Chuyên mục  


Vợ chồng thu nhập 40 triệu/tháng mua nhà 3 tỷ

Gia đình Nhã Cúc (30 tuổi, kinh doanh tự do) gồm vợ chồng và hai con nhỏ đang sở hữu căn hộ 80m2, gồm 3 phòng ngủ ở Hà Nội. Giá mua căn nhà là 3,1 tỷ đồng với chi phí nội thất khoảng 300 triệu đồng. Được biết tính đến khi nhận nhà, vợ chồng cô đã vay ngân hàng khoảng 400 triệu đồng.

Vợ chồng Nhã Cúc chốt mua căn hộ cách đây 2 năm, khi dự án mới bắt đầu xây nên giá thành mua nhà còn rẻ hơn so với giá trị thị trường hiện tại. 

photo-8-1683618710459670455561-17001254408271789034943-1700189652768-1700189652872366471847.jpg

Nhã Cúc (Ảnh: NVCC)

Cụ thể, vợ chồng Nhã Cúc mua nhà khi dự án bắt đầu triển khai xây dựng, chủ đầu tư sẽ chia ra thành khoảng 8 đợt, trả tiền trong vòng 2 năm. Trung bình mỗi đợt, vợ chồng cô đóng khoảng 300 - 400 triệu đồng, lần cuối cùng sẽ nộp khoảng 10% giá trị căn hộ khi nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, Nhã Cúc nhấn mạnh việc mua căn hộ theo tiến độ dự án thường tồn tại rủi ro do đó người mua cần tìm hiểu kỹ trước khi chính thức đóng tiền cọc và ký hợp đồng.

Thời điểm mới cưới, tổng thu nhập của hai vợ chồng là khoảng 40 triệu đồng/tháng. Trước khi mua nhà, họ còn sống chung nhà với bố mẹ nên có thể tiết kiệm khoảng 25-30 triệu/tháng. Một năm tiếp theo, với số tiền để dành này, cộng thêm hỗ trợ từ phụ huynh, họ đã mua căn nhà đầu tiên. Sau đó, vợ chồng tìm cách tăng thêm thu nhập từ công việc kinh doanh.

Ngoài ra, sau khi mua nhà cũng là lúc vợ chồng Nhã Cúc có em bé đầu tiên, nên chi phí sinh hoạt cũng tăng nhiều. Trong thời gian này, gia đình cố gắng làm nhiều công việc, gia tăng thu nhập, đồng thời chi tiêu hợp lý hơn. Bấy giờ, khoản chi của gia đình chủ yếu dành cho con và những chi phí cần thiết, trong khi khoản tiền giải trí của bố mẹ giảm đi. 

Theo cá nhân Nhã Cúc, mọi người nên có mục tiêu mua nhà càng sớm càng tốt, vì giá bất động sản có xu hướng luôn tăng trong dài hạn. Kể cả khi vay nợ mua nhà, nếu đã lập gia đình và có con, vợ chồng thường sẽ có động lực kiếm tiền, chi tiêu hợp lý hơn. Nhã Cúc cho rằng khi có vốn là khoảng 50% giá trị bất động sản thì có thể cân nhắc mua nhà được rồi, thiếu tiền có thể đi vay ngân hàng rồi trả dần.

img3510-1683615611633260624004-1683618911653171641147-1700125595171352927375-1700189653403-17001896534911352168393.jpgphoto-6-16836186429371938743860-1700125595171445302509-1700189654056-1700189654130482050399.jpg

Nhà của Nhã Cúc (Ảnh: NVCC)

Chàng độc thân thu nhập 30 - 40 triệu/tháng mua nhà 2,5 tỷ 

Cách đây 4 năm, Trọng Phong (29 tuổi, Đà Nẵng, nhân viên văn phòng tại một công ty nước ngoài) đã mua căn nhà đầu tiên. Lúc bấy giờ, với tổng thu nhập 30 - 40 triệu đồng/tháng, cộng thêm sự hỗ trợ từ ba mẹ, chàng trai vẫn phải xoay xở rất nhiều để trả tiền vay nợ mua nhà từ ngân hàng. 

Trọng Phong nói về nguyên nhân quyết định mua nhà: "Giữa năm 2019, cơn sốt nhà đất tăng lên khiến mình cũng lục đục lên kế hoạch mua nhà. Khi mà giá bất động sản tăng 2-3 lần mỗi năm, nhưng lương thì tăng chẳng đáng kể, dựa trên tình hình tài chính, mình chốt mua 1 căn hộ trung cấp tại Đà Nẵng. Giá khi đó vào khoảng 2,5 tỷ đồng cho 1 căn hộ 2 phòng ngủ. 

Khi đó, số tiền 2,5 tỷ đồng có chút quá sức so với khả năng tài chính của mình. Nhưng với suy nghĩ, mua căn hộ khi thị trường đang lên thế này thì không sợ lỗ, và vị trí căn hộ quá vừa ý. Nên sau khi bàn bạc cùng ba mẹ, mình đã xuống tiền mua".

