Để miêu tả về vẻ đẹp kiến trúc các công trình danh tiếng, dân gian có câu: “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Và đình Đoài cũng là mục mở đầu cho bài viết về không gian văn hóa, với kiến trúc cụ thể của Tây Đằng - ngôi đình tiêu biểu trong hệ thống đình làng Việt. Ở thời nhà Mạc (1527-1683), đình Tây Đằng được xếp vào một trong sáu ngôi đình danh tiếng nhất, và hiện cũng là một trong số những ngôi đình thời Mạc nguyên vẹn, hiếm hoi còn sót lại đến ngày nay.
Vẻ đẹp thanh tịnh, yên ả của đình Tây Đằng ở góc nhìn kiến trúc cảnh quan Đã qua gần 500 năm tồn tại, nhiều lần trùng tu, đình tây đằng may mắn vẫn giữ được nhiều chi tiết kiến trúc gỗ theo nguyên bản từ thời Mạc, duy có hệ mái đã thay đổi hoàn toàn so với kiểu thức ban đầu.
“Đoài” quẻ thứ tám trong bát quái, ứng với hướng tây, nên dân gian quen gọi “Đoài”, và Đoài cũng là hướng tọa lạc của ngôi đình, giống với bố cục đồ hình của nhiều hệ thống đình cổ khác nơi làng quê Bắc bộ. Ở xứ Đoài, các kiến trúc đình có nét đặc trưng riêng là bốn mặt thường để mở, không tường bao. Từ kiểu thức kiến trúc ban đầu, đến cuối thế kỷ 19, khuôn viên Tây Đằng được bổ sung thêm nghi môn và hai tòa Tả - Hữu Mạc.
Tòa Đại Đình phía sau với hệ cột trụ biểu với hình tượng phượng múa, nghê chầu trên chóp cột
Ở Tây Đằng, kiến trúc tòa Đại Đình là điểm nhấn tiêu biểu, với bộ khung gồm 3 gian 2 chái, hệ cột cái cỡ đại nâng toàn bộ nóc mái ngôi đình. Vì nóc ở Tây Đằng được thiết kế theo kiểu “Giá Chiêng”, vẫn còn giữ được lá đề, trang trí hai mặt đề tài tiên, rồng, phượng. Trong kiến trúc thời Mạc, cột trụ hai bên lá đề thường được chạm khắc tinh xảo các đề tài thần tiên, con người và linh vật, muông thú. Lối sử dụng kỹ thuật vân xoắn lớn trong điêu khắc gỗ là Tòa Đại Đình phía sau hệ cột trụ biểu với hình tượng phượng múa - nghê chầu trên chóp cột một phong cách mỹ thuật đặc trưng thời Mạc. Kiểu thức này có thể thấy lặp lại nhiều lần trên các thanh rường.
Xét về chất liệu, kiến trúc đình Tây Đằng dùng gỗ mít nên các chi tiết chạm trổ, trang trí vì kèo có phong cách thanh thoát, mảnh khỏe và mềm mại hơn lối chạm trên nền gỗ lim ở các thời kỳ sau. Một trong những chi tiết chạm trổ tiêu biểu của nghệ thuật thời Mạc là hình tượng rồng trên hệ đầu dư ở gian Đại Đình. Rồng thể hiện theo tỉ lệ nhỏ, đao dài mềm mại, uyển chuyển sống động. Ở một số đầu dư, rồng hướng mặt vào gian giữa. Cũng lối đục chạm ấy được thể hiện lên hệ tai cột quân. Phong cách trang trí độc đáo này đến thời Lê Trung Hưng không còn thấy lặp lại trên kiến trúc đình chùa.
Trang trí bộ vì bằng đường nét chạm khắc thanh mảnh với chất liệu nền là gỗ mít
Hệ ván gió chạm khắc các đề tài đậm tính mỹ thuật dân gian của thời Mạc còn lưu hình ảnh trai gái tự tình, cảnh gánh con, tượng tiên - rồng và các chi tiết trang trí đấu củng. Trên nhiều cấu kiện kiến trúc khác cũng xuất hiện nhưng mảng chạm khắc nhỏ với nhiều đề tài phong phú như chèo thuyền, nghê, rồng, cưỡi voi, cưỡi sư tử...
Đề cập về nghệ thuật chạm khắc gỗ, đình Tây Đằng sở hữu những bức chạm đặc biệt của riêng Tây Đằng. Đó là hệ ván dong trên bảy hiên với các đường nét điêu khắc nét trong nét, thể hiện đề tài hoa lá, được biểu đạt uyển chuyển, mềm như lụa đang bung lay trong gió.
Đình Tây Đằng, ngoài vẻ đẹp kiến trúc, không gian, còn thấy ở đó cả một kho tàng mỹ thuật được lưu dấu từ thời nhà Mạc, thật xứng để bảo tồn, lưu giữ, với mong vọng vẻ đẹp ấy trường tồn mãi theo thời gian.
Hình tượng điêu khắc phong cách thời Mạc ở đình Tây Đằng với niên đại gần 500 năm tuổi. Hình tượng các vị tiên và trang trí trên đấu củng ở đình Tây Đằng
Hình tượng nghê, hoa dây, rồng, tiên mang phong cách rõ nét mỹ thuật thời Mạc trên các cấu kiện kiến trúc của đình.
Hiếu Trần - Di Sản Việt
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 171)