Chuyên mục  


Chị Nguyễn Thị Hồng Liên, 40 tuổi, làm việc tại một trường liên cấp ở Hà Nội, chia sẻ chi tiết quá trình chuẩn bị kiến thức, hoạt động ngoại khóa cũng như định hướng nghề nghiệp cho con từ lớp 1 đến lớp 12:

1. Chuẩn bị năng lực và phẩm chất cho con (lớp 1-11)

Học tập

Con tôi học song song chương trình của Việt Nam và chương trình giáo dục phổ thông của Mỹ (qua online). Thông thường, các đại học ở nước ngoài quan tâm đến điểm trung bình học tập (GPA) của học sinh từ lớp 9. Do đó, tôi xác định giai đoạn này, con phải học hành nghiêm túc và đạt điểm GPA càng cao càng tốt, tối thiếu ở mức 8,5/10. Những môn liên quan đến ngành học mà con thích và dự định theo đuổi thì nên đạt tầm 9 điểm.

Với chứng chỉ IELTS, con nên đạt 7.5-8 ở hè lớp 11. Muốn vậy, lớp 9, con cần đặt mục tiêu IELTS 6-7. Ở các lớp thấp hơn, mục tiêu là đạt trình độ B1 hoặc B1+ vào năm lớp 7 hay A2 (Flyer) vào năm lớp 5. Thông thường, con học tiếng Anh từ 5-6 tuổi hoặc học chương trình Mỹ từ lớp 1 là có thể đạt được.

Để du học Mỹ, con cần có điểm SAT. Theo tôi, con nên được tầm 1100/1600 ở đầu lớp 10 để hai năm sau lên mức 1400-1500. Một số bạn có thể chọn học AP (lớp nâng cao, dạy trước một số kiến thức đại cương ở đại học Mỹ) hoặc chương trình khác.

Hồ sơ nghề nghiệp

Tôi chia những nội dung cần chuẩn bị cho con làm 4 giai đoạn:

- 7-12 tuổi: Tôi cho con đến các khu trải nghiệm nghề nghiệp, thăm quan làng nghề, làm thử sản phẩm, tham gia lớp học ngoại khóa củng cố kỹ năng nền cho nghề như dẫn chương trình, vẽ, nhảy, tin học, câu lạc bộ khoa học, thể thao bóng đá... Ngoài ra, tôi cùng con đọc các tài liệu về nghề nghiệp.

Trong các môn học của chương trình phổ thông Mỹ như Language Art, Science, Social Studies con theo học cũng có những thông tin này.

- 13-14 tuổi: Con được làm một số công việc đơn giản tại khách sạn, nhà hàng, siêu thị, quán ăn, trông trẻ em mùa hè để trải nghiệm, kết hợp tìm hiểu kỹ hơn về bản thân.

- 14-17 tuổi: Học các khóa học hướng nghiệp bài bản. Chương trình Mỹ có môn Career Planning dạy tìm hiểu bản thân, gia đình, thị trường lao động và đào tạo ngành nghề (đại học, cao đẳng). Môn học này giúp con có cái nhìn rộng hơn về nghề nghiệp, biết sử dụng các công cụ trong quá trình tìm hiểu, định hướng nghề cũng như kết nối với người đi trước.

- 17-18 tuổi: Con xây dựng hồ sơ nghề nghiệp bằng các dự án đang làm, minh chứng mình đã tìm hiểu về nghề thế nào. Với ngành nghệ thuật và thời trang, thiết kế, con có thể phải lập một trang web riêng, một bộ hồ sơ nghề điện tử để gửi các trường.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoạt động ngoại khóa

Với phần này, tôi chia quá trình chuẩn bị cho con thành hai giai đoạn:

- 7-12 tuổi: Tham gia các hoạt động ngoại khóa như học kỹ năng sinh tồn, các môn năng khiếu, các sự kiện văn nghệ của trường và hoạt động từ thiện với phụ huynh.

- 13-18 tuổi: Ban đầu con tổ chức một phần hoạt động ngoại khóa của lớp, cùng gây quỹ cho một hoạt động thiện nguyện, hay tham gia các chuyến trồng rừng, cuộc thi về bảo vệ môi trường, STEM, các giải đấu thể thao, âm nhạc...

