Chuyên mục  


Sử dụng vật liệu tái chế hoặc tái sử dụng vật liệu cũ trong xây dựng chính là xu hướng được rất nhiều KTS áp dụng trong thời gian qua. Những vật liệu này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại giá trị thẩm mỹ, sự sáng tạo ngoài sức tưởng tượng.

Tái chế (recycle) và tái sử dụng (reuse) trong xây dựng dân dụng là việc làm vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta xem xét đến lượng chất thải/ khí thải và khả năng tiêu thụ năng lượng trong quá trình xây dựng tại các công trường. Để kiến tạo ngành công nghiệp xây dựng bền vững, có trách nhiệm và thân thiện với môi trường, một trong những hành động đặc biệt cần thiết đó chính là sử dụng những vật liệu có thể tái chế hoặc tận dụng lại các vật liệu cũ, thiết kế hoặc cải tạo những vật liệu này để tiếp tục sử dụng cho công trình mới một cách phù hợp.

Việc sử dụng vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng những vật liệu cũ có lẽ sẽ không được nhiều người thích thú bởi cho rằng những vật liệu này đã lỗi thời và khó ứng dụng, nếu được sử dụng cũng sẽ “khoác” thêm ra ngoài nhiều lớp hoàn thiện nhằm che đi nét cũ kỹ. Tuy nhiên trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng, có rất nhiều vật liệu, vật dụng mặc dù đã bị phá huỷ nhưng khi được phục hồi hoặc tái chế lại vẫn có thể tái sử dụng rất tốt, mang lại hiệu quả bất ngờ cho các công trình mới.

Những vật liệu có thể tái chế hoặc vật liệu cũ được sử dụng trong các ngôi nhà, căn hộ, khách sạn hay bất cứ công trình kiến trúc nào khác đều mang tuyên ngôn về hoạt động xây dựng bền vững và có ích cho môi trường. Dưới đây là một số ví dụ về các dự án xây dựng sử dụng các vật liệu tái chế trong nội nội thất theo nhiều cách khác nhau, không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ tốt mà còn có chức năng làm giảm tiêu hao năng lượng và tạo ra bầu không khí trong lành, dễ chịu. 

XEM THÊM: “Zero Waste” trong kiến trúc: Thay đổi nhận thức, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế

1. Weekend Shelter | Agora Arquitectura (Tây Ban Nha)

Weekend Shelter là ngôi nhà được xây dựng tại vùng Isovol, Tây Ban Nha, được xem là điển hình cho hoạt động tự xây dựng (self-construction), là nơi ở tạm thời như một lều trại để thư giãn cuối tuần.

Vật liệu chính để xây dựng lên ngôi nhà đó chính là gỗ xốp. Gỗ xốp được sử dụng để thi công mặt tiền, các bức tường, ốp trần,… ngoài ra còn được cắt làm nhiều miếng nhỏ để thiết kế thành các đồ nội thất như tủ và kệ.

Gỗ xốp là vật liệu không cần bảo trì, được khai thác từ những khu rừng, có khả năng cách âm, cách nhiệt rất tốt và đặc biệt có thể tái chế hoàn toàn.

Sau khi tháo dỡ, gỗ xốp từ ngôi nhà hoàn toàn có thể tái chế và tái sử dụng cho các công trình hoặc hoạt động khác nhau, thậm chí có thể mang chức năng khác mà không hề mất đi tính chất của mình.

2. Même – Nhà thí nghiệm | Kengo Kuma & Associates (Nhật Bản)

Ngôi nhà được lấy cảm hứng từ Chise – một kiểu nhà truyền thống của người Ainu, Nhật Bản. Hệ thống khung của ngôi nhà được làm bằng gỗ thông Nhật Bản, vật liệu bao bọc xung quanh là vải bạt polyester fluoride.

Vải bạt polyester fluoride được thiết kế hết sức đặc biệt, tận dụng được loại nhựa tái chế. Lớp bên trong của vải bạt được thiết kế phủ 1 lớp vải sợi thuỷ tinh có thể tháo rời. Giữa lớp ngoài và lớp trong chính là hợp chất cách điện polyester làm từ những chai nhựa PET (hợp chất polyetylen terephthalate) – loại nhựa có thể tái chế.

3. Cheops Observatory Residence | Studio Malka Architecture (Ai Cập)

Theo tập quán được lưu truyền hàng thế kỷ, những ngôi nhà ở Ai Cập đều được xây dựng theo cách truyền miệng, tức là các thợ xây tự nói cho nhau về cách thức xây dựng chứ không hề có bất kỳ 1 kế hoạch nào, chỉ có một vài bản vẽ phác hoạ trên cát sa mạc để giúp nhau hình dung ra ngôi nhà cần xây.

Cheops Observatory Residence cũng được xây dựng theo cách thức như thế, đơn giản nhưng là kỹ thuật được đúc kết từ truyền thống với những bí quyết lâu đời. Ngoài ra, công trình còn sử dụng rất nhiều những vật liệu tái chế, đó là phần mặt tiền được tạo nên bởi sự tích tụ gạch đất thô, cửa sổ tận dụng lại chiếc cửa cũ, chiếc cửa chớp cũng là đồ cũ được tìm kiếm tại địa phương. Bên cạnh đó, nhiều đồ thủ công bên trong công trình được làm nên nhờ bàn tay của người dân địa phương, không qua nhập khẩu.

XEM THÊM: Đâu là tương lai của bê tông trong kiến trúc?

