Một bài báo học thuật của GS.KTS Andrew Cruse (ĐH Bang Ohio) vừa được xuất bản trên tạp chí Architecture Beyond Europe (ABE Journals) với nhan đề “Tropical Comforts in Vietnam” (Tiện nghi nhiệt đới ở Việt Nam). Kienviet xin được chia sẻ cùng bạn đọc góc nhìn của GS Andrew Cruse.
1.
Bình Thạnh House nằm gần khu trung tâm quận 1, là văn phòng và nơi ở của KTS Shunri Nishizawa ở TP.HCM. Công trình được thiết kế bởi các KTS Nishizawa, Võ Trọng Nghĩa và Daisuke Sanuki; mặt đứng chính của ngôi nhà gồm bức tường hoa gió bằng bê tông xen kẽ với những không gian mở. Toàn bộ mặt đứng gần như được bao phủ bởi các loại cây nhiệt đới.
2.
Những bức tường gió này giúp thông gió và che nắng cho không gian bên trong và đã trở thành một đặc điểm phổ biến về cách tiếp cận quan tâm đến khí hậu của kiến trúc Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, khi chúng tôi chuyển sang nhìn mặt cắt của công trình, chúng tôi nhận thấy rằng những bức tường hoa gió này chỉ là một phần của câu chuyện. Chúng thực sự được đặt xen kẽ với các tầng lắp máy điều hòa không khí có kính chắn. Trong mô tả về công trình, các KTS của ngôi nhà giải thích về hai môi trường sống bên trong như sau: “Concept của ngôi nhà là cung cấp hai lối sống khác nhau ở khí hậu nhiệt đới; một là lối sống tự nhiên và truyền thống, tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên […] và hai là lối sống hiện đại và thoải mái với trang thiết bị tân tiến như điều hòa không khí”. Trong khi dòng mô tả này đưa ra một sự phân chia rõ ràng giữa hai công nghệ và hai “lối sống” khác nhau thì một chuyến tham quan công trình diễn tả mối quan hệ này là hay biến đổi và nhập nhằng. Các không gian có tường hoa gió có thể được đóng lại và mở điều hòa. Không khí tự nhiên có thể được kết hợp với làm mát nhân tạo. Thay vì lựa chọn rõ ràng giữa hai vùng khí hậu khác nhau bên trong, ngôi nhà cho phép bạn có thêm nhiều sự tiện nghi trong khí hậu nhiệt đới ẩm.
3.
Giới học thuật kiến trúc gần đây tập trung vào Việt Nam và Đông Nam Á nói chung, đã nhấn mạnh cách mà các cuộc chạm trán thuộc địa và hậu thuộc địa được phản chiếu trong các phong cách kiến trúc pha trộn, khác với các phạm trù mặc định giữa truyền thống và hiện đại, địa phương và toàn cầu, thuộc địa và thực dân. Trong bài báo này, tôi mở rộng chủ đề bàn luận để xem xét về vấn đề thông gió tự nhiên qua tường hoa gió và điều hòa không khí ở khí hậu Việt Nam. Theo mô tả của các KTS của Nhà Bình Thạnh thì hai loại công nghệ về môi trường này thường được trình bày như hai mặt đối lập. Tuy nhiên, trong trải nghiệm sinh sống của ngôi nhà, chúng kết hợp lại theo nhiều cách khác nhau, tạo ra thứ được gọi là tiện nghi nhiệt đới (tropical comfort). Cụm từ “tiện nghi nhiệt đới” thể hiện một nghịch lý với những sự nhạy cảm của thời đương đại vốn đã quen với một thế giới của máy điều hòa không khí. Vùng nhiệt đới trong lịch sử thường được coi là vùng nóng, nghèo khó và dịch bệnh, hầu như không thích hợp cho việc định cư của người da trắng. Mặt khác, sự tiện nghi hay sự thoải mái đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp điều hòa không khí và gắn liền với khí hậu ôn đới, vốn được xem là hiệu quả và có lợi cho sức khỏe. Một khái niệm cố định về sự thoải mái như vậy bỏ qua những tác động gây mất ổn định hữu ích của khí hậu nhiệt đới. Tiện nghi nhiệt đới phơi bày những vướng mắc giữa truyền thống và hiện đại, tự nhiên và nhân tạo, kĩ thuật và xã hội. Chúng tiết lộ rằng sự thoải mái là một quá trình thương lượng giữa khí hậu, công trình và người cư ngụ trong một bối cảnh chính trị xã hội.
