Từ bao đời này, mỗi khi nhắc tới nét đẹp văn hóa của nông thôn Việt Nam, người ta luôn luôn liên tưởng tới những hình ảnh bình dị, gần gũi nhưng đã trở thành biểu tượng, nét đặc trưng không thể thiếu của làng quê. Đó chính là những hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình,..”
Đình làng đã gắn bó với cuộc sống nông dân Việt Nam từ rất lâu. Đình là nơi chứng kiến những cảnh sinh hoạt, những thay đổi trong đời sống của làng quê Việt Nam. Đình còn là nơi trang trọng, thiêng liêng, là biểu tượng quyền lực của ngôi làng. Đình chính là nơi để mọi người tụ họp, hội bàn những công việc lớn nhỏ trong làng. Không ai rõ từ bao giờ đình làng đã trở thành một nơi để che chở, là nét đẹp văn hóa trong tâm hồn của người dân Việt Nam.
Lịch sử
Ngôi đình làng với chức năng là nơi thờ thành hoàng và là nơi hội họp của dân chúng bắt đầu vào khoảng thời Lê sơ và định hình vào thời nhà Mạc. Có lẽ sự phát triển của Nho giáo vào cuối thế 15 đã cấy dần Thành hoàng vào đình làng. Nhưng hiện nay dấu vết sớm nhất của đình làng thờ Thành hoàng chỉ gặp từ thế kỷ 16.
Trước đây đình thường chỉ có 3 gian và 2 chái. Gian giữa không có sạp, trong gian thờ Thành hoàng. Cuối thế kỷ 17 từ gian giữa và kéo dài về sau gọi là chuôi vồ, tạo cho đình làng mang kiểu chữ Đinh. Cuối thế kỷ 17, đình làng được bổ sung tòa tiền tế.
Địa điểm
Gắn liền với khu ở của dân làng, thuận đường nối với các ngõ, thôn, tuân theo nguyên tắc địa lý phong thủy, phía trước thoáng đãng nhìn ra sông nước, có hồ nước tự nhiên hoặc nhân tạo theo nguyên tắc “Tụ thủy”.
Bố cục
Đình làng có thể là một công trình độc lập, cũng có thể là một quần thể kiến trúc, cũng có khi kết hợp với đền thờ Phật, chùa, miếu tạo thành một quần thể lớn v.v…Phát triển qua nhiều thời kỳ, thời sơ khai ban đầu chỉ có đại đình hình chữ nhật và hồ bán nguyệt, sau đó phát triển quy mô hơn, có nhiều thành phần hơn.
Những đình lớn quy mô đầy đủ gồm: Đại đình, hậu cung, tiền tế, tả vu hữu vu, ngoài ra có thể thêm các nhà phụ trợ. Bên cạnh đó còn có cổng và phía trước đình làng thường có sân rộng, hồ nước, cây xanh… để có thể tập hợp đông người những ngày lễ hội…Đại đình – hậu cung tạo thành 1 trục chính, 2 bên có thêm nhà hữu, tả vu đối xứng 2 bên. Phía trước cửa đại đình thường có 2 trụ phía trước.
Đại đình là nơi hành lễ, sinh hoạt công cộng, hành chính nên cần không gian và diện tích lớn, trang trọng, bề thế. Các đại đình thường có 5,7 gian. Mái đại đình có 2 dạng: Dạng 4 mái và dạng 2 mái, tường xây bịt 2 chái ( loại này niên đại muộn hơn).
Những đình có niên đại sớm thường không có tường hay vách gỗ bao quanh. Đại đình ban đầu có dạng chữ nhất, về sau hậu cung phát triển lùi phía sau tạo thành hình chữ đinh, công.
Sàn thường có 3 mức cốt thể hiện sự phân cấp thứ hạng về ngôi thứ hay tuổi tác của làng thôn Việt Nam khi tế lễ hay hội hè… Cốt thấp nhất cách mặt đất khoảng 40-60 cm, có thể vì lí do cách ẩm.
Hậu cung là nơi thờ Thành hoàng làng, giữ các vật thiêng, không gian không lớn lắm nhưng kín đáo, trang nghiêm, thường không cho mọi người vào. Ban đầu thường nằm gian chính giữa, phía sau cột cái và cột quân của đình; sau này phát triển thành dạng chuôi vồ, lùi ra sau đại đình tạo thành chữ đinh hoặc nối với đại đình bằng 1 nhà cầu gọi là ống muống tạo thành hình chữ công.
