Chuyên mục  


Đất nện là một trong những vật liệu lâu đời nhất, tồn tại qua hàng ngàn năm nay và tiếp tục góp phần vào kiến trúc xanh. Chúng không chỉ trường tồn với thời gian mà còn thể hiện được nhiều tính năng vượt trội.

Đất nện (rammed Earth) hay còn được gọi là taipa trong tiếng Bồ Đào Nha, pisé (de terre) trong tiếng Pháp và hangtu trong tiếng Trung, là một kỹ thuật xây dựng nền móng, sàn hay tường bằng cách sử dụng các nguyên liệu thô như đất sét, đá, vôi, sỏi… Các nguyên liệu này sau khi trộn theo tỉ lệ sẽ được nén trong khuôn hoặc khung để tạo thành những bức tường vững chắc hoặc các khối riêng lẻ.

Trung tâm làn Macha, Trung Quốc | Oneartharch architect

Rất nhiều nền văn minh đã tận dụng những nguyên liệu sẵn có ngay dưới chân họ để xây dựng nên những công trình kiến trúc đặc sắc. Một trong những minh chứng điển hình khẳng định độ bền của đất nện với thời gian chính là Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) có tuổi thọ tới 2500 năm.

Nhiều bằng chứng cho thấy đất nện đã được sử dụng lần đầu tiên vào thời kỳ đồ đá mới tại Trung Quốc. Một số điểm khảo cổ của các nền văn hóa Trung Quốc từ 5000 năm trước Công nguyên đã phát hiện thấy tàn tích của các công trình xây dựng bằng đất nện. Trong cuốn Kinh tế nông thôn của SW Jason cũng ghi lại trong những năm 1800 đất nện trở thành vật liệu phổ biến tại Mỹ. Một số tòa nhà ở xứ sở cờ hoa đã được xây dựng bằng kỹ thuật này.

Trung tâm trị liệu, Bangladesh | Studio Anna Heringer

Cho đến hiện nay, đất nện vẫn được coi là vật liệu xanh, rẻ và đảm bảo các yếu tố bền vững. Hãy cùng khám phá 7 lợi ích mà đất nện đem đến cho kiến trúc.

Ít tác động đến môi trường

Thước đo tính bền vững với môi trường của vật liệu chính là lượng phát thải carbon. Ở đất nện, dấu chân carbon gần như rất ít. Thứ nhất, năng lượng để sản xuất đất nện không nhiều, không tiêu hao nhiều năng lượng trong quá trình vận chuyển đất từ nơi này đến nơi khác do nguồn đất nện hầu như sẵn có. Ngoài ra, độ dày của các các tường, nền đất nện đủ dày để cách nhiệt, có nghĩa là cần ít năng lượng hơn để làm mát hoặc làm nóng các tòa nhà bằng đất. Nhìn chung, đất nện tiêu thụ ít năng lượng hơn trong toàn bộ vòng đời của chúng so với các vật liệu xây dựng thông thường.

Khối lượng nhiệt cao

Độ dày của đất nện thường hơn 30cm, ngoài mật độ của vật liệu còn giúp bảo vệ nội thất trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đất nện có thể ngăn lượng nhiệt thất thoát ra bên ngoài cũng như giảm hấp thụ nhiệt khi trời nóng. Vì vậy các công trình xây dựng bằng đất nện thường mát hơn vào mùa hè, ấm hơn vào mùa đông hoặc ban đêm – trở thành vật liệu hoàn hảo khi dao động nhiệt độ theo ngày hoặc theo mùa, mang đến không gian thoải mái.

Mạnh mẽ và bền bỉ

Qua nhiều thí nghiệm khoa học có thể thấy đất nện ở cấu trúc ổn định hay không ổn định đều rất mạnh và bền. Chúng đủ mạnh để có thể chịu tải và chống gió, đủ bền để chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong thời gian dài. Nếu kết hợp với sợi tổng hợp hoặc cốt thép có thể có độ mạnh hơn so với bê tông và bền vững hơn.

Trung tâm cộng đồng và trẻ em tại Anh

Khả năng cách âm tốt

Ngoài khả năng cách nhiệt tốt về độ dày và mật độ phân tử, đất nện cách âm tốt và giảm truyền tiếng ồn, tạo nên không gian yên tĩnh nhất là khi có mưa lớn hoặc gió mạnh.

Mặt khác, việc xây dựng những bức tường đất nện sẽ tạo được sự riêng tư và tách biệt giữa các không gian như phòng khách hay phòng ngủ, phòng làm việc. Đây cũng được coi là vật liệu lý tưởng cho những địa điểm cần đến sự yên tĩnh như các cơ sở phục hồi sức khỏe, tâm lý và các công trình tôn giáo.

Cách điện, chống cháy và đảm bảo an toàn

Đất nện được coi là vật liệu an toàn, bền vững bởi khả năng cách điện, cách nhiệt, được xếp vào vật liệu khó cháy vì không chứa các thành phần dễ cháy. Hơn nữa, về bản chất đất nện có thể “thở” được. Chúng cũng có khả năng chống mối mọt cao.

Tính linh hoạt

Không chỉ được sử dụng làm sàn, tường, đất nện có thể biến hóa thành nhiều phiên bản tùy thuộc vào từng mục đích. Chỉ cần thêm màu sắc hay kết hợp các tính năng trang trí khác nhau, từ lớp sơn đến ốp đá, đất nện có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Đất nện cũng hoàn toàn có thể được “chế tác” thành cửa sổ hay lỗ thông gió.

Thẩm mỹ hài hòa

Sự hài hòa về mặt thẩm mỹ cũng là ưu điểm của đất nện. Màu sắc và kết cấu của vật liệu xanh này hòa hợp với bối cảnh tự nhiên của chúng, mang đến sự êm đềm và giúp cư dân kết nối gần hơn với thiên nhiên và trái đất.

Dịch: Vũ Hương | Nguồn: Arch2o

XEM THÊM

  • Tự nhiên và phá cách – Những thiết kế nội thất sáng tạo nhờ sử dụng tấm porcelain khổ lớn
  • Lời giải phòng chống cháy nổ theo quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD
  • Cách phân loại vật liệu chống cháy theo tiêu chuẩn châu Âu
Bình luận từ Facebook

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020