Chuyên mục  


Những nét kiến trúc xưa cũ đã ảnh hưởng lớn và trở thành cảm hứng sáng tạo của nhiều KTS Trung Quốc, được họ vận dụng vào hiện tại một cách độc đáo và ấn tượng.

Sigmund Freud – tác giả của cuốn sách Diễn giải những giấc mơ và cũng là người sáng lập ra chuyên ngành Phân tâm học, đã từng cho rằng: Trải nghiệm mạnh mẽ ở hiện tại giúp các nhà văn sáng tạo ký ức về một trải nghiệm trước đó (thường là về tuổi thơ ấu), từ đó giúp ích cho công việc sáng tạo của họ.

Ngành kiến trúc cũng vậy, có thể phản ánh được những ký ức ban đầu về xã hội mà họ đang sống. Là thế hệ đầu tiên (1980) sinh ra trong quá trình thi hành chính sách một con và lớn lên với những kỷ niệm về cải cách kinh tế Trung Quốc, nhóm KTS trẻ này đã cố gắng đưa ấn tượng của mình về đất nước tỷ dân vào thực tiễn nghề nghiệp của họ.

Từ 28/9 đến 29/11, một cuộc triển lãm nhỏ mang tên “Space Discipline” (tạm dịch: Không gian kỷ luật) đã được tổ chức với chủ đề khám phá môi trường xã hội và chính trị của Trung Quốc thông qua tác phẩm của các KTS trẻ sinh ra trong những năm 1980. Triển lãm của nhóm đã so sánh một tòa nhà tiêu biểu về kiến trúc nơi sinh sống và có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ với một công trình tòa nhà khi họ đã trở thành KTS.

Dự án Space Discipline, dưới sự giám sát và tuyển chọn của KTS kiêm nghệ sĩ sinh năm 1980 – Liang Chen, đã mời mỗi KTS tham dự chọn một yếu tố kiến trúc quan trọng từ ngôi nhà đã ảnh hưởng đến họ và tòa nhà mà họ thiết kế sau khi trở thành KTS. Các yếu tố xây dựng như: sàn, tường, trần cửa sổ, đồ nội thất,.. đều được thiết kế và trưng bày trong triển lãm với tỉ lệ 1:1.

Cùng khám phá những thay đổi về không gian và thời gian của những năm 1980 đến hiện tại qua ký ức của cácKTS trẻ dưới đây.

Trong những năm 1979 – 1984, việc thực hiện chính sách “cải cách mở cửa kinh tế” đã làm thay đổi mạnh mẽ lối sống của họ so với môi trường của cha mẹ họ trước đó. Cụ thể, thay vì một gia đình có nhiều anh chị em giống như thế hệ trước, những đứa trẻ sinh năm 1980 là con một của gia đình. Cũng vì thế mà mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ hay cả với hàng xóm cũng thân thiết và khăng khít hơn. Sau cải cách nhà ở, tiếp theo là cải cách kinh tế đã cho phép chuyển quyền sở hữu nhà ở cho các gia đình công nhân. Nhà ở do đó được thương mại hóa, kể từ đây các cá nhân cũng ngày dần giành được quyền kiểm soát đất đai của họ.

Ranh giới không gian đầu tiên: Từ những ô cửa sổ thanh chắn chống trộm đến bệ cửa sổ kiến trúc hiện đại

Vào những năm 1980, khi chính phủ bắt đầu đầu tư xây dựng những căn hộ chung cư, người dân đã yêu cầu cần phải có thanh chắn ở cửa sổ và ban công cũng phải có thanh kim loại để ngăn chặn những rủi ro trộm cắp. KTS Jin Yuan của công ty kiến trúc MultiArchiteture chia sẻ rằng, anh cũng cảm nhận được rất rõ nét ranh giới giữa bên ngoài và bên trong khi nhìn vào những ô cửa sổ có thanh chắn. Hẳn nhiên, chẳng bao lâu sau các cửa sổ có rào chắn đã trở thành kết cấu tiêu chuẩn cho các khu dân cư của công nhân.

Những ô cửa sổ có thanh chắn thực sự đã gây ấn tượng lớn cho Jin Yuan. Anh đã lấy một tấm lưới tản nhiệt bằng kim loại, sau đó đặt vào một khung cửa sổ chắc chắn. Qua ô cửa sổ và thêm một lớp kim loại khiến cho Jin Yuan có cảm giác an toàn khi ở bên trong nhà. Và cũng qua ô cửa sổ kiên cố này, bằng mắt thường Jin Yuan cũng nhìn thấy được hình ảnh những cái bóng rải rác chuyển động trên đường.