Sau đó, chàng trai vay thêm ngân hàng 50% giá trị căn hộ để đủ tiền mua nhà, đồng thời có dư ra một ít để làm nội thất. Trọng Phong đặt kế hoạch trả hết nợ trong 5 năm với mục tiêu "trả nợ càng sớm càng tốt, tránh cho tiền lãi tăng nhanh". Hàng tháng, anh chàng cần bỏ 23 triệu đồng/tháng để trả nợ mua nhà, tính cả lãi, tức khoảng hơn 50% thu nhập.

64b2698f824760a60b7d8cdd45336f4e-1700125713840931373392-1700189654715-17001896547701269330487.jpg

Ảnh minh hoạ

Trọng Phong chia sẻ: "Qua thời gian trả nợ 3 năm vừa rồi, đôi khi mình thấy rất kiệt sức, vì gần như số tiền làm được đều phải trả nợ. Cảm giác cứ đến cuối tháng, tiền lương bỗng bay hết sạch thật sự không dễ chịu chút nào. Nhưng đâm lao thì phải theo lao, mình tìm mọi cách để khiến tài chính cá nhân dễ thở hơn đôi chút. 

Thời điểm hiện tại, mình cũng đã bớt chật vật trong chuyện chi tiêu. Và mình muốn nhắn nhủ đến những người trẻ: 'Nếu muốn mua nhà, hãy lựa chọn dựa trên khả năng tài chính của bản thân'. Vì nếu vượt qua mức bạn có thể chi trả, đó đúng là cơn ác mộng nếu bạn không thể xoay được tiền từ khoản khác".

Vậy anh chàng này đã hoàn thành mục tiêu trả nợ mua nhà thế nào?

1. Giảm chi tiêu - Tăng tiết kiệm

Khoảng 1 năm đầu tiên, Trọng Phong rất hay rơi vào tình trạng "tiêu trước hụt sau, tiền lương tháng sau bù vào tiền chi tiêu tháng này, khiến cho việc tiết kiệm trước đó bị bỏ hẳn sang 1 bên". Khi đó, chàng trai quyết định việc đầu tiên cần làm là giảm mức chi tiêu xuống thấp nhất có thể và tăng tiết kiệm. Bởi bấy giờ, anh chưa có thu nhập nào khác trừ công việc văn phòng.

Dưới đây là cách chàng trai tiết kiệm chi tiêu:

- Giảm tiền điện nước: So với thời điểm chưa mua nhà, Trọng Phong đã bớt được tiền đi thuê nhà ở. Mục tiêu lúc này của anh là chuyển sang tiết kiệm những chi phí khi sống tại chung cư gồm tiền điện, nước, mạng, bảo dưỡng căn hộ hàng tháng... "Số tiền này không quá lớn, nhưng hãy suy nghĩ tích tiểu thành đại. Giảm được vài trăm ngàn tiền điện là ổn rồi", Trọng Phong nói.

- Giảm khoản chi tiêu cho ăn uống, cafe hàng tháng: "Trước đây, khi chưa mua nhà, mình cũng hay nuông chiều bản thân bằng những cốc cafe chất lượng, ăn uống cùng bạn bè, xem phim... Đừng nghĩ đây là khoản tiền nhỏ. Nó ngốn của mình vài ba triệu mỗi tháng là ít", chàng trai chia sẻ.

- Giảm số lần đi du lịch trải nghiệm thành 1 lần/năm thay vì 1 lần/quý.

- Giảm mua sắm xe cộ, thiết bị điện tử và các sản phẩm công nghệ cao khác như máy ảnh, máy tính, điện thoại, và các loại game... Đồng thời, khi còn phải trả tiền nợ mua nhà, Trọng Phong chỉ dành tiền đầu tư vào công việc, những thứ thuộc về sở thích buộc phải lùi về sau.

2. Gia tăng nguồn thu nhập

Sau khi giới hạn các khoản chi tiêu, Trọng Phong nhận ra việc duy trì một công việc cuối tháng lãnh lương là không đủ. Do đó, chàng trai đã nhận thêm các công việc bên ngoài.

"Thực sự bị nợ ép mình mới điên cuồng làm việc như thế. Những lúc bận rộn như thế, bản thân cũng không còn thời gian nghĩ đến chuyện tiêu tiền. Khi đang có nợ, tài chính của mình cũng chẳng dư để đầu tư thêm gì quá lớn. Nhưng không vì thế mà mình bỏ qua các kênh này", Trọng Phong chia sẻ thêm.

94f9745b29ba1c48f45f4b35d452b9cd-1700125852034481097735-1700189655216-170018965528626157253.jpg

Ảnh minh hoạ

3. Dành 30% thu nhập để trả nợ

"Hãy ghi nhớ nguyên tắc chỉ dành ra 30% tổng thu nhập để trả nợ. Mình từng dành hơn 50% tổng thu nhập chỉ để trả nợ nhà hàng tháng. Con số này sẽ khiến mọi chi tiêu, tiết kiệm hàng tháng bị giới hạn đi rất nhiều. Nếu tiêu quá 50% nguồn thu, bạn phải chấp nhận rằng tiền tiết kiệm gần như là không còn. Vậy nên, số tiền trả nợ hàng tháng 'an toàn' nhất là 30% nguồn thu hàng tháng", Trọng Phong cho hay.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020