Trụ sở chính Công ty TNHH giáo dục Master English, số 97 Trần Thị Nghỉ, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM và chi nhánh SAS trên đường này đều tháo bảng hiệu, đóng cửa - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Ngày 10-10, hai fanpage "SAS Thủ Đức - Hoang Dieu Campus" và "SAS - District 9 Campus" bất ngờ đăng thông báo: "Trung tâm SAS Hoàng Diệu, SAS Lê Văn Việt chính thức ngừng hoạt động" khiến phụ huynh, học viên lo lắng trước nguy cơ không đòi lại được học phí đã đóng.
Đóng tiền nhưng chưa được học
Anh L.T.Q.U. (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết tháng 12-2020, anh đến Trung tâm SAS chi nhánh Hoàng Diệu (TP Thủ Đức) đăng ký học tiếng Anh. Sau khi được tư vấn, anh quyết định tham gia hai khóa học S0 và S1 với học phí 6,5 triệu đồng.
"Sau khi đóng tiền, do chưa có lớp nên tôi được xếp học dự thính để đến tháng 2-2021 học lớp S0. Sau đó do dịch COVID-19 nên trung tâm thông báo nghỉ khi tôi đang học lớp S0. Đến ngày 10-10, fanpage của trung tâm đăng thông báo trung tâm chính thức nghỉ do giám đốc bỏ trốn. Tìm hiểu thêm, tôi biết có rất nhiều người cũng bị như mình. Đến nay, trung tâm vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về việc hoàn trả học phí", anh U. bức xúc.
Ngày 20-4, chị C.T.H. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đến Trung tâm SAS chi nhánh 159 Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận) để đăng ký tham gia bốn khóa học tiếng Anh và nộp học phí 4,625 triệu đồng.
"Sau khi kết thúc khóa đầu tiên học online, khóa thứ hai tôi học được ba buổi thì nhân viên trung tâm nói phần mềm học online trục trặc, cần nghỉ một thời gian để khắc phục. Nhưng sau đó giáo viên cho biết trung tâm đã đóng cửa và không nhắc gì đến việc hoàn tiền cho học viên. Tôi đã nhiều lần liên hệ đến số điện thoại ông Quản (giám đốc SAS - PV) chỉ nhận được tin nhắn phản hồi sẽ xem xét lớp học online. Tuy nhiên đến nay tôi không gọi điện hay nhắn tin gì được cho người này nữa", chị H. cho hay.
Phản ảnh với Tuổi Trẻ, nhiều học viên, phụ huynh có con đang học tại các trung tâm SAS ở TP.HCM bày tỏ bức xúc khi đã nộp học phí học tiếng Anh giao tiếp nhưng đến nay trung tâm này không mở lớp và cũng không liên lạc được.
Chị M.H. (phụ huynh ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết tháng 3-2021, sau khi được nhân viên Trung tâm SAS chi nhánh Trần Thị Nghỉ (Q.Gò Vấp) tư vấn khóa học giao tiếp từ căn bản S0, 1, 2, 3, 4, 5 học trong thời gian 1,5 năm, nếu đóng trọn gói sẽ được giảm học phí và được nhận nhiều quà tặng kèm với 1 tour du lịch đi Mekong.
"Tôi đã dành toàn bộ số tiền tiết kiệm để đóng trọn gói cho hai chị em tôi tổng cộng 25,2 triệu đồng theo học tiếng Anh giao tiếp. Khóa 1 kết thúc vào tháng 5-2021. Rồi vì dịch COVID-19 nên trung tâm cho nghỉ, từ đó đến nay vẫn chưa liên lạc để thông báo việc học online hay vấn đề khác. Tôi tìm hiểu thì phát hiện page của trung tâm đã bị đổi tên và xóa hết thông tin của trung tâm. Chị tư vấn khóa học cho tôi hủy kết bạn và cũng không liên lạc được" - chị H. kể.
Giáo viên, nhân viên cũng bị nợ lương
Theo đại diện quản lý fanpage trên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng 5-2021 toàn bộ nhân viên các chi nhánh SAS khu vực Thủ Đức phải tạm ngừng làm việc. Đồng thời cho biết tiền học phí của học viên nộp khi đăng ký đã được nhân viên chuyển toàn bộ về cho công ty, cụ thể là giám đốc (ông Đỗ Văn Quản - PV).