4.
Đầu tiên tôi sẽ xem xét tóm tắt về lịch sử của tường hoa gió và điều hòa không khí ở Việt Nam. Các KTS ở Việt Nam đã đưa tường hoa gió vào đa dạng các phong cách kiến trúc và sử dụng chúng để thông gió tự nhiên cho các không gian bên trong – một nhiệm vụ mà các nhà Hiện đại thường bỏ qua khi quan tâm đến vấn đề che nắng. Điều hòa không khí và các tiêu chuẩn tiện nghi liên quan cho thấy một nghịch lý về nhiệt hiện đại ở Việt Nam, đó là vừa hòa nhập vừa từ chối khí hậu nhiệt đới ẩm. Sau đó, tôi sẽ xem xét đến hai công trình quan trọng ở Sài Gòn là Dinh Độc Lập (KTS Ngô Viết Thụ, 1966) và Tòa nhà Sứ quán Hoa Kỳ (KTS Curtis và Davis, Adrian Wilson & Asociates, 1967), cả hai công trình đều có tường hoa gió và điều hòa không khí. Mặc dù hai tòa nhà này được xây dựng bởi các đồng minh trong cuộc chiến mà người Việt Nam gọi là Chiến tranh chống Mỹ và hoàn thành cách nhau một năm nhưng lại tạo ra những tiện nghi nhiệt đới khá khác nhau. Dinh Độc Lập kết nối các điều kiện khí hậu bên trong và bên ngoài. Ngược lại, Sứ quán Hoa Kỳ đã tách biệt bên trong với các điều kiện địa chính trị và địa vật lý không ổn định từ bên ngoài. Việc các yếu tố giống nhau có thể tạo ra các điều kiện khác nhau như vậy làm nổi bật cấu trúc xã hội về tính tiện nghi. Tôi sẽ đúc kết bằng một vài quan sát về việc làm thế nào mà những hiểu biết lịch sử về tiện nghi nhiệt đới Việt Nam đã đưa đến một cách hiểu quan trọng về mặt chính trị và đa sắc hơn về kiến trúc trong nước gần đây.
Tường hoa gió ở Việt Nam
5.
Kiến trúc tường hoa gió được tìm thấy phổ biến ở kiến trúc nhiệt đới giữa thế kỷ trước và trong các công trình kiến trúc khí hậu phong cách Hiện đại. Các kiến trúc sư của những công trình này thường tìm đến tính bản địa để làm nguồn cảm hứng cho các thiết kế đương đại, nhạy cảm với khí hậu của họ. Dẫn chứng hai ví dụ nổi tiếng là Trường đại học của Maxwell Fry và Jane Drew ở Idaban, Nigeria (1957). Các công trình này đã giới thiệu việc sử dụng rộng rãi tường hoa gió để làm dịu các không gian nhỏ xung quanh kí túc xá và các khối lớp học. Hannah le Roux đã mô tả những bức tường hoa này là “sự hấp thụ về mặt không gian và hình thức bản xứ […] vào trong thẩm mỹ phương Tây”. Bức tường hoa gió của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở New Delhi (1958) của kiến trúc sư Edward Durell Stone cũng đã trình bày một hình ảnh về sự dẫn dắt về văn hóa thông qua sự nhạy cảm với khí hậu lấy cảm hứng từ kiến trúc bản địa Ấn Độ và khối gạch hoa văn của KTS Frank Lloyd Wright (được lấy cảm hứng từ kiến trúc Mesoamerican). Trong quy chuẩn của phương Tây hiện đại, cách tiếp cận ý thức đến khí hậu này thường được quy về Le Corbusier, và vai trò của khí hậu nhiệt đới trong sự phát triển lam che nắng (brise-soleil), từ ví dụ đầu tiên là Villa Baizeau (Tunis, 1928) đến kĩ thuật hình học điêu luyện của Tour d’ombres (Chandigarh, 1950-1965).
6.
