Ngoài việc được tư vấn tại sân khấu chính, học sinh có cơ hội tìm hiểu thông tin cụ thể tại gian tư vấn của các trường - Ảnh: Đ.C.
Sáng 7-1, hàng ngàn học sinh Đà Nẵng đã đội mưa đến Trường THPT Phan Châu Trinh tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức.
Tại chương trình, nhiều thí sinh băn khoăn nên chọn theo đuổi ngành yêu thích mà nhu cầu tuyển dụng thấp hay chọn ngành "hot". Những ngành nghề được nhắc tới nhiều là tâm lý học, thiết kế đồ họa và đặc biệt là vi mạch, bán dẫn...
Khẳng định với các em, thầy cô ban tư vấn đáp: Không có ngành 'hot', chỉ có người 'hot'.
Thất nghiệp ngay cả ngành 'hot'
Học sinh Phạm Hữu Đăng Khoa (Trường THPT Phan Châu Trinh) băn khoăn: "Khối ngành em chọn không phải là ngành 'hot'. Trong xu thế ngành lao động luôn biến động liên tục như hiện nay, nếu chọn ngành chuyên môn cao nhưng ít nhu cầu tuyển dụng thì có đủ sức chống chịu với thị trường khó tính như hiện nay và sống được với nghề?".
Khoa cho biết thêm mình định hướng chọn ngành tâm lý học nhưng khá lo lắng về cơ hội công việc khi ra trường.
TS Võ Thanh Hải, phó hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng), nhận xét đây là câu hỏi khá hay, sâu sát và thực tế. Theo thầy Hải, không có ngành "hot", chỉ có người "hot".
"Nay đi đâu cũng nghe thiết kế vi mạch nhưng quan trọng nhất là sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc trong lĩnh vực đó không? Người ta gọi là người "hot". Tốt nghiệp ra trường, có kiến thức, khả năng, kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ... thì doanh nghiệp sẽ trải thảm mời các em", thầy Hải nói.
Thầy Hải dẫn chứng thêm ngành y đa khoa ra trường nhu cầu tuyển dụng rất cao nhưng nếu tiếng Anh nghe mà không hiểu, tin học không rành, kiến thức ngành bị động... thì các em trở thành "người không hot" và thất nghiệp ngay trong ngành đó.
Vì vậy, thầy Hải khuyên nếu đã chọn ngành thì hãy nỗ lực học tập. Hãy dựa trên ba yếu tố: giỏi kiến thức ngành, ngành mình thích, ngành có khả năng tạo ra tiền để nuôi sở thích của mình. "Đó là ngành các em có cơ hội thành công. Còn lại tùy thuộc vào nỗ lực của mỗi người", thầy Hải nhắn nhủ.
Bạn Nguyễn Lam Ngọc (Trường THPT Ngô Quyền) đặt câu hỏi: "Cơ hội việc làm trong năm 2024 cho ngành thiết kế đồ họa như thế nào? Các ngành nào hiện đang có nhu cầu cao nhưng lại thiếu nhân lực ở Việt Nam?".
Trả lời thắc mắc của thí sinh, TS Lê Văn Tường Lâm, quyền trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên Đại học Huế, cho biết ngành thiết kế đồ họa có nhiều lĩnh vực như thiết kế nhận diện thương hiệu, thiết kế ấn phẩm xuất bản, thiết kế giao diện người dùng... Mỗi lĩnh vực sẽ có những ngành đào tạo khác nhau.
Ông Lâm nhắn nhủ thí sinh chọn ngành chọn nghề đừng nghe theo số đông. Có những ngành nghề thu nhập cao nhưng chưa chắc đã phù hợp năng lực của mình. Ông dẫn chứng hiện ngành thiết kế vi mạch đang rất "hot".
Các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng đều có các trường mở chuyên ngành thiết kế vi mạch. Nhưng nếu không thực sự giỏi toán, lý... thì rất khó theo đuổi mặc dù đây là ngành thu nhập cao.
