Chuyên mục  


Chị Đ.T.H có 2 con học ở trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An phàn nàn về việc học phí năm học 2022-2023 tăng quá cao so với những năm trước. “Học phí năm nay cao gấp đôi so với năm ngoái. Chưa kể các khoản thu khác mỗi đứa cũng ngốn gần 4 triệu đồng. Vợ chồng đi làm thuê, lương ba cọc ba đồng, nên tiền học đầu năm thực sự là gánh nặng với gia đình”, chị H. nói.

1 lớp học nhưng có 2 mức thu học phí: 300.000 đồng và 100.000 đồng.

Theo chị H., ngoài việc tăng học phí thì còn một bất cập là trong cùng một lớp nhưng mức học phí lại đóng khác nhau.

“Nhà tôi hộ khẩu ở phường nên năm nay mức đóng học phí là 300.000 đồng/tháng/cháu. Tuy nhiên, trong lớp có bạn học trái tuyến hộ khẩu ở xã lại chỉ đóng có 100.000 đồng/tháng/cháu”, chị H. nói. Thực tế này đang diễn ra ở hầu hết các trường cấp 2 ở các phường tại TP Vinh.

Cô Hà Lê Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, cho biết: “Trường đã triển khai họp phụ huynh và thông báo về kế hoạch thu học phí trên tinh thần Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh Nghệ An.

Theo đó, học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh có hộ khẩu ở phường là 300.000 đồng và lộ trình 1 năm tăng 15.000 đồng; còn học sinh có hộ khẩu ở xã là 100.000 đồng và lộ trình 1 năm tăng 5.000 đồng. Năm học 2022-2023, toàn trường có khoảng 40 học sinh trái tuyến. Việc có học sinh trái tuyến nhưng thu học phí theo Nghị quyết 14 gây khó khăn và phức tạp”.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vinh khẳng định việc các trường triển khai kế hoạch thu học phí năm học 2022-2023 là dựa theo quy định của Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh Nghệ An. Mức thu học phí trong Nghị quyết 14 là mức sàn thấp nhất so với Nghị định 81 của Chính phủ.

“Quy định thu theo hộ khẩu thường trú sẽ phức tạp, do đó nên thu theo nơi cư trú hoặc thu theo điểm trường là tốt nhất”, bà Thảo đề xuất.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020