Những bức tường chắn này thường được gắn với vai trò kiểm soát bức xạ không mong muốn bằng cách đổ bóng mặt đứng chịu nhiệt vào bên trong công trình. Thường có một sự không chặt chẽ giữa vai trò che nắng của tường chắn (screen) với các kiểu khí hậu, ở nơi mà người ta nhìn thấy chúng. Phạm vi này trải dài từ khí hậu nhiệt đới ẩm và khô cho đến các vùng ôn đới hơn, nơi mà các nhà thiết kế có thể tùy chỉnh theo mùa các bức tường chắn để tách ánh nắng góc cao mùa hè không mong muốn khỏi ánh nắng góc thấp mong muốn vào mùa đông.
7.
Chủ nghĩa hiện đại tập trung vào vai trò của bức tường thông gió trong việc che nắng và sự không chặt chẽ của chúng với khí hậu có thể che khuất vai trò quan trọng của những bức tường chắn trong vấn đề thông gió tự nhiên ở khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Ở những khí hậu nóng ẩm, việc thúc đẩy lưu thông không khí là kĩ thuật làm mát quan trọng tận dụng quá trình dẫn nhiệt và bay hơi. Phần lớn kiến trúc bản địa Việt Nam được xây dựng bằng tường không chịu lực dưới mái nhà bằng gỗ được đỡ trên cột. Nhìn chung, mái nhà kiểm soát nhiệt hấp thụ trong khi tường nhà cho phép thông gió tự nhiên với mức độ riêng tư nhất định. Thợ xây thường làm các bức tường này từ các tấm đan lát, chẳng hạn như nhà tranh truyền thống (thatched house). Các tấm đan này thường được làm từ vật liệu có sẵn tại địa phương như tre, lá dừa, cói, sợi đay. Trong các câu chuyện kể lại, các kiến trúc sư và kĩ sư thuộc địa Pháp cũng đã vay mượn một số vật liệu và kĩ thuật phi công nghiệp này, điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với công việc của họ. Các kiến trúc sư ngày nay thường xuyên kiểm tra những kĩ thuật đó như một phần của bài luận về tính bền vững.
8.
Trong lịch sử kiến trúc Việt Nam bằng tiếng Anh, danh pháp dùng để mô tả những bức tường hoa gió thường được gắn với chủ nghĩa kiến trúc hiện đại mà vai trò của chúng thiên về che nắng thay vì thông gió. Các mô tả bằng tiếng Anh thường dùng là “brise-soleil”, “shade blocks”, “pattern blocks”, các thuật ngữ sử dụng thường liên quan đến truyền thống của kiến trúc nhiệt đới và chủ nghĩa hiện đại theo hướng khí hậu. Người ta cũng tìm thấy các thuật ngữ “claustra”, “breeze blocks”. “Claustra” là một thuật ngữ tiếng Pháp cũ dùng để chỉ một lớp màn nhẹ, đục lỗ và không mang bất kỳ ý nghĩa nào của chủ nghĩa hiện đại. Trong khi thuật ngữ “breeze blocks” có thể ám chỉ rằng khối xây đóng một vai trò trong thông gió tự nhiên, “breeze” trong thực tế mô tả một loại cặn mịn có nguồn gốc từ than cốc đốt và được sử dụng làm cốt liệu nhẹ.
9.
Trong tiếng Việt, các danh từ ghép dùng để mô tả những bức tường này nhấn mạnh vai trò của chúng trong việc thông gió tự nhiên hơn là che nắng. Người Việt thường gọi chúng bằng các thuật ngữ như: gạch thông gió, gạch hoa thông gió, gạch hoa gió hay gạch bông gió. Những thuật ngữ này được tạo ra từ sự kết hợp khác nhau của các từ: gạch (brick hay mansory), thông gió hay bông gió (ventilation hay passing wind), và hoa (flower). Thuật ngữ “hoa” (flower) có thể tham chiếu đến một thuật ngữ của Trung Quốc là “flower window” (花窗), dùng để mô tả gạch tráng men, đục lỗ, được đúc theo hoa văn trang trí và phổ biến trong kiến trúc truyền thống Trung Hoa. Người ta cũng tìm thấy từ mượn kết hợp “tường claustra” (claustra wall), mặc dù việc dùng nó thì không được phổ biến.