Khi trở thành một KTS thực thụ, Jin Yuan đã thiết kế không gian triển lãm trong một nhà khách, trong đó anh đặc biệt lưu tâm đến thiết kế chiếc cửa sổ, từ kích thước, hình dạng đến quy mô của cửa sổ đều được chú trọng tỉ mỉ. Bên cạnh đó anh cũng tìm hiểu thêm cách phân bố thể tích của không gian thông qua đường truyền của ánh sáng từ cửa sổ. Từ đó, nhiều lớp thiết kế vật liệu đã được xếp chồng lên nhau và thành quả cuối cùng của công trình này là tạo ra bệ cửa sổ, chỗ ngồi và sàn nhà. Và từ “xếp chồng” đã trở thành động từ hoạt động cho dự án này.

Trải nghiệm không gian chung đầu tiên với chiếc cầu thang trong ký túc xá công nhân

Những năm 1980, chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân sống trong những căn hộ tập thể, do đó người lao động có thể cùng gia đình sống chung trong những căn ký túc. Mặc dù có thiết kế không đảm bảo, nhưng chiếc cầu thang của khu nhà tập thể như một không gian chung đa chức năng, nơi tất cả những người hàng xóm tụ tập, trò chuyện và chia sẻ đồ ăn cùng nhau. Và đối với những đứa trẻ lớn lên trong khu nhà tập thể đó, chiếc cầu thang đã gắn liền với tuổi thơ của chúng.

Xue Zhe (KTS chính của Genarchitects) cũng đã có được trải nghiệm đầu tiên thông qua không gian chung từ chiếc cầu thang bê tông nhỏ hẹp ở nhà bà ngoại trong những năm 1980 xưa. Anh nhớ lại rằng, thiết kế của chiếc cầu thang năm đó không hề đạt được bất kỳ tiêu chuẩn nào so với lối xây dựng hiện đại ngày nay. Cụ thể như phần tay vịn được làm đơn giản bằng ống thép hàn, khoảng cách giữa tay vịn cũng không được tính toán kỹ càng nên dễ làm trẻ em bị kẹt đầu,… Và anh cũng đồng tình rằng chiếc cầu thang có ảnh hưởng khá lớn đến một ý tưởng thiết kế của anh sau này.

Đó là dự án phòng khách riêng trong nhà hàng của anh. Khi Xue Zhe đã trở thành một KTS chuyên nghiệp, anh thích sử dụng cầu thang như một điểm thu hút không gian của căn phòng. Trong dự án của mình, anh sử dụng cầu thang ống tạo ra những điểm rẽ vừa kín vừa mở. Điều đó sẽ khiến mọi người cảm thấy tò mò về không gian kín phía trước, kích thích sự khám phá của họ.

Không gian chuyển tiếp đầu tiên: Hiên nhà

Hiên nhà là một phần của lối vào căn nhà. Ở một góc độ nào đó, đây là không gian hoạt động công cộng giữa mọi người trong khu tập thể. Năm 1995, bốn gia đình ở chung trong khu tập thể đã xuất hiện khoảng cách về kinh tế. Chẳng bao lâu, những bức tường được xây dựng lên để ngăn cách không gian giữa các gia đình. Hiên nhà không còn là nơi tụ tập đông người, thay vào đó nó trở thành khu vườn riêng của từng người hàng xóm.

Fa Jiujiang – người sáng lập và giám đốc thiết kế của Continuation Studio, đã có ảnh hưởng bởi trải nghiệm quá trình chuyển đổi không gian giữa công cộng và riêng tư thông qua mái hiên trước khu tập thể của bà ngoại anh.

Anh đã lấy cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ của mình về mái hiên, đồng thời chú trọng vào việc thiết kế không gian chuyển tiếp khi lập kế hoạch cho dự án của mình, giúp làm ranh giới thị giác giữa bên ngoài và bên trong, kích hoạt cuộc sống cộng đồng.

Sinh ra trong một thời đại đầy rẫy những thay đổi về tái cơ cấu xã hội và cải cách kinh tế, các KTS trẻ Trung Quốc đã chứng kiến sự đổi mới về cấu trúc gia đình và quyền sở hữu tài sản. Mặc dù không gian mà họ lớn lên không đẹp mắt về thẩm mỹ, cũng không đảm bảo về kiến trúc, nhưng họ đã lấy cảm hứng từ điều kiện không gian đó vào các tác phẩm hiện đại tiện ích của mình ngày nay. Điều đó cho thấy kiến trúc thiên về mặt nhận thức luôn được góp nhặt từ các mối quan hệ cuộc sống xung quanh họ.

Biên dịch | H.N (Nguồn : Archdaily)

XEM THÊM:

  • Yu Hotel – Vẻ đẹp thơ mộng trong kiến trúc | Shanghai Ben Zhe Architecture Design
  • Ngắm nhìn khu “chung cư đất nung” lớn nhất thế giới – Kiệt tác sáng tạo từ cổ xưa
  • Căn homestay hiện đại ở Trung Quốc gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên | MOU Architecture Studio

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020