"Vì nhận được thông báo từ giám đốc, trung tâm sẽ tiếp tục hoạt động sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản chính thức nên trong suốt thời gian dịch, các nhân viên đã cố gắng hỗ trợ giải đáp thắc mắc cũng như động viên tinh thần học viên. Nhưng hiện giờ toàn bộ nhân viên hệ thống không một ai liên lạc được với giám đốc. Hiện có rất nhiều thông tin khẳng định giám đốc đã bán nhà tại Q.Gò Vấp, TP.HCM và bỏ trốn", quản lý fanpage Hoang Dieu Campus cho biết.
Trong khi đó, nhiều giáo viên và nhân viên các trung tâm SAS cũng phản ảnh việc họ bị nợ lương. Theo ông B.Đ.B. (giáo viên Trung tâm SAS chi nhánh Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), từ đợt dịch COVID-19 đầu năm 2020, đã bắt đầu có tình trạng trung tâm chậm trả lương.
"Theo thỏa thuận, trung tâm sẽ trả lương cho giáo viên, nhân viên vào ngày 5 hằng tháng. Nhưng đến ngày thì trung tâm gửi email cho nhân viên để thông báo trễ hẹn lương. Tình trạng trên xảy ra liên tục đến những tháng đầu năm 2021. Không chỉ riêng tôi, hàng chục giáo viên, nhân viên nhiều chi nhánh SAS khác, trong đó có nhiều giáo viên người nước ngoài cũng bị nợ lương", ông B. cho biết thêm.
Chị M.T.N. (giáo viên Trung tâm SAS Hoàng Diệu) cho hay trung tâm nợ chị ba tháng lương, nhiều giáo viên khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. "Cứ nghĩ do ảnh hưởng COVID-19 nên gặp khó khăn chung, chúng tôi chia sẻ với công ty. Đến khi vào fanpage nhóm giáo viên các trung tâm mới biết giám đốc công ty đã tẩu tán tài sản, nợ lương giáo viên nhiều chi nhánh. Tôi đã nhiều lần liên lạc với những người có trách nhiệm trong công ty nhưng không được, lên tận trụ sở công ty thì không ai tiếp", chị N. bức xúc.
"Mất liên lạc với giám đốc cả tuần rồi"
Chúng tôi nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Đỗ Văn Quản, giám đốc điều hành SAS, nhưng đều không được. Tối 15-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Phạm Tuấn Anh - phó giám đốc SAS - cho biết: "Chúng tôi mất liên lạc với ông Quản cả tuần nay rồi. Rất nhiều người cũng đang kiếm ông ấy. Gần cả năm nay, hàng ngàn học viên, nhân viên, giáo viên liên tục gọi điện cho tôi đòi học phí, tiền lương nhưng bản thân tôi chỉ là nhân viên công ty và cũng đang bị nợ lương gần 300 triệu đồng".
Cũng theo ông Tuấn Anh, ông Đỗ Văn Quản hiện đứng tên giám đốc ba công ty, điều hành hệ thống các trung tâm Anh ngữ SAS ở nhiều tỉnh thành. Theo tìm hiểu của chúng tôi, SAS hiện có gần 70 cơ sở ở hơn 20 tỉnh thành trên cả nước. Từ khi đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, nhiều cơ sở của SAS ngưng hoạt động đến nay.
Nhiều học viên, giáo viên, nhân viên khác của SAS ở các địa phương cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Hiện đã có rất nhiều nhóm trên Zalo, fanpage trên Facebook được các nạn nhân của SAS lập ra để tập trung làm đơn tố cáo, đòi quyền lợi.
4 chi nhánh đã giải thể
Theo thông tin trên website Sở GD-ĐT TP.HCM, hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Thế hệ mới (Sài Gòn American English Center - SAS) thuộc Công ty TNHH Giáo dục Master English, đăng ký trụ sở chính tại số 97 Trần Thị Nghỉ, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Trong số 23 địa chỉ trung tâm tại nhiều quận, huyện, TP Thủ Đức (TP.HCM) hiện có 9 chi nhánh đang hoạt động, 9 chưa có quyết định hoạt động giáo dục và 4 chi nhánh đã giải thể.
TTO - Ngày 18-6, ông Nguyễn Văn Hùng - quản lý hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Sài Gòn Vina - cho biết hội đồng quản trị trung tâm này quyết định sẽ vay để duy trì công ty, ưu tiên trả lương giáo viên.