Chuyên mục  


Thông tin trên được Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Mỹ diễn ra tại Hà Nội sáng 27/11.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ vào năm ngoái và ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống. Chủ tịch AmCham Joseph Uddo cũng kỳ vọng bối cảnh này sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam cải thiện chính sách, thu hút thêm nhà đầu tư, và hỗ trợ doanh nghiệp.

Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Mỹ tại Hà Nội sáng 27/11. Ảnh: VGP

Giám đốc Điều hành AmCham Adam Sitkoff cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết của các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp hai nước nâng tầm giao thương và đầu tư song phương, đồng thời phối hợp với chính phủ tháo gỡ các rào cản và thách thức.

Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nói hai nước tự tin sẽ phát huy tiềm năng hơn nữa để đưa đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất.

Ông khẳng định, để thúc đẩy thương mại hài hòa và bền vững với Mỹ, Việt Nam có kế hoạch mua thêm các sản phẩm từ Mỹ, bao gồm máy bay, khí hóa lỏng (LNG), trang thiết bị an ninh, chip AI.

Tháng 9 năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Boeing tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để chuyển giao các đơn đặt hàng mua máy bay đã ký kết thời gian qua, trong buổi tiếp ông Brendan Nelson, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Công ty Boeing Global. Một năm trước đó, Vietnam Airlines và Boeing ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị 10 tỷ USD.

Trong Quy hoạch điện VIII, điện khí LNG được xem là nguồn năng lượng phù hợp xu thế phát triển công nghệ của thế giới. Hiện Việt Nam mới nhập khẩu LNG từ Qatar, Malaysia, Brunei. Trong khi đó, Mỹ là một trong những nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới.

Thương mại là lĩnh vực hợp tác kinh tế lớn nhất, thành công nhất trong quan hệ hai nước, theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị sáng nay. Thủ tướng cho biết thời gian tới, Việt Nam ưu tiên làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Đồng thời, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật cũng là một mục tiêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về các ưu tiên tăng trưởng thời gian tới tại Hội nghị sáng 27/11. Ảnh: VGP

Ông đề nghị doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên nói trên. Thủ tướng khẳng định mong muốn các doanh nghiệp Mỹ yên tâm tăng cường hợp tác, đầu tư với Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời trong việc triển khai các hoạt động hợp tác.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt kỷ lục 110,8 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với kim ngạch hai chiều 10 tháng đầu năm đạt 110,9 tỷ USD, theo số liệu từ phía Việt Nam.

Đến tháng 10/2024, Mỹ có 1.400 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, đứng thứ 11/148 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast... cũng đang mở rộng hoạt động sang Mỹ, mang lại lợi ích chung đan xen.

Trí Khang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020