Dần dần, con tổ chức hoạt động lớn hơn như cắm trại cho lớp hoặc sự kiện của khối, trường, lãnh đạo các câu lạc bộ trong và ngoài trường. Ở giai đoạn này, nếu con có chứng nhận cho các hoạt động thì càng tốt.

Gia đình tôi sắp xếp lộ trình này chi tiết để con có thể đạt mục tiêu một cách nhẹ nhàng và không bị gấp gáp.

2. Tích lũy tài chính

Bên cạnh đưa ra lộ trình để phát triển năng lực và phẩm chất, tôi còn có kế hoạch tích lũy tài chính cho con. Tôi tính toán khoản tiền cần cho con học từ 300 triệu đồng, 500 triệu đồng và 1 tỷ đồng. Để có được các khoản này, tôi chia lương thành các khoản chi tiêu cụ thể, làm sao tháng nào cũng phải có tích lũy.

- Với khoản 300 triệu đồng: Khi con hai tuổi, tôi bắt đầu mua bảo hiểm nhân thọ cho con. Lúc đó vì mới đi làm, tôi chỉ mua mức đóng 180 triệu đồng để nhận về 350 triệu đồng sau 18 năm. Mỗi tháng, tôi trích từ lương 800.000 đồng và một năm đóng tầm 10 triệu đồng. Sau 16 năm, tôi có khoảng 350 triệu đồng.

- Khoản 500 triệu đồng-1 tỷ đồng: Tôi tiết kiệm bằng cách hàng tháng để ra 2-4 triệu, tức mỗi năm khoảng 24-48 triệu đồng. Những khoản thưởng Tết, kiếm được từ dạy thêm tiếng Anh và những việc khác, tôi đều để vào đây. Đây cũng là khoản dự phòng khi ốm đau của con cái, gia đình. Sau khoảng 20 năm là tôi có được khoản này.

Tôi không cho con học trường tư và học thêm nhiều. Ở tiểu học, con tôi chỉ học thêm tiếng Anh, còn lên cấp 2 thêm môn Toán và Văn ở trường. Riêng môn tiếng Anh, tôi tự tổ chức lớp cho con hoặc tìm hiểu nơi uy tín nếu cho con học thêm.

Chị Liên và hai con tham gia trại trong rừng 8 ngày, đêm tại bang Michigan với học sinh Mỹ, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

3. Giúp con ra quyết định

Năm con hết lớp 10, tôibàn bạc với chồng và bố mẹ trước về việc nên cho con du học hay không. Sau đó, tôi trao đổi với con về mong muốn tương lai.

Tôi cho con một tháng để liên hệ với bạn bè ở các nước định đi học, dạy con cách tìm kiếm thông tin cũng như liên hệ các đơn vị tư vấn. Tôi quán triệt việc du học hay học ở nhà là quyết định của con. Con phải tự chịu trách nhiệm, còn bố mẹ hỗ trợ tài chính, cung cấp thông tin.

Sau khi con khi quyết định, tôi cùng con và thầy cô đánh giá quá trình nộp đơn, ví dụ con cần gì và hồ sơ đã có những gì, nên bổ sung phần nào. Hết năm lớp 10, con đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch ngoại khóa và hồ sơ nghề nghiệp. Lớp 11, cháu học IELTS, SAT, hoàn thiện nốt hồ sơ nghề và hoạt động ngoại khóa.

Đầu năm lớp 12 con tôi đã hoàn thiện hồ sơ. Cháu lên danh mục các đại học mong muốn và phù hợp để ứng tuyển. Do được chuẩn bị kỹ và sớm nên quá trình này không quá vất vả.

Tính đến tháng 12, con đã được 7 đại học ở Australia và Mỹ chấp nhận. Trong thời gian chờ nhập học, tôi cho con học lái xe, học thêm nghề phụ để có thể đi làm tự nuôi bản thân. Tôi cũng dạy con cách tìm hiểu luật pháp nơi mình sinh sống, kết bạn với các sinh viên tại trường. Trước đó, từ năm con lớp 10, tôi cho con tập gym, học về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bản thân để tự lập khi du học.

Nguyễn Thị Hồng Liên

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020