10.
Các yếu tố tường hoa gió ở Việt Nam tồn tại dưới nhiều dạng vật liệu, hình dáng và kích thước, được gắn liền với thực tiễn xây dựng truyền thống cũng như hiện đại. Các vật liệu truyền thống tự nhiên như gỗ, tre cọ và các vật liệu hiện đại như bê tông và gạch xây được sản xuất công nghiệp gồm gạch, gạch nung, gạch gốm tráng men và đá mài. Đất sét và gạch đất nung là vật liệu xây dựng vùng miền phổ biến trên khắp Việt Nam. Thợ nề có thể đặt gạch hay các viên gạch bê tông cho các bức tường hoa theo dạng liên kết mở. Cửa sổ hình hoa thường được làm bằng gốm tráng men và được sản xuất bởi người Hoa di cư đến xứ Đông Dương. Cửa sổ hoa thường được sử dụng để tạo khoảng mở trong các bức tường xây đặc. Người Pháp du nhập bê tông và đá mài vào Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 và chúng vẫn là những vật liệu được sử dụng phổ biến để xây tường ngăn ngày nay. Bê tông có thể được đúc sẵn theo hình dạng mở, sử dụng các kĩ thuật tương tự để đúc các viên bê tông điển hình. Đối với các dự án có ngân sách lớn hơn, thợ thủ công đúc các hình dạng tùy chỉnh cho bê tông hoặc đá mài thường lớn hơn nhiều so với các khối xây tiêu chuẩn.
11.
Các nhà sử học và phê bình đã nhận định những bức tường bông gió là một đặc điểm phổ biến của kiến trúc Việt Nam từ giữa thế kỷ trước cho đến ngày nay, đặc biệt ở miền Nam Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò che nắng của chúng. Khi làm như vậy, họ có nguy cơ bỏ qua vai trò của những bức tường chắn này trong vấn đề thông gió tự nhiên. Không có sự phân biệt rạch ròi giữa các bức tường chắn nắng và tường thông gió. Trên thực tế, mái bằng trong nhiều công trình hiện đại chỉ ra rằng mặt đứng thực hiện cả hai vai trò. Một dấu hiệu cho thấy bức tường chắn đóng một vai trò quan trọng trong thông gió tự nhiên đó là sự tích hợp của nó vào tổ chức không gian của toà nhà. Về mặt không gian, các KTS đã sử dụng tường chắn vào mục đích thông gió theo ba cách chính: thông gió cho các phòng đơn lẻ, thông gió cho các không gian đệm thường dùng cho lưu thông như hàng hiên (veranda) và trong một phần của chiến lược mặt bằng tự do hay mặt cắt tự do, mở rộng vào sâu bên trong công trình. Các KTS Việt Nam và quốc tế đã sử dụng tường thông gió như một phần của chiến lược thông gió công trình trong suốt thời kỳ thuộc địa và hậu thuộc địa. Vai trò của những bức màn chắn này đã phát triển từ các yếu tố mặt đứng riêng biệt trong các công trình hiện đại lấy cảm hứng từ địa phương, dần trở thành yếu tố mặt đứng chính. Một số kiến trúc sư đã nói dứt khoát về các tham chiếu đến truyền thống bản địa, trong khi số khác thì đề cập đến các yếu tố lịch sử bằng một ngôn ngữ hiện đại đồng nhất hơn. Số khác thì vẫn im lặng về chủ đề này.
12.
Caroline Herbelin đã mô tả cách nhà đô thị và kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard đã chủ ý sử dụng các chiến lược bản địa, bao gồm tường hoa gió mà ông gọi là phong cách Đông Dương. Mặc dù Hébrard chỉ ở thuộc địa khoảng 5 năm, cách tiếp cận hiện đại theo vùng miền của ông đã ảnh hưởng đến các KTS thuộc địa Pháp và Việt Nam sau này. Theo mô tả của Herbelin, Hébrard thích sử dụng cú pháp hơn là từ vựng của kiến trúc bản địa Việt Nam, đặc biệt là nó thuộc về hình thức và các giải pháp kĩ thuật để giảm bớt độ ẩm và nhiệt độ cao. Điều này có nghĩa là sử dụng mái nhà để kiểm soát mặt trời và tường chắn để thông gió tự nhiên. Bảo tàng Blanchard de la Brosse (Sài Gòn, 1929, nay là Bảo tàng lịch sử Việt Nam) do Auguste Delaval thiết kế theo phong cách Đông Dương, thể hiện một cách tiếp cận như vậy. Mái hai lớp lợp ngói của công trình che lấy các không gian sử dụng, các cửa sổ hoa cao và thấp giúp thông gió cho không gian trưng bày bằng hệ thống thông gió đứng (stack ventilation).
