Đối với Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), quy hoạch hệ thống dân cư nông thôn, đô thị và thiết kế xây dựng công trình, nhà ở theo tiêu chí xanh, bền vững là điều kiện tiên quyết để thích ứng và ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đồng thời tận dụng, phát triển từ nguồn lợi mà thiên nhiên đem lại.
Bão, lụt, sạt lở, sụt lún đất, hạn và mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
ĐBSCL, vùng đất thiên nhiên, hoang dã, trải qua hàng vạn năm với những đợt biển tiến và biển lùi [1], đồng thời được bồi đắp phù sa từ dòng nước Mê Kông, cùng với quá trình khai phá của người Việt trong khoảng hơn 400 năm, đã trở thành một vùng đất phì nhiêu, trù phú.
Cho đến nay, dù được xem là khá hiền hòa so với nhiều khu vực khác trong nước, vùng đất này vẫn không tránh khỏi những thất thường của thời tiết và sự khắc nghiệt của thiên nhiên; bão, lụt, sạt lở bờ sông, sụt lún đất, hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nhiều hơn.
Hơn một thế kỷ qua,có những trận bão, lụt lớn như:
– Bão năm Giáp Thìn (1/5/1904) làm chết hơn 5.000 người ở Sài Gòn, Tân An, Gò Công, Mỹ Tho với “nhiều làng ở gần bờ biển đã bị một hải lưu cao đến 3,5m cuốn trôi” [2, 3,4,5] .
– Bão Linda (bão số 5-2/11/1997) đã làm hơn 3.000 người chết và mất tích, hơn 200.000 ngôi nhà bị tàn phá [6].
– Bão Durian (bão số 9 – 5/12/2006): khoảng 100 người chết, hơn 30.000 ngôi nhà bị hủy hoại [6].
– Các trận lũ lớn điển hình vào năm 1961,1978,1984,1991,1994,1996,2000, 2001,2002 và 2011, đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của [7].
– Đặc biệt trận lũ năm 2000 đã làm 481 người chết, thiệt hại mùa màng, nhà cửa gần 4.000 tỷ đồng [8].
Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL rõ rệt và nghiêm trọng hơn. Theo nhận định của giới chuyên môn, ngoài tác động của con người (ngăn đập làm thủy điện ở thượng nguồn, khai thác cát trên sông, xây dựng đê bao ngăn lũ và các tuyến giao thông, dân cư, đô thị cản trở dòng chảy, chặt phá rừng phòng hộ, rừng ngập mặn, rừng tràm, hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao…), nguyên nhân chính vẫn là do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Từ nhà ở phân tán, rải rác ven sông rạch, trên đồng ruộng đến tôn nền vượt lũ và cụm tuyến dân cư.
Từ lúc lưu dân người Việt đến khai phá, định cư, người dân ĐBSCL đã dần dần tạo ra những kiểu cư trú, nhà ở phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng như: làng ven sông rạch, xóm ấp trên đất giồng, nhà ở trên xuồng, ghe (thuyền), nhà sàn trên cọc, nhà trên nền đất đắp,….
Do những đợt di dân lớn, kinh tế phát triển, mật độ dân cư tăng nhanh, cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, sau những trận lũ lớn, đặc biệt là cơn lũ lịch sử của những năm 1978 – 1994, với chủ trương của Chính phủ về phát triển thủy lợi, giao thông, và xây dựng nông thôn [9], Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vùng ĐBSCL [10,11,12] đã làm thay đổi cơ bản suy nghĩ, tập quán, truyền thống về quan niệm nhà ở, không gian cư trú trong vùng. Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư đã đảm bảo cho hơn 200.000 hộ dân (khoảng 1 triệu người) có chỗ ở an toàn, ổn định và cơ bản có điều kiện phát triển lâu dài [13]. Đây thực sự là một đợt phân bổ lại dân cư toàn vùng với quy mô lớn trong thế kỷ 20-21. Và cũng từ đó, hệ thống dân cư đô thị, nông thôn trong vùng đã có nhiều thay đổi một cách căn bản theo hướng “Sống chung với lũ” và hiện nay là “Sống chung, tích cực, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”.
Một vài kinh nghiệm
– Khẳng định “Sống chung với lũ lụt”, “Sống chung với biến đổi khí hậu và nước biển dâng” một cách chủ động, ổn định và phát triển”, xem lũ lụt thực sự là nguồn lợi của vùng, xem những thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng là cơ hội để phát triển.
– Tổ chức, quy hoạch phân bổ lại dân cư toàn vùng trên cơ sở xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, an toàn, ổn định, xây dựng hệ thống đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, làm cơ sở để phát triển lâu dài.
– Các cụm tuyến dân cư được bố trí ở vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ, gắn với trung tâm cụm xã, liên ấp, hoặc liên xã.
– Hệ thống đô thị toàn vùng và từng địa phương gắn với giao thông, thủy lợi và phương thức sản xuất, phân bổ các khu vực sản xuất nông, công nghiệp và dịch vụ hợp lý.
