Chuyên mục  


Đó là một di sản đặc trưng của Huế, dù nhà rường không chỉ là của riêng cố đô. Phía bắc Huế - Quảng Trị, Quảng Bình cũng có nhà rường. Phía nam Huế - Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng có nhà rường. Thậm chí nhà rường còn xuất hiện ở cả Tây Nam Bộ. Dù vậy, hễ nói đến nhà rường là người ta lại lập tức nghĩ đến Huế!

Chỉ vì một điều thật đơn giản, ở Huế từ vua chúa đến người dân đều ở nhà rường.

Nhà rường là một phần của văn hóa Huế.

nharuonghue01.jpg

nharuonghue02.jpg

nharuonghue06.jpg

Nhà rường hẳn có từ rất sớm, ba trăm hay bốn trăm năm trước, thậm chí có thể còn sớm hơn nữa. Giữa thế kỷ XVIII, các giáo sỹ, thương nhân người nước ngoài đến Huế đã mô tả chúa Nguyễn ở trong những ngôi nhà rường bóng lộn với cột kèo chạm trổ tinh vi. Đó là khi nhà rường đã hoàn thiện về kết cấu và mỹ thuật. Còn quá trình hình thành, chuyển biến để tạo lập nên một loại hình kiến trúc có quy tắc và phong cách riêng hẳn không đơn giản. Tôi vẫn cho rằng, nhà rường có gốc từ miền Bắc, có thể khởi thủy là căn nhà sàn gỗ của người Mường vùng Thanh-Nghệ, theo chân những di dân nam tiến từ thế kỷ XIV-XV, rồi được thay đổi để phù hợp với phong thổ của vùng đất mới.

Nhà rường Huế không chỉ là một ngôi nhà gỗ. Nói đến nhà rường người ta lại lập tức nghĩ đến không gian vườn bao quanh nó. Nhà rường Huế thường được đặt trong một không gian rộng, có khuôn viên vây quanh, có thể là bức tường thành kiên cố hay chỉ là hàng chè tàu được cắt tỉa gọn gàng. Trong không gian ấy vườn luôn chiếm tỉ lệ lớn với màu xanh bao phủ bốn mùa. Công trình kiến trúc tuy chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng là một tổ hợp hoàn chỉnh với nhà chính, nhà phụ (hay nhà ngang), am miếu, bình phong, cổng, đôi khi có cả mồ mả của tổ tiên hay người thân trong gia đình. Cách bố trí tổ hợp trên cũng có vài kiểu đặc trưng: kiểu chữ Đinh, kiểu chữ Khẩu hay “Nội Công Ngoại Quốc”. Dù kiểu nào thì tính khép kín và hướng nội của nhà vườn Huế cũng thể hiện rất rõ, trong đó ngôi nhà chính-nhà rường luôn chiếm vị trí trung tâm ở mọi ý nghĩa.

nharuonghue04.jpg

Nhà rường Huế thực chất có nhiều loại hình.

Căn cứ vào vật liệu xây dựng để phân loại thì có nhà gỗ, nhà tre, nhà tranh, nhà phên, nhà lá, nhà ngói... Căn cứ vào cấu trúc không gian để phân loại thì có nhà một gian, nhà 1 gian 2 chái (hay 1 căn 2 chái), nhà 3 gian, nhà 3 gian 2 chái, nhà 5 gian, nhà đơn, nhà kép... Căn cứ vào hình dáng để phân loại thì có nhà vuông, nhà bánh ú, nhà băng... Căn cứ vào kết cấu bộ vì lại có nhà rường, nhà rội..vv.

Nhưng phổ biến nhất vẫn là ngôi nhà rường 1 gian 2 chái. Đây là ngôi nhà tiêu chuẩn mà người xưa sử dụng để giải thích về cách thức dựng nhà rường.