Phương đình (Tiền Tế): Thường có kích thước và quy mô nhỏ hơn đại đình, mặt bằng chữ nhật hay hình vuông và đa số không có cửa vách bao quanh. Phải đến cuối thế kỷ 17 nhà Tiền tế mới xuất hiện và có nhiều vào thế kỷ 19.
Tả vu, hữu vu (Nhà hành lang bên trái và bên phải): Là không gian có mái che, không có tường bao xung quanh, nếu có cũng chỉ bao xung quanh, mặt chính để hở.
Kiến trúc của đình làng
Tên gọi các bộ phận
Nhìn từ phía ngoài mái đình có tỉ lệ đồ sộ, chiếm 2/3 chiều cao công trình, 4 góc xòe rộng, uốn lượn nhẹ nhàng, đặt trên hệ cột to khỏe, vững chắc.
Bờ nóc hơi võng, có khi 2 đầu nhô cao vút ra ngoài như hình con thuyền lớn. Trên 2 đầu bờ nóc được đắp hình con Kìm Lạc long thủy quái, ở giữa bờ nóc hình lưỡng long chầu nguyệt (hình thức này sang thời Nguyễn mới thịnh hành), bờ chảy đắp các con xô lân, phượng…
Bốn góc mái nhô cao với các đầu đao cong vút đan cài ở 4 góc tạo nên những nét duyên dáng nhưng không kém phần khỏe khoắn cho ngôi đình.Một điều rất thú vị theo các nhà nghiên cứu như TS.Nguyễn Hồng Kiên, PGS.TS Trần Lâm Biền là trước thế kỷ 17 không có góc đao réo cong bằng kết cấu gỗ (4 góc mái cong có thể bằng hình thức khác), lúc này tàu mái chỉ là chiếc hoành cuối cùng. Vì ở các ngôi chùa hay đình có niên đại sớm, đầu bảy không có lỗ mộng của tàu mái.Các cột đình thường để mộc, bào nhẵn, cũng có những đình làng cột cái được sơn son thiếp vàng, trang trí rồng mây.
Bộ khung kết cấu
Bộ khung kết cấu gỗ khớp nối bằng mộng cực kỳ linh hoạt, có thể tháo dỡ lắp ở vị trí mới. Tính đơn giản, thống nhất, tính điển hình và tính tiêu chuẩn thấy rõ trong bộ khung gỗ chịu lực của công trình. Hệ kết cấu gỗ, liên kết bằng mộng: Cột, xà, kẻ, bảy, bộ vì kèo chồng giường hay giá chiêng, hoặc giá chiêng kết hợp chồng giường.
Là loại hình kiến trúc công cộng nên cần không gian lớn, bộ vì gồm 6 hàng cột lớn đứng thẳng trên các bệ đá bằng sức nặng của mái và các mối liên kết. Khoảng cách các cột xác định theo số lượng khoảng hoành. Kiểu thượng tam – hạ tứ (vì nóc trên cùng mỗi bên có 3 khoảng hoành, vì nách mỗi bên có 4 khoảng hoành ), thượng tứ – hạ ngũ (vì nóc mỗi bên có 4 khoảng hoành, vì nách mỗi bên có 5 khoảng hoành), thượng ngũ – hạ ngũ (vì nóc mỗi bên có 5 khoảng hoành, vì nách mỗi bên có 5 khoảng hoành). Vì nóc có hình tam giác cân đặt trên 2 cột cái, nách có hình tam giác vuông đặt trên cột cái và cột quân. Khoảng cách các hoành quy ước là a, thì chiều cao b = 2/3a, đường xiên c hay còn gọi là khoảng chảy.
Đình làng là nơi lưu giữ tâm hồn người Việt và trí tuệ người Việt. Ngôi đình là một sự chuyển hóa và tái hiện lại trung thực thế giới quan của người nông dân Việt nam qua bao thế hệ. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cấu trúc xã hội làng xã Việt cổ đến cách ứng xử với môi trường tự nhiên, tất cả những khái niệm “vô hình” được “phiên dịch” và “tái hiện” trong bộ khung gỗ chắc chắn mà linh hoạt, trong cấu trúc không gian thoáng mở mà tầng bậc, trong chủ đề trang trí mộc mạc mà tinh tế. Đình là một di sản phi vật thể và vật thể vô giá cần được lưu giữ và bảo tồn.
Tổng hợp | Đàm Thủy
XEM THÊM:
- Những ngôi chùa Việt hướng ra biển Đông
- Kiến trúc thời nhà Lý và nhà Trần được tái hiện ở Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc
- Bắc Hồng – không gian nhà ở tiếp nối truyền thống
- Biến đổi không gian làng: Người già và nỗi cô đơn