Chuyên mục  


Làm gì khi hàng nghìn thí sinh là F0?

Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 quy định, đến ngày thi, những thí sinh được xác định là F0 đang cách ly để điều trị sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT.

Theo lý giải của Bộ GD-ĐT vào thời điểm đó, trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 cũng giống với các trường hợp đặc biệt khác như: Tai nạn, ốm đau, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác được ưu tiên đặc cách xét tốt nghiệp.

Thế nhưng thí sinh không tham gia kỳ thi sẽ không có điểm thi để làm căn cứ xét tuyển ĐH. Trường hợp này, thí sinh sẽ phải xét tuyển ĐH bằng phương thức khác như: Xét học bạ, dùng chứng chỉ quốc tế, kỳ thi đánh giá năng lực.

Phòng thi đặc biệt chỉ có một thí sinh rơi vào "diện F" ở Đông Anh, Hà Nội hồi năm ngoái (Ảnh: Đ. Cường).

Với đặc điểm năm nay, dịch bùng phát ở nhiều tỉnh thành, số lượng học sinh mắc Covid-19 trong trường học có tỉnh lên đến hàng nghìn em như hiện nay, một số ý kiến cho rằng cần có phương án phù hợp thay vì xét đặc cách như những năm trước.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, trước làn sóng bùng phát mạnh mẽ của Covid-19 từ đầu năm đến nay, địa phương này có hàng nghìn học sinh là F0. Trong đó, riêng học sinh khối THPT hiện có khoảng 500 em dương tính.

Việc tính toán đặc cách hay tổ chức thi đợt sau đối với thí sinh F0 hiện vẫn chưa có hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo này, nếu có ý kiến của cơ quan Y tế về việc cho F0 ra khỏi nhà, có thể tổ chức một số phòng thi riêng cho đối tượng F0 để giảm tốn kém. Do hiện nay, quy định này vẫn chưa có nên phương án thi này có thể chưa thực hiện được.

Một số ý kiến khác cho rằng, vì số lượng học sinh mắc Covid-19 trong trường học và trong cộng đồng tăng cao, Bộ GD-ĐT cần có quy định đảm bảo quyền lợi cho học sinh và tốt nhất nên tổ chức thành nhiều đợt thi.

Thống kê mới đây từ các địa phương, cơ sở giáo dục báo cáo về Bộ GD-ĐT, từ đợt dịch thứ 4 (04/2021) đến nay có 860.062 ca F0, trong đó CBGV là: 96.931 ca và HSSV là 763.131 ca.

Hiện nay, số ca F0 đang điều trị là 137.949 ca (trong đó CBGV: 12644 ca, HSSV: 125.305 ca).

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội ủng hộ việc xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh F0, thay vì thi thêm một đợt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đề xuất nên giữ nguyên phương án như năm ngoái, có tổ chức thi đợt 2 vì học sinh cần điểm thi để xét tuyển vào một số trường đại học, cao đẳng.

Cũng theo Hiệu trưởng này, hiện nhà trường có hơn 50 học sinh khối THPT đang là F0. Mới đây, quận Nam Từ Liêm tổ chức thi nghề cho học sinh khối 12 nhưng hơn 500 học sinh ở đây phải chuyển thi đợt sau do đang là F0. Dự kiến quận sẽ tổ chức thi nghề vào đợt 2 cho các học sinh này.

Giám thị phòng thi đặc biệt phải mặc trang phục bảo hộ để phòng Covid-19 (Ảnh: Đ. Cường).

Bộ sẽ có phương án phù hợp

Với quy định đặc cách xét tốt nghiệp THPT, phụ huynh và học sinh lo lắng nếu không tham gia kỳ thi sẽ không có điểm thi để làm căn cứ xét tuyển đại học. Về vấn đề này, mới đây đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, các thí sinh có nhiều lựa chọn phương thức khác nhau để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Các cơ sở giáo dục đại học cũng có quyền tự chủ cao trong việc xác định các phương thức tuyển sinh để lựa chọn người học phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình.

Việc thí sinh F0 sẽ được thi tốt nghiệp THPT ra sao sẽ do Bộ GD-ĐT quy định trong thời gian tới nhưng đa số ý kiến đều cho rằng, Bộ nên quyết sớm để các trường chuẩn bị.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An nói, Bộ nên có thông báo sớm để các địa phương lên phương án phối hợp với các ngành khác, đồng thời dự trù kinh phí nếu tổ chức phòng thi/hoặc đợt thi riêng.

Chẳng hạn năm ngoái, Nghệ An có một số phòng thi cho F1, kinh phí khoảng 7-8 triệu cho các phòng thi và chi phí thuê xe riêng đưa từ nhà đến phòng thi riêng này.

Như vậy mỗi điểm thi sẽ thêm khoảng 10-15 triệu đồng, đỡ tốn kém hơn so với việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tổ chức đợt thi riêng. Tuy nhiên, phương án này lại vướng bởi quy định F0 không được ra khỏi nhà của cơ quan Y tế.

Còn theo ông Nguyễn Quang Tùng, do tình hình dịch diễn biến nhanh, khó lường và phức tạp nên có thể các nhà quản lý chưa thể đưa ra phương án quá sớm.

Hiệu trưởng này cũng đồng tình với việc nên tổ chức thi cho thí sinh F0, thay vì xét đặc cách, bởi việc ưu tiên xét tuyển tốt nghiệp không phù hợp, cũng như không đảm bảo công bằng, khách quan cho học sinh nhất là trong điều kiện các em không có điểm để xét vào ĐH.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi nhanh với PV Dân trí chiều 18/3, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, trước mắt Bộ GD-ĐT đang tính toán về thời gian thi tốt nghiệp THPT.

Còn phương án cho đối tượng thí sinh là F0 như thế nào sẽ được tính toán sau, vào thời điểm gần ngày thi bởi diễn biến của dịch thường nhanh và khó lường. Cho dù là phương án nào, Bộ GD-ĐT cũng cố gắng theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020