13.
Chiến lược thông gió tự nhiên tương tự được tìm thấy trong công trình nhà ở được thực hiện bởi hai trong số các KTS Việt Nam đầu tiên thực hành độc lập: KTS Nguyễn Cao Luyện và KTS Hoàng Như Tiếp, cả hai đều tốt nghiệp trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương (Ecole des beaux-arts de l’Indochine). Phương pháp sư phạm của trường bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cách tiếp cận theo chủ nghĩa vùng miền của Hébrard thông qua sự giảng dạy của Arthur Kruze. Theo mô tả của Herbelin, vào giữa thập niên 1930, ông Luyện và ông Tiếp đã viết một chuỗi các bài viết về thích ứng với khí hậu, bao gồm các cuộc thảo luận về che chắn và thông gió tự nhiên. Các công trình của họ gồm một số căn biệt thự hiện đại cho các khách hàng giàu có người Việt. Những ngôi nhà này có mái bằng, có mái đua che cho các cửa sổ độc lập để tránh nắng. Ngoài ra, nó còn có các lỗ thông gió kín đáo thường được đặt phía dưới mái nhà nhô ra để thoát hơi nóng từ trần nhà ra khỏi phòng.
14.
Các KTS Pháp thực hành tại Việt Nam đã kết hợp tường hoa gió vào trong các công trình thương mại và dân dụng theo phong cách Art Deco để làm mát và che nắng cho các không gian đệm như cầu thang và lối vào. Những bức tường này đã tạo ra một vùng đệm ôn hoà trong các khu vực chuyển tiếp giữa bên trong và bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội (KTS Félix Dumail, 1926 và KTS Georges André Trouvé, 1930) có một lối vào nửa tròn được kết hợp với tấm hoa gió có hoạ tiết lấy cảm hứng từ văn hoá Chăm. Toà nhà Batiment de la Marine nationale ở Sài Gòn (nay là Văn phòng Chính Phủ, số 7 Lê Duẩn, Quận 1); do KTS Paul Veysseyre thiết kế, sử dụng những viên bê tông đúc sẵn tạo thành bức tường bông gió để bao lấy hai tháp cầu thang bên ngoài.
15.
Đến giữa thế kỷ trước, kích cỡ của một số bức tường hoa gió đã tăng lên để có thể bao phủ được một mặt đứng lớn. Các không gian phía sau đóng vai trò như một vùng đệm như hàng hiên, một đặc điểm có nguồn gốc từ cả truyền thống bản địa và thuộc địa ở Việt Nam và các nơi khác. Việc có một không gian mở ngay lập tức sau một bức tường hoa gió lớn là một điều quan trọng để bảo vệ không gian nội thất suốt thời điểm gió mùa khi mưa theo gió sẽ tạt vào trong qua bức tường hoa. Chúng ta có thể thấy cách tiếp cận đó qua Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM (KTS Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện, 1971). (Ảnh 3) Các kiến trúc sư đã bao che cho khối tích đơn giản của công trình bằng một mái bê tông phẳng, dày được đỡ bằng hệ cột, dầm mảnh với một bức màn hoa gió lớn. Bức màn là sự tái hiện của cửa sổ hoa truyền thống như một tấm màn bê tông hoành tráng bao phủ gần như toàn bộ mặt đứng chính. Bức màn bảo vệ cho không gian đi lại bên ngoài phòng đọc chính hai tầng của thư viện. Mặt đứng phía trong của lối đi này có cửa sổ đóng mở, cho phép phòng đọc chính mở gián tiếp ra bên ngoài.
16.