Xã hội hiện đại, cơ hội cho ngành tâm lý học
Thí sinh Võ Nguyễn Thảo Nguyên (Trường THPT Phan Châu Trinh) đặt câu hỏi về cơ hội chuyển mình của ngành tâm lý học. "Trong 4-6 năm tới, cơ hội chuyển mình của ngành tâm lý học có cao không khi Việt Nam đang đặt sự quan tâm về vấn đề sức khỏe thể chất nhưng lại chưa đề cập nhiều tới vấn đề sức khỏe tinh thần" - Thảo Nguyên hỏi.
TS Nguyễn Đức Quận, phó trưởng ban đào tạo Đại học Đà Nẵng, cho biết không riêng Thảo Nguyên mà có rất nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm đến vấn đề này. "Chúng ta đang tập trung phát triển các ngành về khoa học, kỹ thuật, kinh tế... nhưng ít khi để ý đến ngành tâm lý. Tâm lý bao gồm nhiều lĩnh vực từ giao tiếp, sức khỏe...
Hiện nay khi cuộc sống có nhiều áp lực, cá nhân tôi nghĩ trong tương lai vài năm tới, ngành tâm lý là một trong những ngành mà xã hội rất cần nhằm giải tỏa những khó khăn, áp lực trong công việc, đời sống, tâm lý của con người. Đây là ngành xu hướng em nên tham khảo lựa chọn", ông Quận nhìn nhận.
Chung nhận định trên, TS Lê Thị Thúy, hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y - dược Đà Nẵng, chia sẻ: "Tâm lý học rất quan trọng khi cuộc sống hiện đại hóa, trong công việc và học tập, chúng ta phải đối mặt với nhiều căng thẳng và áp lực nhưng không biết chia sẻ với ai".
Theo bà Thúy, ngoài ngành tâm lý học, thí sinh có thể chọn khối ngành sức khỏe với chuyên ngành tâm thần học. Với khối ngành này, thí sinh học qua bác sĩ, chọn đại học y đa khoa, sau sáu năm đại học sẽ chọn lựa tiếp học chuyên khoa về tâm thần hoặc thạc sĩ, tiến sĩ để có chứng chỉ hành nghề trong ngành sức khỏe.
"Ngành tâm thần hiện nay là một trong số những ngành rất hiếm, khó tuyển sinh trong khi nhu cầu lại rất cao. Không chỉ điều trị cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần mà còn hỗ trợ người tự kỷ hay có vấn đề về ngôn ngữ... nên đây là ngành rất hay", bà Thúy nhấn mạnh.
Mô hình robot của Trường đại học FPT hút nhiều học sinh tại chương trình - Ảnh: Đ.C.
Mô hình robot hút khách
Bên cạnh sân khấu tư vấn chính, các gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng cũng thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Tại gian tư vấn của Trường đại học FPT, ấn tượng nhất là mô hình robot khổng lồ vẫy tay chào mọi người. Khi chú robot này xuất hiện, nhiều bạn học sinh đã nhanh chóng tới chụp hình lưu niệm.
Tại gian hàng của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, học sinh được các thầy cô tư vấn chi tiết về các ngành của trường và tham gia thử vòng quay may mắn với phần thưởng là chiếc áo mới tinh mang logo của trường.
Thành phố trẻ, giàu tiềm năng
Ông Mai Tấn Linh - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - chia sẻ Đà Nẵng là một TP trẻ và giàu tiềm năng nên rất cần một thế hệ công dân mới có đầy đủ trình độ, phẩm chất, năng lực... đáp ứng nhu cầu phát triển của TP trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.
Trong các giải pháp cơ bản để đào tạo nguồn nhân lực mới, TP chú trọng định hướng, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT. Vì thế, hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ trong những năm qua đã giúp nhiều cho ngành giáo dục và đào tạo của TP hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển sinh - hướng nghiệp.