùng trường là Giàng Mí Pó ở Cao Bằng vào làm tại xưởng của mình. Pó về sau về quê, sông lương thiện và trưởng thành từ chính nghề học được ở trường.

Theo Đại úy Lượng, học sinh Hoàng Minh Nghĩa, Giàng Mí Pó và nhiều lớp học sinh trưởng thành chính là những trái ngọt, được tập thể cán bộ giáo viên nhà trường không quản khó khăn, miệt mài ươm mầm, vun xới. Sự trưởng thành của các em là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho thầy cô vững bước tiến lên. "Từ những cánh thư, cuộc điện thoại các em sau khi ra trường và biết các em đã đi làm, mở được xưởng cơ khí, sống lương thiện nhờ nghề đã học ở trong trường, tôi càng yêu thích hơn công việc ý nghĩa này" – Đại úy nói.

thay-luong-1731720947547484751372.jpg

Cuộc hội ngộ giữa Đại úy, thầy giáo Trần Đại Lượng với học trò cũ

Cô Hoàng Thị Ngọc Xuyến năm nay bước sang năm thứ 20 của sự nghiệp ‘trồng người’. Sau 5 năm gắn bó với ngôi trường phổ thông, đến tháng 5/2010, cô Xuyến chuyển về công tác tại Trường Giáo dưỡng số 4 trực thuộc Tổng cục VIII nay là Cục C10, Bộ Công an.

Mỗi em học sinh khi vào trường đều có một hoàn cảnh riêng, đa số các em được sinh ra và lớn lên ở những gia đình khiếm khuyết, không có cha, không có mẹ, bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ, sống lang thang, hoặc cha mẹ đều đi tù... các em thiếu thốn tình yêu thương, sự giáo dục, uốn nắn từ gia đình nên lớn lên với những nhận thức lệch lạc rồi trượt dài trong các tệ nạn ma tuý, nghiện game… rồi sa ngã vào con đường phạm tội. Đa phần các em đều không thích học, nhiều em có vấn đề về nhận thức, vấn đề về tâm lý.

Từ một cô giáo đang dạy các học sinh phổ thông chăm ngoan, hoặc chỉ ít ỏi những học sinh ngang bướng, nghịch ngợm chuyển sang làm công tác giảng dạy những học sinh đặc biệt tại trường giáo dưỡng, đã có thời gian cô thật sự bối rối vì những sự khác biệt về đối tượng học sinh.

Cô Xuyến cho rằng, để dạy dỗ một con người đã khó, rèn giũa một đứa trẻ có quá khứ không tốt lại càng khó gấp bội. Việc cần phải làm không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn hướng dẫn các em về cách sống, cách đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.

Bằng tình yêu thương, sự đồng cảm, cô giúp học sinh cảm thấy an toàn và có động lực để thay đổi. Nhiều em vào trường chưa từng biết cầm chổi quét nhà nhưng qua quá trình giáo dục của các thầy cô, các em biết khép mình vào nếp sống kỷ luật, trật tự, biết làm mọi công việc lao động, giữ vệ sinh nếp sống sạch sẽ.

"Các em học sinh trường giáo dưỡng đáng thương hơn đáng trách. Tôi nghĩ, nếu các em có được một gia đình trọn vẹn thì sẽ không có những sai lầm, tội lỗi như vậy!. Chính vì thế, tôi đã luôn dành tình yêu thương, gần gũi, động viên, sẻ chia cho các em. Hạnh phúc nhất với tôi là sau khi các em ra trường đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, nhiều em đã có gia đình, sống chan hoà, hạnh phúc đã gọi điện chia sẻ với tôi" – cô Xuyến chia sẻ.

Thầy Lượng, cô Xuyến chỉ là hai trong số 60 gương giáo viên tiêu biểu được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Mỗi thầy, cô là một câu chuyện ‘truyền cảm hứng’, lan tỏa hành trình dạy học hạnh phúc. Các thầy cô đã, đang và sẽ dành cả cuộc đời mình để góp phần lan tỏa, vun bồi hơn nữa truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Họ vẫn luôn đau đáu nỗi niềm làm được một điều gì đó cho học trò, để các em có môi trường giáo dục hạnh phúc và có cuộc sống, tương lai tươi sáng.

Tri ân những người thầy

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu ‘Tôn sư, trọng đạo’, thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ, của những lớp học trò đối với các thầy giáo, cô giáo. Với Hành trình 10 năm dạy – học hạnh phúc, chương trình đã tuyên dương 576 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên các lĩnh vực, địa bàn của mọi miền Tổ quốc.

chia-se-cung-thay-co-3-17317205870241487687608.jpg

Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại chương trình

60 thầy cô giáo được lựa chọn tuyên dương năm 2024 có rất nhiều thầy giáo, cô giáo từ biệt quê hương để đến với các học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để gieo cái chữ cho đồng bào và con em đồng bào các dân tộc. Các thầy giáo, cô giáo vượt qua những sự nhọc nhằn, gian khổ để dạy học sinh khuyết tật, các em học sinh chưa ngoan…để các em được học tập, được vui chơi dưới mái trường thương yêu; để các em nhận được sự bao bọc, yêu thương, như những người cha, người mẹ, người anh, người chị trong gia đình...

"Sự gian khổ hy sinh của các thầy giáo không bao giờ là vô ích mà đã mang đến biết bao những thành quả ngọt ngào. Những vất vả, mệt mỏi, những giọt mồ hôi hay nước mắt đắng cay, được đáp đền bằng sự kính trọng, yêu thương của các thế hệ học trò và các bậc phụ huynh học sinh; tình yêu thương đã chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các em. Lớn hơn là để xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam đủ tri thức, bản lĩnh, sáng tạo làm chủ đất nước, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc...", anh Lâm nói.

Năm 2024 ghi dấu 10 năm triển khai chương trình với sự đồng của nhiều đại sứ là các nghệ sĩ, chuyên gia giáo dục, giáo viên uy tín, học sinh tiêu biểu. Các gương mặt KOLs, TikToker tham gia chương trình như: Hoa hậu H’Hen Niê, Hoa hậu Lương Thùy Linh, thầy giáo Trần Thành Nam, ca sĩ Dương Hoàng Yến... Các đại sứ đồng hành cùng chương trình tham gia vào nhiều hoạt động có ý nghĩa để tôn vinh thầy cô và lan tỏa mạnh mẽ những câu chuyện đẹp về thầy cô đến với toàn xã hội.

chia-se-cung-thay-co-17317205870591171723889.jpg

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy và Vụ trưởng vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên công tác, Bộ GD&ĐT Trần Quang Đạt trao khen thưởng các giáo viên tiêu biểu

Các thầy, cô giáo tuyên dương tại chương trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, động viên và tặng quà, tham gia các tọa đàm... Bên cạnh đó, mỗi thầy giáo, cô giáo tham gia chương trình được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Kỷ niệm chương của Ủy ban Dân tộc, biểu trưng của chương trình và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

gap-mat-3-17315834948771777842079-0-64-1518-2493-crop-17315836720801439072875.jpgBộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt 60 gương giáo viên chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2024

GĐXH – Trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, chiều 14/11, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gặp mặt và tặng Bằng khen cho 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu được tuyên dương và nhà giáo trẻ tiêu biểu lần thứ IV.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020