Chuyên mục  


screenshot-2024-06-26-223444-17194164663081598121060.png

Nhóm bạn thể hiện sự tự tin và quyết tâm trước kỳ thi quan trong tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nói đặc biệt là vì đa số thí sinh dự thi năm nay sinh năm 2006, chứng kiến nhiều đổi thay và biến cố trong quá trình học tập. Còn kỳ thi tốt nghiệp 2024 này là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

2/3 số bạn lớp em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ít nhất 1 trường. Nên "kỳ thi cuối cùng" vào thời điểm này cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
(Một học sinh ở TP.HCM)

Lợi thế và thiệt thòi

Cô Dương Mai Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 ở Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: "Chúng tôi vẫn nghĩ lớp học trò 2006 rất đặc biệt. Các con có sự mở đầu cấp học vào giữa đại dịch.

Từ lớp 9 thi lên lớp 10 cũng trong dịch và có gần hết năm lớp 10 phải học trực tuyến. Ngày khai trường đầu tiên của cấp học, thầy trò chỉ gặp nhau qua màn hình máy tính. Nên tuy là 3 năm học nhưng các con chỉ có hơn 2 năm học được gặp gỡ thầy cô, bạn bè, được học tập và tham gia các hoạt động trong môi trường học đường thực sự.

Không chỉ thiệt thòi về kiến thức và kỹ năng, các con còn thiệt thòi hơn nhiều thế hệ học sinh khác về tình cảm, về những ký ức gắn bó với trường lớp, thầy cô".

Tương tự, ở TP.HCM, lứa học sinh lớp 12 năm nay cũng có cùng điểm chung là phải học trực tuyến gần hết năm lớp 10. "Bên cạnh đó, chúng tôi không được thi tuyển sinh lớp 10 vì COVID-19. Tôi dành hết tâm sức để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhưng cuối cùng thì TP.HCM thực hiện tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét tuyển học bạ.

Trong khi đó, học bạ của tôi lại không được "đẹp" nên tôi đã bị đánh rớt cả nguyện vọng 1 và 2" - Mai Anh Đào, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM, tâm sự.

Anh Đào cho hay từ việc này em đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc là hãy cố gắng hết sức từng ngày một. "Tôi biết đây là kỳ thi cuối cùng của chương trình cũ. Kỳ thi tốt nghiệp năm sau là theo chương trình mới rồi, sẽ có khá nhiều thay đổi" - Anh Đào nói với vẻ âu lo.

Nhiều học sinh tâm sự cảm thấy hẫng hụt vì thời gian trôi nhanh quá, nhưng cũng không ít em lại có cái nhìn lạc quan. Khi thời gian dành cho trường lớp, thầy cô và bạn bè ít ỏi hơn, các em lại thấy những kỷ niệm đáng nhớ và đáng trân trọng hơn.

"Thời gian dài hay ngắn không quan trọng bằng việc ta đã có những gì. Đại dịch trôi qua khiến em cảm thấy được sự quan tâm nhiều hơn của thầy cô. Và kỳ thi sắp tới cũng vậy, vì đó là kỳ thi cuối cùng của chương trình cũ nên em có cảm giác các thầy cô cũng sát sao, tận tình hơn. Đó là động lực cho em nỗ lực khi bước vào kỳ thi này" - Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội), bộc bạch.

Mai Anh Đào thì thừa nhận: "Chúng tôi không chỉ có khả năng thích ứng tốt với sự thay đổi của xã hội mà chúng tôi còn rèn luyện được kỹ năng tự học nhờ vào việc phải học trực tuyến suốt một thời gian dài. Chính điều này đã giúp tôi chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù đã trúng tuyển ĐH bằng phương thức xét tuyển sớm thì tôi vẫn muốn thử sức mình ở kỳ thi này với mục tiêu khác cao hơn".

Quan điểm về lứa học sinh 2006 của các thầy cô giáo cũng được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Phần lớn thầy cô giáo đều cho rằng lứa 2006 có những thiệt thòi vì đại dịch COVID-19, nhưng cô Lê Ngọc, giáo viên THPT tại Hải Phòng, thì lại cho rằng "lứa học sinh này có tính thích ứng cao".

Theo cô Ngọc, các em bước qua giai đoạn chuyển cấp và bước vào cấp học mới trong giai đoạn các nhà trường phải linh hoạt để "ngừng đến trường nhưng không ngừng dạy học". Có khoảng thời gian các em phải vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp. Ngoài khả năng ứng dụng công nghệ thông tin tốt hơn, các em cũng có khả năng thích ứng tốt hơn.

Tuy nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau, có ưu điểm và nhược điểm, nhưng rõ ràng 2006 là thế hệ có nhiều điểm đặc biệt nên cũng có nhiều cảm xúc khi các em bước vào kỳ thi cuối cùng của đời học sinh và cũng là kỳ thi cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông cũ, kết thúc một giai đoạn của giáo dục phổ thông.

thi-tot-nghiepanh-chinh-trang-14-2218055-2read-only-17194156325611242404961.jpg

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT vào chiều 26-6 tại điểm thi THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đậu đại học khi chưa thi tốt nghiệp

Lưu Trần Minh Anh, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), kể rằng dù đã đủ điều kiện trúng tuyển vài trường đại học, nhưng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, em vẫn ít nhiều áp lực.