Về mặt kết cấu, quan trọng nhất đối với một ngôi nhà rường là bộ khung gỗ, hay bộ giàn trò. Đây là một tổ hợp các cấu kiện cột-kèo-xuyên-trến (còn gọi trếnh hay trính)- xà-đòn tay được ráp nối với nhau hoàn toàn bằng liên kết mộng, tạo nên bộ khung vững chắc của công trình. Bộ giàn trò ấy được đặt trên một mặt nền đắp cao thông qua các chân đá táng (hay đá tán, đá tảng) được gọt đẻo công phu hình vuông, chữ nhật, hình búp sen hay hình trái bí ngô (bí đỏ) để chống ẩm mốc, và cũng chứng tỏ sự quý giá của công trình.

nharuonghue07.jpg

nharuonghue08.jpg

nharuonghue13.jpg

nharuonghue10.jpg

Nền nhà thường đắp bằng đất sạch, có trộn thêm vôi, tro để chống mối, chống ẩm, và được đầm chặt bằng nhiều lớp. Có nơi, trên nền đất yếu, người ta còn biết dùng cả kỹ thuật khoan nhồi cọc cát để gia cường cho nền nhà. Kỹ thuật này về sau được sử dụng khá phổ biến trong kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Với người giàu có, nền nhà thường được bó vỉa bằng đá thanh, đá cẩm thạch; người bình thường thì dùng đá tổ ong, đá núi hay gạch vồ để bó vỉa. Mặt nền thì lát gạch Bát Tràng, gạch hoa tráng men, thậm chí chỉ để nền đất không.

Hệ mái của nhà rường Huế thường có độ dốc lớn để phù hợp với vùng đất có lượng mưa cực đoan. Nhà rường thường gồm 4 mái, lợp bằng ngói âm dương, ngói liệt hay lợp tranh. Dù lợp ngói hay lợp tranh thì mái cũng được lợp rất dày để tăng tác dụng cố định bộ khung xuống nền nhà và để cách nhiệt.

Về mặt không gian, nhà rường được tạo nên theo các nguyên tắc và triết lí phương Đông truyền thống. Triết lý ấy giải thích rằng, vạn vật vốn sinh ra từ cái đơn nhất (Thái Cực), nhưng cái đơn nhất ấy lại bao hàm hai nửa đối lập luôn tương tác với nhau (Lưỡng Nghi). Từ đó mới tỏa ra bốn phương, tám hướng (Tứ Tượng, Bát Quái) để sinh thành muôn loài. Chính vì thế mà để dựng một ngôi nhà rường, việc đầu tiên là phải xác định được điểm trung tâm (người Huế gọi là điểm Giáp Chuông). Đây là điểm giao nhau giữa hai đường tim nhà (theo trục Bắc-Nam và trục Đông-Tây). Từ điểm này người ta mới tính ra các phía Tiền (phía trước, được xem là phía Nam), Hậu (phía sau, phía Bắc), Tả (bên trái, phía Đông) và Hữu (bên phải, phía Tây). Các cấu kiện thuộc bộ giàn trò, gồm cả cột, kèo, xuyên, trến, xà... đều được định vị theo nguyên tắc này.

nharuonghue09.jpg

nharuonghue12.jpg

nharuonghue11.jpg

Không gian sử dụng của nhà rường thường được chia thành 4 phần chính có vách gỗ ngăn riêng: Gian giữa dành cho việc tiếp khách (phía ngoài) và thờ cúng Thần Phật, tổ tiên (phía trong); buồng phía Đông (Đông phòng) dành cho gia chủ (nam giới); buồng phía Tây dành cho mẹ hoặc vợ của gia chủ (nữ giới); phần phía sau nối suốt từ phía Đông qua phía Tây (gọi là Hậu liêu) thì dành làm phòng ngủ cho con cái hoặc làm kho.

Có một không gian thứ 5 cũng rất quan trọng trong ngôi nhà rường là cái Tra (hay Rầm Thượng). Đây là một cái kho đóng kín bằng ván, được đặt ngay trên trần nhà của gian giữa hoặc chạy suốt cả các gian. Tất cả lương thực hay của cải quý giá của gia đình đều được cất trong chiếc kho này. Ở những vùng thấp trũng, cái Tra còn là nơi để cả gia đình nương náu trong những ngày lũ lụt.

