Chuyên mục  


Tết Hàn thực mùng 3/3 Âm lịch từ lâu được lưu truyền trong dân gian. Trong tiếng Hán, "hàn thực" nghĩa là ngày "ăn đồ lạnh". Ngày lễ ngày bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc từ thời Xuân thu.

Một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua nước Tấn là Tấn Văn Công khi nhà vua phải sống lưu vong lúc binh biến. Điều kiện sống rất kham khổ, lương thực cạn kiệt, đã có lúc Giới Tử Thôi phải cắt một miếng thịt của mình để nấu, dâng lên vua, khiến vua Tấn rất cảm kích. Sau này, khi giành lại ngôi vua, Tấn Văn Công lại quên không đền ơn vị ân công của mình năm nào. Giới Tử Thôi không lấy làm hậm hực, ông đưa mẹ về núi Điền Sơn ở ẩn, sống đời an nhàn.

Người Việt thường ăn bánh trôi và bánh chay trong ngày tết Hàn thực. Ảnh: giadinh.net.vn

Khi nhớ ra, nhà vua cho người đi tìm nhưng vị hiền sĩ không ham danh lợi nên không về lĩnh thưởng. Muốn thúc ép Giới Tử Thôi, vua Tấn cho đốt rừng nơi hai mẹ con ông đang ở. Không ngờ Tử Thôi quyết chí không về kinh, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng. Quá đau lòng, nhà vua lập miếu thờ Giới Tử Thôi và lệnh cho người dân không đốt lửa 3 ngày, chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn vào ngày mùng 3/3 âm lịch để tưởng nhớ.

Vì có sự giao lưu văn hóa hàng nghìn năm nên ngày Tết Hàn thực của người Trung Quốc cũng du nhập sang Việt Nam, tuy nhiên, không hề có liên quan tới việc tưởng nhớ vị hiền sĩ Giới Tử Thôi. Trong văn hóa người Việt, tháng 3 là lúc thời tiết nóng lên, chuẩn bị sang tiết mùa hạ. Để đánh dấu ngày trời đất chuyển mùa, người dân làm bánh trôi, bánh chay dâng lên tổ tiên, cúng trời đất, mong cho mùa màng bội thu, thời tiết mưa thuận gió hòa. Tháng 3 cũng là tiết Thanh minh nên bánh trôi, bánh chay cũng được dùng để cúng ông bà trong dịp tảo mộ.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại nhưng việc tảo mộ, sum vầy con cháu, cùng nhau làm bánh trôi, bánh chay vẫn được lưu giữ trong nhiều gia đình người Việt khắp 3 miền. Trong ngày này, người dân thưởng thức những đồ ăn lạnh thay vì nổi lửa nấu nướng.

Một số lưu ý kiêng làm trong ngày Tết Hàn thực:

Kiêng nổi lửa

Tuy không liên quan trực tiếp đến điển tích Giới Tử Thôi nhưng nhiều địa phương, đặc biệt là ở miền Bắc, vẫn lưu giữ phong tục không nổi lửa vào ngày này, hoặc hạn chế chỉ dùng lửa nấu một lần trong ngày. Đa phần các gia đình sẽ ăn các món nguội, được chế biến sẵn từ hôm trước. Bánh trôi, bánh chay cũng là những món ăn lạnh, không cần hâm nóng lại.

Không nên làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc để cúng lên bàn thờ.

Kiêng ăn mặn

Mặc dù không phải quy định bắt buộc nhưng nhiều gia đình cũng ăn chay vào ngày này. Nếu không có điều kiện ăn chay thì các bà nội trợ sẽ kiêng sát sinh ngay trong nhà mình với ý nghĩa bày tỏ sự tôn kính với người đã khuất.

Không nên làm cỗ bàn linh đình

Trong ngày Tết Hàn thực, việc làm cỗ với nhiều món ăn linh đình, nhiều món cũng là điều không được khuyến khích. Mâm cỗ nên có các món thanh đạm, không nên cầu kỳ, đắt tiền.

Không nên làm bánh trôi, chay ngũ sắc

Ngày nay, nhiều người yêu thích sự sáng tạo, bắt mắt trong những đĩa bánh trôi, bánh chay ngũ sắc. Tuy nhiên, loại bánh này chỉ nên dùng để ăn chứ không nên dùng để cúng trên bàn thờ để đảm bảo sự tinh khiết, thanh tịnh trong ngày lễ truyền thống. Bánh trôi, bánh chay truyền thống làm từ bột nếp trắng, tròn đầy thể hiện tấm lòng thành kính của người còn sống với những bậc tiền nhân. Cúng bánh ngũ sắc không sai nhưng không được khuyến khích, nhằm giữ lại được ý nghĩa nguyên gốc.

Theo Ngôi sao

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020