Chuyên mục  


Tiếp tục xoay quanh vấn đề nóng hổi về cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế Nhà hát Thủ Thiêm, KTS Lê Trương chia sẻ góc nhìn của anh với độc giả Kienviet.net về phương pháp, những minh chứng thực tiễn cũng như gợi ý đến giải pháp cho các KTS Việt Nam trong việc xây dựng công trình đặc biệt này.

Trước hết, chúng ta cần hiểu, Nhà hát Thủ Thiêm là nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch. Đây thực chất là một công trình được tạo lập bởi một “biểu trưng kiến trúc” để chứa đựng trong đó một tập hợp các không gian biểu diễn cho: phòng hoà nhạc (concert hall), nhà hát opera (opera theater), biểu diễn kịch (drama theater), các phòng hợp xướng (studios)… cùng với chức năng như 1 Trung tâm hội nghị hoặc có thể tổ chức tiệc cưới…

Công trình Nhà hát được coi là Biểu trưng của đô thị, của một thành phố và thực hiện sứ mệnh tương tác của nghệ thuật hàn lâm.

Thực tế, ở các nước trên thế giới chúng ta đã nhìn thấy mỗi địa danh, bối cảnh lại xuất hiện một biểu trưng khác nhau, có thể là Quả trứng, Cánh buồm, Bàn tay, Chiếc mũ… hay là một vật thể vô hình ẩn náu trong thiên nhiên.

Như vậy, Nhà hát Thủ Thiêm là một công trình kiến trúc đòi hỏi một tư duy lớn, sáng tạo, đột phá kết hợp với một ekip kỹ thuật, công nghệ chuyên sâu và dày dạn kinh nghiệm.

Nhà hát giao hường, nhạc và vũ kịch Thủ Thiêm tọa lạc tại lô 1-21, khu chức năng số 1 thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP. Hồ Chí Minh

XEM THÊM: Thi tuyển phương án thiết kế Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm

Phương pháp lựa chọn hạn chế 10 Công ty quốc tế để tham gia thi tuyển cho công trình này là một giải pháp có lý, thông thường nhưng không thấu đáo. Đó là một phương pháp quá an toàn nhưng chưa cầu thị để tìm kiếm những sự mới mẻ, đột phá và bất ngờ.

Trong quy chế chúng ta thường hay nhắc đến “kinh nghiệm đã từng” là một điều kiện tiên quyết. Nhưng với quan điểm của tôi, ở công trình này là không cần thiết.

Chúng ta cùng điểm lại một thực tế trong quá khứ đã không ít xảy ra:

  • Trong cuộc thi thiết kế Nhà hát tại Paris vào năm 1858, trong 171 kiến trúc sư gửi bài dự thi thì cuối cùng người thắng cuộc lại là một kiến trúc sư ít tên tuổi và mới chỉ thiết kế được 1 công trình kiến trúc và lúc đó anh mới 35 tuổi. Đó là KTS. Charles Garnier và nay Nhà hát đó là một trong những biểu tượng của Thủ đô Paris có tên: Opera Garnier.
  • Hay là Frank Gehry – một KTS đại tài mãi đến năm 67 tuổi (1987) ông mới thiết kế công trình Nhà hát đầu tiên có tên Walt Disney Concert Hall và tất nhiên cùng sự góp mặt của chuyên gia thiết kế âm thanh nổi tiếng – ông Yasuhisa Toyota. Và nay, công trình đã trở thành một kiệt tác kiến trúc tại Los Angeles, Hoa Kỳ.

Trên đây mới chỉ là vài minh chứng để chúng ta cùng tham khảo cho việc hoàn thiện quy chế dự thi công trình này.

XEM THÊM: Một gợi ý cho cuộc thi thiết kế nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm?

Tôi vẫn thường nghĩ và nói: trong sáng tạo Kiến trúc, KTS Việt Nam hay KTS quốc tế là không có ranh giới. Sự sáng tạo là sòng phẳng và bình đẳng, còn kỹ thuật và công nghệ lại là chuyện khác. Vậy tại sao KTS Việt Nam lại không có quyền được tham gia cuộc thi này? Đây là một câu hỏi nghiêm túc của những người làm nghề có tâm huyết. Chúng ta hiểu rằng nhân tố bí ẩn (hidden talent) có thể xuất hiện trong các gương mặt KTS điển hình của Việt Nam.

KTS Lê Trương

Theo tôi, giải pháp có thể được thực hiện là: cá nhân KTS hoặc nhóm KTS có thể liên danh, hợp tác với những chuyên gia Quốc tế trong lĩnh vực thiết kế Âm thanh Nhà hát để đề xuất ý tưởng cho cuộc thi này. Đây là một giải pháp thông thường, khả thi cho những dự án phức tạp và chuyên biệt.

Trong Kiến trúc, sự mới mẻ – đột phá và bất ngờ vẫn luôn xảy ra. Nó không phụ thuộc vào bất kỳ quy tắc hay luật lệ chủ quan nào cả.

Kiến trúc sư Lê Trương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020