Chuyên mục  


Hai tháng nay, anh Khiết (ngụ quận Gò Vấp) tìm đủ cách gặp chủ đầu tư Trung tâm ngoại ngữ Pixar để đòi tiền học phí. Tuy nhiên, chủ đầu tư khóa máy, mọi phương thức khác đều không thể liên lạc. Ba cơ sở của trung tâm này ở quận 12, Gò Vấp, Tân Phú đóng cửa, treo biển cho thuê mặt bằng.

Tháng 4/2021, anh Khiết đóng gần 7 triệu đồng khóa học tiếng Anh thiếu nhi cho con tại cơ sở Pixar Gò Vấp. Dạy được một tuần đầu tiên, trung tâm phải đóng cửa do dịch bệnh bùng phát.

Cuối tháng 10/2021, trung tâm này đề nghị chuyển sang dạy online trong thời gian chờ khôi phục các mặt bằng để dạy trực tiếp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, con anh Khiết không được học online, trung tâm cũng không trả lại học phí.

"Trung tâm này có dấu hiệu lừa đảo khi không ra mặt đối thoại, cũng không chịu trả tiền. Nhiều người đã mất tiền nên chúng tôi quyết phải làm cho ra lẽ", anh Khiết cho biết.

Phụ huynh tập hợp, ký đơn khởi kiện Trung tâm Ngoại ngữ Pixar hồi tháng 3. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Tương tự, chị Văn (quận 12) đóng hơn 11,6 triệu đồng cho con học tại cơ sở Pixar Bùi Văn Ngữ từ cuối năm 2020. Học được bốn tháng thì cơ sở đóng cửa. Trong thời gian thành phố giãn cách xã hội, trung tâm không dạy trực tuyến, cũng không gửi bài cho học viên.

Cuối tháng 10 năm ngoái, chủ cơ sở này tổ chức đối thoại với một nhóm phụ huynh quận 12, thông báo sẽ dạy online. Với hy vọng trung tâm sẽ khôi phục hoạt động nên chị chấp nhận. Con chị Văn được xếp lịch học trực tuyến từ tháng 11/2021 đến tháng 1 năm nay.

"Nhưng từ sau Tết, con tôi không được học trực tuyến nữa. Liên hệ trung tâm thì không được trả lời, lên tận nơi thì mặt bằng đã được người khác thuê. Số tiền trung tâm còn nợ tôi là 4,9 triệu", chị Văn nói.

Chỉ tính riêng cơ sở tại quận 12, gần 200 phụ huynh bị nợ học phí. Trang web của trung tâm Pixar không truy cập được, số đường dây nóng bị khóa. Từ đầu tháng 3 đến nay, vào dịp cuối tuần, phụ huynh nhiều lần đến tận nhà để gặp chủ đầu tư nhưng bất thành. Quá bức xúc, chị Văn cùng một nhóm hơn 10 phụ huynh làm đơn kiện chủ đầu tư Trung tâm ngoại ngữ Pixar lên Tòa án Nhân dân quận 12. Tòa đã chấp nhận thụ lý một số trường hợp.

Bị nợ học phí và mất liên lạc với chủ đầu tư cũng là hoàn cảnh của hàng trăm học viên Trung tâm Ngoại ngữ Thế Hệ Mới (SAS). Từ cuối năm 2020, nhiều học viên đăng ký khóa học tiếng Anh, học phí 3-10 triệu đồng, tại các trung tâm SAS ở TP Thủ Đức, quận 7, Gò Vấp, huyện Hóc Môn... Tuy nhiên, hàng loạt cơ sở SAS thông báo dừng hoạt động, trả mặt bằng từ cuối tháng 10 năm ngoái khiến hàng trăm người điêu đứng.

Chị Phương, sinh viên Đại học Công nghệ TP HCM đóng 7,2 triệu để học trong 10 tháng tại cơ sở Hoàng Diệu 2, TP Thủ Đức. Tháng 4/2021, cơ sở đóng cửa phòng dịch rồi thông báo trả mặt bằng hồi tháng 10, trong khi chị mới học được vài buổi. Gọi số đường dây nóng của trung tâm nhưng không được hồi đáp, chị Phương đành chuyển sang học trực tuyến một lớp luyện TOEIC trên mạng.

"Tôi rất bực vì họ gian dối. Đâu chỉ riêng tôi, hàng trăm người khác cũng bị như vậy", chị Phương cho biết.

Anh Đức (ngụ Dĩ An, Bình Dương) cũng mất hơn 7 triệu đồng cho khóa học trình độ S1 đến S3 tại cơ sở TP Thủ Đức. "Họ biến mất, không hề đoái hoài tới người học. Không dạy học, không trả tiền thì khác nào lừa đảo", anh Đức nói.

Trung tâm Ngoại ngữ Thế Hệ Mới, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Giáo dục Master English, thành lập từ tháng 10/2015, có 22 cơ sở rải rác khắp TP HCM, phần lớn ngừng hoạt động. Chỉ tính riêng khu vực TP Thủ Đức, số học viên báo bị trung tâm nợ học phí là hơn 150 người, trung bình 3-5 triệu mỗi người.

Không chỉ nợ học phí, các trung tâm ngoại ngữ trên còn nợ lương nhân viên, giáo viên. Chị Phượng, nhân viên cơ sở Pixar Bùi Văn Ngữ cho biết, từ đầu năm ngoái, phần lớn lương hàng tháng đều bị trả chậm và thiếu. Do thấy trung tâm khó khăn vì dịch bệnh, nhân viên đề xuất chỉ nhận mỗi tháng 5 triệu đồng, dành tiền trả lương cho giáo viên, trợ giảng.

"Lúc trước, trung tâm nói chưa có đủ tài chính để trả lương nên chúng tôi thông cảm. Nhưng từ tháng 12 năm ngoái đến nay, họ bặt vô âm tín, trong khi vẫn đang nợ tôi 58 triệu đồng", chị Phương cho biết.

Mặt bằng cơ sở Trung tâm Ngoại ngữ SAS tại quận Gò Vấp bị tháo biển, trả lại từ tháng 10/2021. Ảnh: Mạnh Tùng

TP HCM hiện có hơn 1.000 trung tâm ngoại ngữ đăng ký hoạt động với khoảng 1.700 cơ sở, chi nhánh. Do Covid-19, khoảng 80% trung tâm đóng cửa, ngưng hoạt động; 68 trung tâm giải thể.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm ngoại ngữ phải chứng minh đã thực hiện đầy đủ quyền lợi cho học viên, giáo viên mới được làm thủ tục giải thể. Lùm xùm nợ học phí xảy ra tại các trung tâm ngừng hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể.

Với Pixar, khi nhận được đơn của phụ huynh phản ánh trung tâm nợ học phí, Sở đã mời chủ đầu tư làm việc nhưng họ đều vắng mặt không lý do. Phía thanh tra Sở cũng hai lần mời giám đốc trung tâm này nhưng đều không liên lạc được.

Trước tình hình đó, Sở đã hướng dẫn người dân liên hệ cơ quan chức năng để giải quyết khiếu kiện với các trung tâm ngoại ngữ.

Mạnh Tùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020