Tổng giám đốc PwC Việt Nam Mai Viết Hùng Trân (phải) trong phần đối thoại với các tân sinh viên - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sáng 6-9, Tổng giám đốc PwC Việt Nam Mai Viết Hùng Trân đã trả lời nhiều câu hỏi trong cuộc đối thoại giữa tân sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) và lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của nhà trường. PwC là 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, thường được gọi là "Big 4" trong lĩnh vực này.
Một tân sinh viên thắc mắc về những tác động của AI trong ngành kế toán, kiểm toán và sinh viên sẽ phải chuẩn bị gì để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong thời gian tới.
Ông Mai Viết Hùng Trân cho rằng hiện tại AI đang được áp dụng nhiều vào các công cụ tư vấn khách hàng, phân tích dữ liệu, pháp lý, quản trị rủi ro… Dự đoán trong 5 năm tiếp theo, AI sẽ là công cụ hỗ trợ cho nhân sự trong nghề, tuy nhiên tác động trong 10 năm tiếp theo thì khó nói trước vì công nghệ đang thay đổi quá nhanh.
Ông Trân cho rằng khi thị trường và công nghệ có những biến động nhanh chóng, tân sinh viên nên chuẩn bị một tâm thế tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trên phạm vi rộng hơn ngay từ khi vào học. Các doanh nghiệp ngày càng mong đợi ở những nhân sự thành công biết thêm nhiều thứ ngoài chuyên môn chính.
Chẳng hạn ngoài kế toán, kiểm toán các bạn có thể biết thêm về tài chính, công nghệ thông tin, pháp lý… Hiểu biết và kỹ năng trong những chuyên môn phụ này không cần quá rộng và sâu, nhưng các bạn nên có ở mức cơ bản để làm nền tảng cho những bước tiến và giúp các bạn có thể sẵn sàng hơn cho những sự thay đổi.
Theo ông Trân, sinh viên không nên quá bó hẹp nếu học ngành kế toán, kiểm toán thì chỉ biết kế toán, kiểm toán và sau này làm kế toán, kiểm toán.
Bà Lương Thị Ánh Tuyết - phó tổng giám đốc PwC Việt Nam - cho rằng khác với những thế hệ trước đây, tân sinh viên hiện nay có rất nhiều cơ hội bổ sung kỹ năng. Tuy nhiên khi có quá nhiều lựa chọn, tân sinh viên phải biết cách chọn lọc.
Chẳng hạn trong khoảng thời gian đại học, sinh viên sẽ học tiếng Anh, học thêm một ngoại ngữ, tham gia các câu lạc bộ học thuật, các kỳ thi, bổ sung các kiến thức liên quan đến ngành học hay cập nhật công nghệ.
Theo bà Tuyết, sinh viên có thể xuất phát từ định hướng công việc của mình khi ra trường, tìm hiểu về những kiến thức, kỹ năng công việc cần, sau đó lên kế hoạch tích lũy.
"Nếu không có sự tập trung, các bạn sẽ đi lòng vòng. Ngoài ra, tân sinh viên nên giữ thái độ liên tục học hỏi để luôn sẵn sàng thích ứng phù hợp với thực tế" - bà Tuyết nói.
Tân sinh viên đặt câu hỏi cho các đại diện doanh nghiệp trong buổi khai giảng - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sinh viên cần sớm thích nghi cách học mới
Năm học 2024 - 2025, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đón 2.630 tân sinh viên. Trường tuyển sinh 15 ngành học với 33 chuyên ngành, chương trình đào tạo, trong đó có 8 chuyên ngành, chương trình đào tạo dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đặc biệt năm học này trường triển khai 2 chương trình dạy và học hợp tác với doanh nghiệp (Co-operative Education): ngành công nghệ tài chính (Fintech) và ngành hệ thống thông tin quản lý (MIS).
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - hiệu trưởng - nói chương trình Co-operative Education cho các tân sinh viên được trải nghiệm thực tế, làm việc thật sự ở doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập với thời gian dài hơn, nội dung sâu hơn so với các chương trình thông thường.
Tại buổi lễ khai giảng ngày 6-9, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - lưu ý rằng năm nhất thường là năm ghi nhận số lượng sinh viên ở nhiều trường đại học bỏ học lớn nhất trong các năm học. Nguyên nhân lớn là vì các tân sinh viên không thể thích ứng được việc học ở bậc đại học.
Do vậy nhắn gửi đến các tân sinh viên, ông Tâm cho rằng các bạn cần chuẩn bị tâm lý vượt qua những khác biệt của việc học đại học so với bậc phổ thông, từ cách học đến cách kiểm tra, đánh giá, nhằm sớm hòa nhập với môi trường ở bậc đại học.