Cô giáo dạy Ngữ văn lớp 11 Mai Nhật chia sẻ góc nhìn về đề kiểm tra Ngữ văn giữa kỳ lớp 11 của trường THPT Hai Bà Trưng và cách ra đề Văn nói chung.
Tôi đã xem đề Ngữ văn của trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế, Thừa Thiên Huế) và thấy rất quen thuộc. Chỉ cần tìm trên Google sẽ thấy đề này được đăng tải nhiều trong các mục ôn luyện học Văn của học sinh THCS. Câu hỏi nghị luận xã hội này không có tính văn chương, cả về ý nghĩa giáo dục lẫn thẩm mỹ, mang tính áp đặt bởi học sinh có thể lựa chọn không treo biển nào.
Với văn nghị luận xã hội, mọi vấn đề được nghị luận nên có trong thực tế đời sống. Cách nghị luận phải khoa học chặt chẽ, dẫn chứng chính xác có từ đời sống chứ không thể hư cấu tưởng tượng như kiểu văn miêu tả, văn phân tích cảm nhận tác phẩm văn chương. Bạn không thể so sánh kiểu đề này như việc tự do hư cấu sáng tạo trong đề miêu tả mẹ, ông bà hay cây cối hoặc loài vật.
Với câu hỏi của trường Hai Bà Trưng, nếu yêu cầu nghị luận về một vấn đề ứng xử văn hóa trong gia đình thì học sinh cần bài luận vài trang giấy mới đầy đủ chứ không phải trong phạm vi 150 chữ, tức khoảng 15 dòng. Nếu cho rằng đề trên chỉ đặt ra tình huống giả định cũng không đúng, bởi trong đề ghi rõ sự lựa chọn: "Anh/ chị sẽ chọn biển nào để treo trước cửa phòng mình?", không hề có giả thiết đặt trước mệnh đề.
Về giáo dục đạo đức, tình huống cho học sinh lựa chọn treo một trong ba tấm biển trên chưa hợp lý. Nếu học sinh chọn biển A: "Đây là vùng lãnh thổ của con, bố mẹ không được vào!" và lý giải theo cách riêng vẫn đúng theo yêu cầu đề. Nhưng cách này có thể vô tình tạo hệ luỵ về sau về tình trạng con cái có thái độ thiếu trách nhiệm với cha mẹ. Nếu học sinh chọn treo biển B "Cửa phòng con không khoá. Bố mẹ cứ vào nhé!". Thì việc lựa tấm biển treo trước cửa phòng là thừa.
Với yêu cầu của đề này, học sinh không thể đưa ra một tình huống khác bởi sự lựa chọn chỉ một trong ba. Giải sử nếu học sinh không lựa chọn treo biển mà chọn dùng lời nói để ba mẹ hiểu thì liệu có bị lạc đề?
Cậu 1 nghị luận xã hội trong đề Văn kiểm tra giữa kỳ lớp 11 của trường THPT Hai Bà Trưng gây tranh cãi.
Theo hướng dẫn xây dựng ma trận, đặc tả và đề kiểm tra đánh giá định kỳ theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh cấp THPT khối 11 (Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2020), phần viết đoạn văn nghị luận xã hội là nghị luận về một tư tưởng, đạo lý; hoặc một hiện tượng đời sống.
Từ đề trên, yêu cầu đoạn văn (2 điểm) giới hạn khoảng 150 chữ thì chỉ bàn luận trong phạm vi nhỏ của tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống dễ hiểu và thiết thực. Mệnh đề câu này cần rõ và giới hạn một trong hai dạng đề thống nhất theo tài liệu tập huấn là hợp lý về thời gian làm bài và năng lực trung bình của học sinh.
Trong mệnh đề yêu cầu lựa chọn các tấm biển, học sinh sẽ mơ hồ khi xác định vấn đề cần nghị luận. Không rõ câu này thuộc kiểu hiện tượng đời sống hay tư tưởng - đạo lý? Về tư tưởng, đạo lý thì không phải, về hiện tượng đời sống thì hoàn toàn không.
Câu hỏi nghị luận xã hội kiểm tra năng lực nghị luận, viết văn, vận dụng từ ngữ diễn đạt và nhận thức tư tưởng/đạo lý hay là cách quan sát trải nghiệm, đối thoại với những hình ảnh đẹp từ cuộc sống, sẽ giúp học sinh trưởng thành trong nhận thức rất nhiều.
Việc đổi mới sáng tạo cách ra đề thi khiến học sinh trở nên hào hứng hơn trong việc học Văn, tạo cho môn học trở về đúng chức năng văn chương: khám phá và sáng tạo. Nhưng phải chăng ta đã chệch hướng trong cách nhìn về đề Văn sáng tạo.
Trong giáo dục, đổi mới sáng tạo cách ra đề là tốt. Đề sáng tạo là ở cách nhìn phát hiện vấn đề, phù hợp với mức độ đánh giá từng loại đề kiểm tra, chứ không phải là hình thức mập mờ đánh đố. Việc đổi mới đề thi những năm gần đây buộc giáo viên phải tìm tòi sáng tạo nhiều hơn, mang lại nhiều thú vị hơn cho học sinh khi học Văn. Nhưng dường như đang có sự nhầm lẫn giữa đề sáng tạo với đề đánh đố kèm nội dung thiếu tính giáo dục.
Mai Nhật