Ngày 5/7, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng Quách Văn Hải (SN 1992) và Trịnh Hải Nam (SN 2002), đều ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an Hà Nội phát hiện một ổ nhóm chuyên đến các vườn lan, hoặc tự mở vường lan rồi trao đổi, mua bán các loại hoa lan đột biến có biểu hiện lừa đảo với số tiền lớn.
Tiến hành xác minh, cơ quan điều tra làm rõ những đối tượng trong nhóm này gồm:Quách Văn Hải (SN 1992), Đỗ Văn Chung (SN 1987), Nguyễn Anh Thái (SN 1997), Trịnh Hải Nam (SN 2002), Trần Hữu Sỹ (SN 1987), Trần Thắng Xuất (SN 1992). Cả 6 đối tượng đều đăng ký thường trú tại: Thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Tại cơ quan điều tra, Hải, Nam khai nhận, do sống tại địa bàn có nhiều người buôn bán hoa lan đột biến nên các đối tượng có kiến thức về loại hoa này.
Các đối tượng bàn bạc, thống nhất Nam sẽ tạo tài khoản trên mạng xã hội Facebook rồi đăng bài viết rao bán các loại lan.
Đối tượng Hải (ảnh tư liệu)
Khi có khách mua cây, Sỹ là người nói chuyện điện thoại với người mua. Chung và Thái tìm thuê nhà để dựng vườn trồng lan và tìm khách có nhu cầu mua cây lan đột biến gen, còn Xuất chuẩn bị và cung cấp cây lan phi điệp thường để lừa bán.
Khi người mua muốn gặp trực tiếp và đến vườn để mua bán thì Hải, Chung và Thái sẽ gặp trực tiếp để lừa bán cây lan đột biến gen giả cho người mua (tùy theo người mua là khách của ai thì đối tượng đó tiếp và thực hiện việc mua bán). Khi giao dịch thành công, các đối tượng sẽ cùng nhau ăn chia số tiền chiếm đoạt được.
Vào tháng 10/2020, Nam tạo tài khoản Facebook mang tên "Nguyễn Duy Mạnh". Sau đó, Nam dùng tài khoản "Nguyễn Duy Mạnh" tham gia vào các hội nhóm về cây lan đột biến gen và kết bạn với những tài khoản đăng bài viết mua, bán cây lan đột biết gen trên mạng xã hội.
Nam tìm kiếm trên mạng Internet rồi tải xuống những hình ảnh mặt hoa của các loại cây lan đột biến gen, sau đó sử dụng những hình ảnh đó để đăng tải lên trang cá nhân của Facebook ảo để người xem tin tưởng là tài khoản "Nguyễn Duy Mạnh" có cây lan đột biến gen và những người xem sẽ tin, mua lan.
Sau khi có người nhắn tin để hỏi mua lan, Nam nhắn các số điện thoại để người mua liên hệ. Để không cho những người mua lan đột biến gen biết thông tin và che dấu nhân thân, Sỹ bảo Nam chuẩn bị tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền mua bán cây.
Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, các đối tượng đã lừa bán 38 cây lan đột biến gen giả cho 7 bị hại và chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng.
T.Sơn