Hội thảo về liêm chính trong nghiên cứu lần đầu tiên được hai bộ Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 19-12 - Ảnh: NGỌC KIÊN
Trên 600 tạp chí, chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng
Tại hội thảo về liêm chính trong nghiên cứu khoa học tổ chức ngày 19-12 ở Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trần Anh Tuấn, chánh văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước, cho biết: Hiện cả nước có trên 600 tạp chí khoa học. Hầu hết các bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu… đều có tạp chí khoa học riêng.
Nhưng ở Việt Nam về mặt quản lý nhà nước đến nay chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học của bộ, ngành và của quốc gia một cách chính thức.
Ông Tuấn cho biết năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai một đề án thí điểm nâng cấp tạp chí một số trường đại học và thực hiện liên tục đến năm 2018. Đến nay có 18 cơ sở giáo dục đại học được thụ hưởng đề án, chất lượng được cải thiện rõ rệt.
Năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng đề án nâng cấp tạp chí khoa học theo chuẩn quốc tế đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Sau đó bộ này cũng lập trang web Vietnam Journals Online để hỗ trợ các tạp chí xuất bản online nhưng không đều đặn.
Từ năm 2017 đến 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích hợp chung hai cơ sở dữ liệu (chỉ số trích dẫn VCI và Nghiên cứu Việt Nam thành V-CitationGate), bước đầu đánh giá và định lượng chỉ số trích dẫn các tạp chí khoa học, nhưng số lượng tạp chí tham gia còn hạn chế (có 83 tạp chí).
Có rất ít tạp chí Việt Nam trong hệ thống dữ liệu uy tín quốc tế
Trên thế giới có nhiều tổ chức được thành lập để định kỳ đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học và bình chọn vào các danh mục.
Các tổ chức này đưa ra những công cụ để đo lường, tìm kiếm, theo dõi chất lượng khoa học thuộc các lĩnh vực bình chọn và danh mục trích dẫn trong cơ sở dữ liệu đa ngành (ACI, Scopus, Web of Science…) chuyên ngành (Pubmed, Embase, Inspec, Compendex...).
Các tạp chí khoa học Việt Nam trong danh mục tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và trong khu vực còn hạn chế. Scopus là cơ sở dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), sử dụng hệ thống tính điểm STEP thẩm định các ấn phẩm khoa học dựa trên 5 tiêu chí chính thức:
Chính sách tạp chí (5%), nội dung (20%), mức độ trích dẫn (25%), tính thường kỳ (10%), sự sẵn có nội dung trực tuyến (10). Đến tháng 3-2023, Scopus đã đưa vào danh mục 43.400 tạp chí khoa học trên thế giới, trong đó 27.933 tạp chí đang còn hiệu lực. Việt Nam chỉ có 8 tạp chí.
Web of Science là cơ sở dữ liệu của Hoa Kỳ đánh giá và lựa chọn các tạp chí dựa trên các tiêu chí: Tác động, ảnh hưởng, tính kịp thời, đánh giá ngang hàng, đại diện địa lý. Ở lĩnh vực khoa học mở rộng (SCIE) có hơn 9.200 tạp chí trên 178 ngành khoa học.
Lĩnh vực khoa học xã hội (SSCI) có trên 3.400 tạp chí. Lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn (AHCI) có trên 1.800 tạp chí. Nguồn mới nổi (ESCI) có trên 7.800 tạp chí. Việt Nam chỉ có 8 tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu, trong đó có 1 tạp chí thuộc SCIE, 7 tạp chí thuộc ESCI.
Như vậy ở hai hệ thống trên có 16 lượt tạp chí Việt Nam được chọn, trong đó có tạp chí có mặt ở cả hai hệ thống. Tổng số tạp chí được chọn vào hai hệ thống này là 13.
Danh mục ACI thành lập tháng 11-2011 đến tháng 3-2023 đã đánh giá, xét chọn 664 tạp chí khoa học của 10 nước trong khu vực. Trong đó Việt Nam cũng mới chỉ có 26 tạp chí được bình chọn năm 2021 và hiện 20 tạp chí còn hiệu lực.
Xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chí đánh giá, xếp điểm
Theo ông Trần Anh Tuấn, hằng năm Hội đồng giáo sư nhà nước phải rà soát, phê duyệt danh mục tạp chí khoa học Việt Nam làm cơ sở tính điểm, định lượng các công trình khoa học của ứng viên. Số liệu năm 2022, có 450 tạp chí khoa học Việt Nam trong danh mục.
Ông Tuấn cho rằng cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học Việt Nam tiệm cận với quốc tế, làm cơ sở để phê duyệt danh mục tạp chí.
Ông Tuấn cho biết hiện mới chỉ có 250 tạp chí đã cập nhật thông tin theo yêu cầu. Dự kiến tháng 12-2023 sẽ mở cổng lần nữa để các tạp chí tiếp tục cập nhật.
Dự kiến năm 2024, Văn phòng giáo sư nhà nước sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá tạp chí (21 tiêu chí) và xếp điểm từ 0.25-1 điểm, gửi toàn bộ dữ liệu cho các hội đồng ngành, liên ngành.
Năm 2025 sẽ chính thức vận hành hệ thống này. Đây không chỉ là cơ sở để có đánh giá thống nhất mà còn là dữ liệu để soi chiếu, phát hiện vi phạm liêm chính khoa học.