Và theo thiển ý của người viết, cái tra cũng chính là lưu ảnh của ngôi nhà sàn cổ xưa, nguồn gốc sản sinh ra nhà rường.

Gỗ, vật liệu chính cho nhà rường Huế cũng thể hiện rõ tính chất địa phương của loại hình kiến trúc này. Người Huế chuộng nhất là các loại mít, gõ làm cột, kiền kiền, chua, huỷnh làm hệ khung mái. Gỗ lim thì hầu như không dùng vì cho là thứ linh mộc và rất độc. Gỗ làm nhà phải để thật khô để khỏi cong vênh. Các thứ vật liệu khác như đá dùng để đẻo chân táng, ngói lợp, gạch xây, gạch lát cũng được chọn lựa cẩn thận.

nharuonghue05.jpg

Gắn liền với việc dựng nhà rường là rất nhiều nghi lễ truyền thống.

Đầu tiên là lễ Phạt Mộc (hay lễ Phở Gỗ), tức lễ đẻo gỗ tượng trưng để chuẩn bị dựng nhà. Cây gỗ được chọn thường là cây đòn Đô-ông (hay đòn Nóc-tức đòn tay nóc). Sau vài nhát đẻo, người thợ cả sẽ làm một cây thước chuẩn (con cán) để dùng làm nhà và dùng cho việc tu sửa nhà sau này. Về công năng và ý nghĩa, cây thước này rất giống cây thước tầm của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Tiếp đến là lễ Động Thổ để lễ cáo với thổ thần, chính thức khởi công công trình. Sau khi công trình được khởi công vẫn còn nhiều lễ khác: Lễ Thượng Trụ để dựng bộ vì đầu tiên của ngôi nhà; lễ Thượng Lương để đặt đòn Đôông; lễ Gài Nóc để bắt đầu lợp mái công trình... Rồi khi ngôi nhà đã hoàn thiện lại có lễ Tống Mộc để xua đuổi ma quỷ tránh xa khỏi bộ giàn trò; lễ Nhập Trạch để xin phép thổ thần cho gia chủ dọn về nhà mới; lễ An Vị để cung nghinh ông bà vào nhà. Và cuối cùng mới là lễ Tân Gia để gia chủ lễ tạ các thần thánh và mời khách khứa, bạn bè mừng ngôi nhà mới.

Xong ngôi nhà chính, đến lượt nhà ngang, bếp, nhà vệ sinh, bình phong, non bộ, cổng... cũng được tính toán và xây cất cẩn thận để hợp với phong thủy. Ngay cả việc chọn và bố trí cây trồng như thế nào cũng hết sức quan trọng.

nharuonghue03.jpg

Nói tóm lại, việc dựng một ngôi nhà rường đối với người Huế luôn là một sự kiện trọng đại. Thường là người đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” thì mới dám dựng nhà. Rồi ngôi nhà, và khu vườn gắn liền với nó đều được chăm chút rất cẩn thận, bởi nó chính là cái để thể hiện trình độ văn hóa và vị trí xã hội của chủ nhân.

Đất nước đang thay đổi rất nhanh. Huế cũng vậy. Cơn lốc kinh tế thị trường đã và đang cuốn phăng đi nhiều thứ của Huế xưa, trong đó có nhà rường/nhà vườn mà đặc biệt là hệ thống phủ đệ từng làm nên vẻ quyền quý cao sang của kinh đô một thuở. Một nét văn hóa vốn được xem là đặc trưng của Huế, nay đang phôi pha!

Rất nhiều người Huế và những người yêu Huế đang lo lắng. Rồi Cố đô liệu có còn nhà rường/nhà vườn? Và cả vẻ đẹp cao sang quý phái của Huế xưa?!

Phan Thanh Hải (2008)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020