4. Khách sạn Tepoztlán | Taller Carlos Marín + Pasquinel Studio (Mexico)

Công trình là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên. Kiến trúc sư đã sử dụng chính loại đá có được sau quá trình đào móng tại công trình để xây dựng các bức tường và lối dẫn. Cấu trúc tổng thể của khách sạn được làm bằng bê tông sắc đỏ tự nhiên, được lựa chọn để phù hợp với màu sắc của cảnh quan và tông màu đỏ của những ngọn đồi bao quanh thung lũng Tepozteco.

XEM THÊM: Nghiên cứu mới: Gạch tái chế từ cát và rác thải nhựa

Ngoài ra, tất cả ván gỗ được sử dụng khi xây dựng công trình đều là gỗ tái chế, được xử lý và làm thành sàn nhà và đồ nội thất.

5. Ready-made | azab (Tây Ban Nha)

Căn hộ sử dụng khá nhiều các vật liệu tái chế và đồ thủ công tự làm đầy sáng tạo. Đầu tiên, KTS đã tái sử dụng đá cẩm thạch Marquina (từng được sử dụng trong phòng bếp cũ) để ốp nền, tạo hiệu ứng như 1 tấm thảm màu đen, đồng thời giúp phân chia chức năng sử dụng của không gian. Vật liệu này cũng được tái sử dụng để ốp mặt cầu thang.

Ngoài ra, kiến trúc sư đã tái sử dụng những ván gỗ ép kết hợp với các khung thép trắng và vàng độc đáo tạo để tạo thành dàn kệ treo sáng tạo, độc đáo.

6. Fuelle Roga | OMCM arquitectos (Paraguay)

Nhóm kiến trúc sư ban đầu dự định sẽ cải tạo lại ngôi nhà với ít sự tháo dỡ, phát huỷ nhất có thể. Tuy nhiên khi thi công, những vấn đề như tình trạng xuống cấp, kết cấu bất hợp lý của ngôi nhà cũ đã lộ ra buộc nhóm kiến trúc sư phải tính toán phá huỷ đến hơn 70% diện tích công trình.

Tuy nhiên, gạch từ công trình cũ bị phá huỷ xong lại không bị coi là rác mà lại là chính vật liệu được tái sử dụng để xây dựng cho công trình mới. Theo đó, từ những đống đổ nát, kiến trúc sư đã tận dụng những mẩu gạch vỡ để xây dựng lên những bức tường gạch hết sức độc đáo và sáng tạo, tuy có tốn nhiều chi phí hơn cho nhân công nhưng lại tiết kiệm rất nhiều trong việc mua nguyên liệu thô.

XEM THÊM:6 loại vật liệu xây dựng dễ tái chế nhất

7. Nhà hàng Zero Waste Bistro | Linda Bergroth (Mỹ)

Nhà hàng được thiết kế bởi Linda Bergroth với những bức tường được tạo nên từ bao bì thực phẩm đã qua nghiền nát và xử lý. Những bức tường này mang đúng màu sắc của các loại bao bì thu nhặt được, nếu nhìn gần còn có thể thấy chữ in và mã vạch.

Không những thế, những vật dụng khác trong nhà hàng như bàn, khay, cốc chén,… cũng đều được làm từ những vật liệu tái chế, được cung cấp bởi nhiều đơn vị khác nhau do chính Linda Bergroth lựa chọn.

8. Upcycle House | Lendager Arkitekter (Đan Mạch)

Khi xây dựng ngôi nhà, các kiến trúc sư đã nghĩ đến việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu lượng CO2 thải ra. Vật liệu tái chế đã được cân nhắc từ đó như 1 phương án vừa tốt cho môi trường vừa có giá thành thấp.

Cấu trúc chính có tác dụng chịu lực của ngôi nhà chính là 2 thùng container, mái nhà và mặt tiền thì làm từ vỏ lon nhôm tái chế. Mặt tiền còn được sử dụng thêm vật liệu là giấy tái chế, được nghiền thành bột, ép lại với nhau và xử lý nhiệt. Sàn nhà bếp được những miếng nút chai rượu sâm banh lát gạch, và gạch phòng tắm được làm từ thủy tinh tái chế.

Tường và sàn nhà được phủ bằng các tấm OSB (Oriented strand board – bảng sợi định hướng) bao gồm dăm gỗ là sản phẩm sinh học của các địa điểm sản xuất khác nhau, được ép lại với nhau mà không cần keo.

Các vật liệu tái chế được sử dụng rất nhiều trong ngôi nhà nhưng quả thực không thể nhìn thấy rõ. Ngôi nhà trông giống như một ngôi nhà hiện đại được xây dựng bằng vật liệu thông thường.

9. House of the Flying Beds | AL BORDE (Ecuador)

Ngôi nhà cũ được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, chỉ có một tầng rộng 80 m2, sàn gạch bị vỡ, không gian tối và lạnh, cấu trúc mái gỗ bị mục nát.

Ngôi nhà cũ trước khi cải tạo

Khi cải tạo ngôi nhà, kiến trúc sư nhận thấy không thể sử dụng lại mái ngói do vậy đã tái sử dụng mái ngói làm thành vật liệu san lấp sân hiên. Mái nhà được cải tạo bằng cách lợp những tấm lốp xe cũ và lắp một tấm kính tái chế giúp căn nhà tràn đầy ánh sáng và ấm áp.

Ngôi nhà sau khi cải tạo

10. Angatuba House | messina | rivas (Brazil)

Ngôi nhà sử dụng chính gạch vỡ trong quá trình tháo dỡ công trình cũ để thi công thành những bức tường sáng tạo, vững chắc nhưng vẫn có được nét thẩm mỹ độc đáo.

Biên dịch: H.N (Nguồn: Archdaily)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020