Dự án kiến trúc nào cũng phải đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc cho người ở nhưng mục tiêu này được nhấn mạnh hơn trong những không gian chăm sóc sức khỏe, nơi những người ở đây là đối tượng dễ mắc bệnh hoặc bệnh tình có thể xấu đi bất cứ lúc nào. Chính vì lẽ đó, các thiết kế không chỉ hỗ trợ các thủ tục y tế trong điều kiện tối ưu của chúng mà còn phải đảm bảo rằng môi trường luôn được vô trùng sạch sẽ.
Vật liệu kháng khuẩn, chống lại sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh hoạt động như thế nào? Có thể cải thiện vệ sinh và môi trường trong lành mà không bỏ qua tính thẩm mỹ của không gian? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp dưới đây.
Các bề mặt dễ bám dính vi khuẩn gồm những gì?
Vi khuẩn là vi sinh vật phong phú nhất trên hành tinh, chúng có thể phát triển trong mọi loại môi trường và thậm chí tồn tại trong cả không gian vũ trụ. Mặc dù hầu hết vi khuẩn mang lại lợi ích cho con người và môi trường nhưng cũng có những vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm, thường liên quan đến hô hấp và đường ruột.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, môi trường phải luôn được sát trùng – tức là ngay cả vật liệu cũng phải ức chế sự cố định của vi khuẩn và tránh sự hình thành các màng sinh học vi khuẩn gây bệnh cho chúng ta.
Tất cả bề mặt và yếu tố tạo nên không gian sống đều là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, từ điện thoại di động đến tay nắm cửa, bàn làm việc hay quầy xử lý thực phẩm… Mặc dù việc rửa tay và khử trùng có hiệu quả trong việc giảm thiểu sự lây lan vi khuẩn, nhưng chọn đúng vật liệu có thể nâng cao hơn nữa sức khỏe và nơi ở của con người.
Vì vậy các bề mặt đồng nhất, không có lỗ rỗng và có đặc tính kháng khuẩn được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện, nơi mức độ vệ sinh càng cao càng tốt. Ví dụ bề mặt Krion là vật liệu mịn, tương tự như đá tự nhiên, bao gồm các đặc tính nâng cao, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm.
Cơ chế kháng khuẩn của bề mặt kháng khuẩn
Đối với bề mặt Krion, chúng được tạo thành từ 2/3 bột alumina trihydrate (ATH) – có độ tinh khiết hóa học cao – và 1/3 monome nâng cao, ngoài ra còn có các chất phụ gia khác có lợi cho ứng dụng của nó trong nội thất vệ sinh.
Ngoài ra, vật liệu này được sản xuất ở dạng tấm khổ lớn và dạng nhiệt định hình, cho phép bề mặt được bao phủ đáng kể mà không xuất hiện nhiều các mối nối, tránh sự thẩm thấu của chất lỏng và sự tích tụ mầm bệnh đồng thời mang lại vẻ thẩm mỹ, sạch sẽ.
Bề mặt này có thể được sử dụng bên trong và ngoài các bức tường, trong thiết kế đồ nội thất như mặt bàn, phòng tắm và nhà bếp, những nơi dễ tiếp xúc nhiều nhất. Bên cạnh đó, bề mặt kháng khuẩn dễ dàng lau sạch axit đậm đặc như axit sulfuric hoặc axit clohydric hoặc các hóa chất tẩy rửa, chất khử trùng. Trong trường hợp cụ thể của các dự án chăm sóc sức khỏe, bề mặt kháng khuẩn còn có thể chịu được những tiếp xúc từ tia X, xanh methylene, betadine hoặc máu.
Các chất phụ gia cung cấp đặc tính kháng khuẩn cho các vật liệu khác nhau, giải phóng tác nhân hóa học khỏi bề mặt để tấn công vi khuẩn tuần hoàn hoặc ngăn chặn sự bám dính của vi khuẩn lên bề mặt.
Làm thế nào để xác định được bề mặt kháng khuẩn
Quy định REACH (Đăng ký, đánh giá, Cấp phép và Hạn chế hóa chất) đã xác định 161 chất trong đó các chất phụ gia có khả năng gây hại cho sức khỏe hoặc môi trường. Vì vậy, điều quan trọng là phải phân tích thành phần của các nguyên liệu và sản phẩm có sẵn, ưu tiên chất có đặc tính kháng khuẩn dựa trên thành phần riêng. Các sản phẩm có bản chất là kim loại kháng khuẩn như bạc, đồng, vàng và kẽm đã được chứng minh hiệu quả tương đương về mặt này.
Các khoáng chất có trong một số bề mặt thậm chí có thể phản ứng với ánh sáng mặt trời, cho phép chúng tiếp xúc với độ ẩm và oxy trong môi trường. Quá trình này được gọi là quang phân giải, giải phóng một loạt các phân tử có thể liên kết với các hạt ô nhiễm, tạo ra phân tử phức tạp không gây hại cho con người.
Những lợi ích của vật liệu kháng khuẩn có thể áp dụng cho mọi dự án do sự đa dạng về màu sắc, kết cấu và ngày càng được ứng dụng nhiều trong nội thất nhà ở, thậm chí trong các tòa nhà văn hóa, khách sạn, nhà hàng và không gian công cộng.
Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Công trình bền vững chú trọng sức khỏe và tiện nghi – Xu hướng phát triển vì con người
- Nấm mốc: “Kẻ thù” của công trình kiến trúc và sức khỏe con người
- Sự kiện về Công Trình Tốt Cho Sức Khỏe của UL tại Việt Nam