Sự kiện công bố tái định vị thương hiệu với nhận diện thương hiệu mới của Trường Đại học (ĐH) Văn Lang được tổ chức sáng nay (22.12). Theo đó, Ban lãnh đạo nhà trường đã công bố bộ nhận diện mới, với thông điệp "Hồi trống vang, Văn Lang chuyển mình", đồng thời chia sẻ về định hướng mới, minh chứng cho động lực và hoài bão của Văn Lang.
TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, công bố về định vị thương hiệu mới của Trường.
Thông qua các chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất đạt chuẩn, Trường ĐH Văn Lang mong muốn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị đầy đủ tư duy - kiến thức - kỹ năng hội nhập với thế giới, có thể gia nhập nguồn nhân lực làm việc tại nước ngoài hoặc bước vào mọi môi trường có yếu tố quốc tế ngay tại Việt Nam.
Tính tới năm 2022, Trường ĐH Văn Lang có hơn 100 chương trình học, với 66 ngành học thuộc 7 lĩnh vực đào tạo sở hữu chương trình giảng dạy đối sánh với các trường thuộc top 100 - 200 trên thế giới. Trường Đại học Văn Lang dự kiến tái cấu trúc 26 khoa hiện có của trường thành bảy trường thành viên gồm: Trường Kinh tế, Trường Công nghệ, Trường Quản trị du lịch, Trường Khoa học sức khỏe, Trường Nghệ thuật, Trường Kiến trúc, Trường Xã hội và Nhân văn.
TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: "Thực tế cho thấy, sinh viên Việt Nam vẫn đang có tâm lý thiếu tự tin khi bước vào môi trường công việc chuẩn quốc tế, so với người lao động tới từ các quốc gia phát triển khác. Với việc cải tiến chất lượng dạy và học cùng đội ngũ giảng viên chuẩn QS 4 sao, với tư duy và góc nhìn mới, Đại học Văn Lang chuyển mình để góp phần kiến tạo những thế hệ sinh viên mới - xóa tan khoảng cách giữa nhân lực Việt Nam và thế giới, mở ra cơ hội phát triển rộng hơn cho các em".
Ban giám hiệu Trường Đại học Văn Lang
Với những cải tiến mới, Văn Lang đã và đang chuyển mình nhằm hướng tới mục tiêu đưa sinh viên Việt Nam tiệm cận với môi trường chuẩn quốc tế. Bên cạnh chương trình học đối sánh với chương trình của các đại học top 100-200 thế giới, sinh viên Trường ĐH Văn Lang được học kỹ năng mềm tương ứng với bộ kỹ năng thế kỷ 21; học tiếng Anh với yêu cầu chuẩn đầu ra tương đương IELTS 6.0.
Ngoài ra, sinh viên cũng được mở rộng cơ hội giao lưu, trao đổi với sinh viên quốc tế qua hoạt động của hơn 30 chương trình liên kết quốc tế đang triển khai.
Với tầm nhìn và lộ trình mới, tại sự kiện Trường ĐH Văn Lang cũng công bố nhiều hoạt động đặc biệt trong năm 2023, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế...
Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ tại toạ đàm Sự chuyển mình của Giáo dục ĐH để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai.
Nhân sự kiện công bố tái định vị thương hiệu với nhận diện thương hiệu mới, Trường ĐH Văn Lang cũng tổ chức tọa đàm có chủ đề "Sự chuyển mình của giáo dục ĐH để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai". Các chuyên gia, khách mời của toạ đàm gồm: Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM; Ông Hùng Võ - thành viên Hội đồng cố vấn toàn cầu, ĐH Fulbright Việt Nam - Nhà sáng lập và chủ tịch Tập đoàn quảng cáo Dentsu Redder - 1 trong 50 CMO có sức ảnh hưởng nhất châu Á năm 2021; Bà Phan Tú Quyên - Giám đốc điều hành và thành viên ban lãnh đạo Microsoft Vietnam; Bà Huỳnh Thị Xuân Liên - thành viên Hội đồng quản trị Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty CAF.
Theo các chuyên gia thế giới toàn cầu hóa đang gia tốc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự phát triển theo cấp số nhân của công nghệ đã và đang giúp các công ty đa quốc gia tận dụng được nguồn nhân lực trên toàn thế giới. Ở kỷ nguyên của siêu kết nối, tự động hóa và không biên giới, môi trường làm việc và sự cạnh tranh nhân lực/ năng lực diễn ra giữa các quốc gia, thậm chí, cơ hội công việc còn đang đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh bởi trí tuệ nhân tạo.
Trong tương quan đó, nguồn nhân lực Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi vì chưa được chuẩn bị đầy đủ các năng lực cần thiết trong quá trình đi học. Ở đó, mỗi cá nhân và tổ quốc phải nhanh chóng thích ứng, đổi mới và sáng tạo.
Thực trạng này đặt ra thách thức lớn cho các trường Đại học tại Việt Nam. Đó là "bài toán khó" trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí chung trên toàn cầu mà không chịu ảnh hưởng về thời gian, địa lý hay cách biệt về ngôn ngữ.