"Tuy biết Bộ GD-ĐT sẽ có phương án cho những học sinh thi trượt năm nay dự thi vào năm sau, nhưng dù sao tâm lý bước vào kỳ thi cuối cùng theo chương trình cũ cũng khiến em và các bạn lo lắng.

Bởi cho dù năm sau vẫn có đề thi riêng cho lứa chúng em nhưng có thể cấu trúc đề thi sẽ thay đổi, hình thức thi cũng sẽ thay đổi, những học sinh thi rớt năm nay sẽ phải làm quen với cách thức mới. Và hơn hết mang tâm lý là người của chương trình cũ" - Minh Anh nói.

Minh Anh cho biết em đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển vài nơi nhưng em vẫn hy vọng có điểm cao trong kỳ thi này để sử dụng xét tuyển đại học. "Em chỉ học thầy cô ở trường và tự học. Nhưng có những bạn vì lo lắng không yên tâm đã phải học thêm bên ngoài.

Trước khi bước vào kỳ thi không đầy một ngày, em vẫn chưa rời được sách. Những câu hỏi mang tính "gỡ điểm" lại là các câu hỏi cần ghi nhớ chính xác nên em không muốn bỏ mất điểm ở những câu như vậy", Minh Anh cho biết.

Một áp lực nhưng cũng là ưu điểm của thế hệ 2006, theo nhiều thầy cô, là đang có những thay đổi lớn về phương thức xét tuyển đại học. Các em phải học, phải thi nhiều hơn, tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, các kỳ thi riêng của một số cơ sở đào tạo, rồi thi IELTS và SAT để có nhiều cơ hội xét tuyển đại học.

Điều này có nghĩa áp lực ôn tập, thi cử rất lớn. Nhưng nhìn ở ưu điểm, các em có nhiều lựa chọn hơn những thế hệ trước khi không bị "bỏ hết trứng vào một giỏ" nên áp lực với kỳ thi cuối cùng cũng được giảm bớt khá nhiều.

M.Th., học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, thông tin ở TP.HCM có rất nhiều thí sinh đi thi tốt nghiệp THPT chỉ để lấy bằng tốt nghiệp. "Đa số các bạn ở lớp tôi đều đã đậu đại học bằng phương thức xét tuyển sớm. Chỉ một số bạn có nguyện vọng thi vào ngành y mới phải học ngày học đêm, làm sao thi đạt được điểm cao nhất để sử dụng xét tuyển vào đại học" - Th. nói.

thi-tot-nghiepanh-nho-trang-15-5read-only-17194156325581400905713.jpg

Thí sinh làm thủ tục thi tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa (Hà Nội) vào chiều 26-6 - Ảnh: NAM TRẦN

screenshot-2024-06-26-222348-1719415692175761608287.png

Nguồn: Bộ GD-ĐT - Dữ liệu: TRỌNG NHÂN - Đồ họa: TUẤN ANH

Mời xem gợi ý giải đề thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 chính thức bắt đầu hôm nay (27-6). Buổi sáng thí sinh thi môn ngữ văn, buổi chiều thi toán. Ngày 28-6, buổi sáng thi bài thi khoa học tự nhiên/ khoa học xã hội, buổi chiều thi ngoại ngữ. Ngay sau mỗi buổi thi, mời bạn đọc xem gợi ý giải đề thi tại tuoitre.vn và phụ trang giải bài thi trên nhật báo.

Mời tham dự Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển

tuyen-sinh-4075-8b75-444da4a5295a-1read-only-17194156325501356708734.jpg

Tình nguyện viên (trái) hướng dẫn thí sinh vào phòng thi tại một điểm thi ở TP Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Bộ GD-ĐT dự kiến công bố điểm thi tốt nghiệp THPT vào 8h ngày 17-7-2024. Thí sinh có thể xem điểm nhanh tại https://tuoitre.vn/diem-thi.htm hoặc tại trang quản lý thi của bộ.

Ngày 20-7, báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển với sự tham gia của hàng trăm trường đại học, cao đẳng, đơn vị giáo dục trong và ngoài nước. Tại ngày hội, các chuyên gia sẽ giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến quy trình xét tuyển, cách thức đăng ký, xử lý, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh chung của bộ.

Chương trình diễn ra tại khuôn viên Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM (quận 10, TP.HCM) và khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội, vào cửa tự do, mời phụ huynh và thí sinh tham gia.

Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở giáo dục có nhu cầu đăng ký gian tư vấn có thể liên hệ số điện thoại 090 9267677 gặp anh Hồng Hiếu, email: ngayhoituyensinh@gmail.com, hoặc đăng ký trực tuyến tại địa chỉ https://ssc.hcmut.edu.vn/ngayhoituoitre. Các trường ngoài TP.HCM có thể liên hệ văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội: 72A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội - điện thoại: (024) 3847.3663, 3847.3664.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020