– Cải tiến các kiểu nhà ở nông thôn truyền thống với vật liệu xây dựng và kỹ thuật thích hợp theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của người dân từng địa phương.
– Tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hạ tầng, vị trí, đồng thời hướng dẫn người dân tự quyết định việc xây dựng nhà ở nông thôn theo định hướng quy hoach của địa phương, bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển.
Một số đề xuất
– Vai trò của nhà nước là quyết định, nhưng mỗi địa phương, chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư và người dân cần chủ động nắm bắt, có ý thức về phòng tránh thiên tai, tuân thủ hướng dẫn khi xác định vị trí, quy mô, kiến trúc và cách thức xây dựng nhà ở.
– Luôn xem giải pháp phi công trình như: nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai; lưu trữ, cập nhật thông tin, dữ liệu về thời tiết, khí hậu; cảnh báo sớm về khả năng xảy ra thiên tai; kiên quyết thực hiện các biện pháp di dời, phòng tránh khẩn cấp, thực sự có ý nghĩa và hiệu quả quyết định.
– Một chủ trương đúng đắn và hợp lý về tổ chức, quy hoạch và phân bổ dân cư bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển lâu dài sẽ là định hướng phát triển bền vững cho toàn vùng.
– Mỗi địa phương sẽ có cách làm, bước đi thích hợp theo điều kiện cụ thể của mình trên cơ sở định hướng chung.
– Mỗi người dân sẽ cân nhắc và quyết định thực hiện ngôi nhà của mình trên cơ sở định hướng và hướng dẫn cụ thể của nhà nước, cơ quan chuyên môn.
– Quy hoạch hệ thống dân cư, đô thị và nhà ở cần hướng đến tiêu chí xanh, bền vững, tuân thủ chặt chẻ định hướng quy hoạch toàn vùng.
– Cơ quan chuyên môn liên quan cần bổ sung, cập nhật liên tục các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn áp dụng về thiết kế, quy hoạch, xây dựng bảo đảm ứng phó với thiên tai trong phạm vi quốc gia và từng khu vực.
Thay lời kết
Quy hoạch hệ thống dân cư nông thôn, đô thị, thiết kế xây dựng công trình, nhà ở theo tiêu chí xanh, bền vững trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương, đất nước sẽ là điều kiện tiên quyết để công việc thiết kế, tạo lập kiến trúc thích ứng và ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Dù có những lo ngại về nguy cơ, thảm họa do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhưng đây lại là cơ hội lớn để con người của vùng đồng bằng sông Cửu Long (và cả những vùng khác của đất nước ta) tiếp tục khẳng định những nỗ lực không ngừng đã có trong hàng ngàn, hàng trăm năm qua, vượt qua thử thách, để không những sống hòa hợp với thiên nhiên mà còn phát triển từ nguồn lợi thiên nhiên đã đem lại.
KTS Lưu Đình Khẩn – Hội Kiến trúc sư Long An
Tài liệu tham khảo:
[1]: Địa chí Long An, NXB LA – NXB KHXH, 1989 (Chương I: Tự nhiên, G/ Địa chất, trang 122).
[2]:vnexpress.net (30/7/2016): Chuyện ít biết về cơn bão từng làm chết 3.000 người ở Sài Gòn.
[3]:baocantho.com.vn (24/6/2018): Góp chút tư liệu về « Năm Thìn bão lụt ».
[4]:thatsonchaudoc.com : Nhớ trận bão năm Giáp Thìn 1904 ở Gò Công (Tiền Giang).
[5]:laodong.vn (25/11/2018): Cơn Bão năm Giáp Thìn và lời nhắc 104 năm.
[6]: vi.m.wikipedia.org/Bão Linda (1997); Bão Durian (2006).
[7]: vawr.org.vn (Khoa học công nghệ/Một số trận lũ điển hình và phân vùng ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long)
[8]:vnexpress.net(30/9/2020: Đồng bằng sông Cửu Long những năm lũ lớn).
[9]:Quyết định 99-TTg, ngày 9/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
[10]: Quyết định số 1548/2001/QĐ-TTg, ngày 5/12/2001 của Thủ tướng Chin1h phủ về việc đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập sâu đồng bằng sông Cửu Long năm 2002.
[11]: Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg, ngày 6/11/2001 của Chính phủ về Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đọan 2001-2005.
[12]: Quyết định số 105/QĐ-TTg, ngày 2/8/2002 về chính sách cho hộ dân vùng ngập lũ mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
[13]: (https://baoxaydung.com.vn/mo-hinh-phat-trien-nong-thon-moi-ben-vung-148084.html) 16/04/2015.
[14]:Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
[15]: Nghiên cứu nhà ở và hệ thống dân cư nông thôn sống chung với lũ tại đồng bằng sông Cửu Long – Hội KTS VN và Hội KTS Long An-12/2019).
XEM THÊM:
- Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Dự báo những tác động đến công trình và giải pháp ứng phó
- Cần ứng xử tôn trọng và đúng mực với thiên nhiên
- KTS với thách thức xây nhà ở ứng phó thiên tai bão lũ