Factory in the Forest là tác phẩm đã đạt giải trong cuộc thi thiết kế nhà máy sản xuất và văn phòng cho công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon của Mỹ, chuyên về thiết bị y tế và vệ tinh. Công trình này đã xóa nhòa những định kiến về nhà máy – nơi khói bụi, ô nhiễm môi trường và ít có cây xanh.
Thông tin công trình:
- Đơn vị thiết kế: Design Unit Architects Sdn Bhd
- Địa điểm: Penang, Malaysia
- Diện tích: 15000m2
- Năm: 2017
- Ảnh: Lin Ho Photography
- Nhà sản xuất: AutoDesk, ISEO Asia, Moonlight Industries, Trimble Navigation, WCEC Group, Zenith Project Sdn Bhd
Đưa yếu tố xanh – Biophilia vào trong nhà máy
Tất cả văn phòng tại Factory in the Forest – “Nhà máy trong rừng” đều có lối đi thẳng ra khu vườn trên mái xanh mát và nhìn ra khoảng sân rợp bóng cây, vừa dùng để hội họp, vừa dùng để thư giãn, uống cà phê. Một tán cây ‘giả’ được dựng lên từ một rừng cột, bao trọn toàn bộ diện tích của nhà máy, tạo sự thống nhất cho văn phòng và sân, đồng thời tránh ánh nắng trực tiếp từ vùng nhiệt đới như Malaysia.
Điểm nhấn của công trình chính là khoảng sân xanh mát ngăn cách khối văn phòng và khối nhà máy. Một cây cầu bắc qua sân trong kết nối không gian văn phòng và sản xuất, vừa giúp thư giãn, vừa là nơi để tổ chức các cuộc họp, giải lao hay các buổi diễn thuyết.
Factory in the Forest hướng tầm nhìn ra bên ngoài với không gian mở bằng kính trong suốt, được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời bằng những cánh tản nhiệt và mái che bằng bê tông. Khi nước mưa chảy từ vòi trên mái nhà sẽ dẫn tới các bể chứa để phục vụ cho việc tưới tiêu cây cối xung quanh.
Khu vực nhà máy tập trung nhiều ánh sáng nhất, ánh sáng khuếch tán tự nhiên trên toàn bộ nhà xưởng, giảm sự phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo, kết hợp với công nghệ làm mát sàn bằng nước lạnh và điều hòa không khí tiên tiến giúp giảm tiêu thụ năng lượng xuống còn một nửa so với nhà máy thông thường có diện tích tương tự.
Tất cả chất liệu đều được thể hiện ở mức “trần trụi” nhất có thể, từ tấm kính, bê tông, các kết cấu thép để giải thích cho câu hỏi: Chúng được làm từ gì? Cách kết hợp với nhau ra sao?
Khu rừng giữa nhà máy chính là điểm mấu chốt, tạo môi trường làm việc hứng khởi cho nhân viên, là bộ mặt của tòa nhà và công ty. Đặc biệt, ở Penang, nơi đô thị hóa và công nghiệp hóa cao độ, là một trong các bang phát triển nhất và quan trọng bậc nhất về mặt kinh tế tại Malaysia thì những yếu tố xanh lại được nhấn mạnh hơn hết. Rừng, không chỉ quan trọng đối với khí hậu vĩ mô hay vi mô mà còn quan trọng đối với sức khỏe, tâm lý con người.
Tính bền vững được vận dụng triệt để
Ngay từ khi bắt đầu dự án, Factory in the Forest phải nêu bật được tiêu chí tiết kiệm năng lượng và thích ứng được khí hậu địa phương. Các nguyên tắc thiết kế bền vững cơ bản là tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tận dụng ánh sáng ban ngày và nhịp sinh học – nhu cầu cơ bản của con người để kết nối với thiên nhiên.
Tòa nhà được thiết kế để che chắn khỏi cái nắng nóng chói chang miền nhiệt đới đồng thời cho phép ánh sáng ban ngày khuếch tán tự nhiên vào tòa nhà. Văn phòng và sân trong được bao bọc bởi hệ thống mái che thiết kế nhằm bảo vệ năng lượng mặt trời hiệu quả vào thời điểm nóng nhất trong ngày.
Thiết kế giếng trời của Factory in the Forest được tối ưu hóa, môi trường làm việc phân bố ánh sáng ở mọi thời điểm trong ngày. Các mô phỏng và phép đo ánh sáng ban ngày đang hoạt động cho thấy nhà xưởng đạt được môi trường chiếu sáng hoàn hảo. Đèn LED đáp ứng ánh sáng ban ngày có thể điều chỉnh độ sáng và luôn có đèn tác vụ hỗ trợ riêng lẻ trong trường hợp cần thiết tập trung ánh sáng.
Hệ thống làm mát sàn bức xạ sáng tạo hoạt động bằng các ống PEX nằm trong những tấm bê tông trong toàn bộ khu nhà máy và văn phòng. Bằng cách hạ nhiệt các tấm bê tông này xuống khoảng 21 độ C, yếu tố cấu trúc này của tòa nhà tăng gấp đôi, như một phần của hệ thống làm mát. Nhiệt độ nước lạnh cao hơn và hệ thống làm mát từ nước giúp tấm sàn bức xạ tiết kiệm năng lượng gấp đôi so với điều hòa thông thường.
Xem thêm ảnh:
Biên dịch | Hương Vũ (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Thế giới lên cơn sốt với các nhà máy điện Mặt trời nổi
- Tái thiết một nhà máy cũ thành bảo tàng nghệ thuật đương đại tại Trung Quốc
- Ý tưởng mới của BIG: Những cổng vòm khổng lồ của nhà máy San Pellegrino, Bergamo,Italy.