Mặc dù có ít thông tin của các công trình xây dựng mới ở miền Bắc hơn miền Nam Việt Nam, các kiến trúc sư Việt Nam và ngoại quốc đã thiết kế các công trình hiện đại nổi bật có kết hợp các bức tường hoa gió. Có nhiều công trình trong khuôn viên Đại học Bách Khoa Hà Nội (1965) đã áp dụng rộng rãi cách che nắng cầu thang ngoại thất và lối đi bên ngoài lớp học và văn phòng các khoa. Không lâu sau khi mở cửa, một nhà báo phương Tây đã mô tả ngôi trường là “công trình mới quan trọng duy nhất” tại Hà Nội. Mặt đứng của công trình đa dạng từ kiểu liên kết mở được đặt bằng gạch đặc cho đến các viên bê tông rỗng đúc sẵn. Các kiến trúc sư Xô Viết từ Viện Thiết kế Trường đại học Quốc gia đã thiết kế khuôn viên và các toà nhà trên nền khuôn viên Đại học do người Pháp thiết kế trước đó cho giáo dục đại học ở Hà Nội. Tại thời điểm thiết kế xây dựng của công trình, người Xô Viết đang phát triển các hướng dẫn kĩ thuật cho các dự án khác của họ ở vùng nhiệt đới châu Phi, bao gồm thông tin thời tiết và các lựa chọn che nắng. Không rõ liệu các hướng dẫn đó có tồn tại cho dự án này tại Đông Nam Á hay không và liệu các hướng dẫn đó có đề cập đến thông gió tự nhiên không.
17.
KTS Lê Văn Lân (được đào tạo tại Đông Đức) đã hoàn thành công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội (1976), cùng năm với công trình Đài Phát thanh Nhân dân của ông tại Sài Gòn. Ông đã sử dụng tường gió để xác định mặt đứng chính ở cả hai công trình. Cung Thiếu nhi có thiết kế đơn giản hơn về mặt kĩ thuật trong khi ở công trình Đài phát thanh, việc kết hợp tường hoa gió theo không gian của công trình lại kì công hơn. Tường hoa gió ở Cung Thiếu nhi được bố trí ở ba không gian khác nhau ở các tầng riêng biệt. Bức tường hoa gió làm dịu đi lối đi bên ngoài và cầu thang ở các tầng thấp hơn. Nó cho phép thông gió chéo cho các phòng thông qua các tầng trung gian. Nó còn được sử dụng để tăng thông thoáng cho các phòng nhỏ nằm dọc theo các hành lang ở các tầng trên.
18.
Việc bóc tách những bức tường hoa gió ở Việt Nam làm rõ việc các kiến trúc sư của Nhà Bình Thạnh đã xem những bức tường này như “một phong cách sống truyền thống” vì nó thông gió tự nhiên cho không gian mở bên trong, cung cấp sự mát mẻ mà không cần đến điều hoà không khí. Di sản này thể hiện rõ trong thuật ngữ tiếng Việt, dùng để mô tả những đơn vị nhỏ dùng để xây những bức tường như vậy. Tuy nhiên, ý nghĩa của chúng thì không cố định như thuật ngữ này chỉ ra. Các kiến trúc sư ở Việt Nam sử dụng ngày càng nhiều những bức tường hoa gió lớn với các chức năng ngày càng rõ rệt, từ khoảng mở riêng lẻ đến các dạng tấm lớn, đến các yếu tố chi phối mặt đứng. Song song với những thay đổi từ bên ngoài, các kiến trúc sư đã tích hợp mặt đứng dạng màn che với các tổ chức nội thất kiểu mới, đa dạng từ các phòng độc lập, đến hàng hiên và các không gian lưu thông, đến dạng mặt cắt và mặt bằng tự do. Sự xuất hiện của điều hoà không khí ở Việt Nam càng mở rộng khả năng tạo ra tính tiện nghi nhiệt đới trong các công trình có màn chắn và không màn chắn.
Bạn đọc tham khảo bài viết gốc tại đây.
(còn tiếp)
Dịch: Anh Tuấn | Nguồn: Open Editon Journals
XEM THÊM
- Cải tạo công trình kiến trúc cổ Bắc Kinh thành khu đa chức năng
- “Mái nhà xanh” của Viện Công nghệ Tokyo do Kengo Kuma thiết kế
- Vấn đề đa dạng sinh học trong đô thị