Chuyên mục  


Lưu Nguyễn Minh Thư, 22 tuổi, sinh viên ngành Logistics – Quản lý chuỗi cung ứng, tốt nghiệp loại xuất sắc với điểm trung bình 93.8/100, cao nhất trường. Nữ sinh cho biết ngày đầu vào trường từng kỳ vọng tốt nghiệp loại xuất sắc hoặc dẫn đầu khoa.

"Khi nghe tin là thủ khoa toàn trường, mình rất bất ngờ, vượt ngoài mong đợi", Thư nói.

Minh Thư, thủ khoa tốt nghiệp năm 2024 của trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Bích Ngọc

Là cựu học sinh lớp chuyên tiếng Anh, trường THPT chuyên Bến Tre, nhưng Minh Thư lại mê phân tích số liệu, tò mò quy trình vận chuyển hàng hóa. Được tư vấn ngành Quản lý chuỗi cung ứng, nữ sinh đặt nguyện vọng vào ngành này, trở thành thủ khoa đầu vào bằng phương thức xét tuyển kết hợp giữa học bạ và điểm thi tốt nghiệp năm 2020 với hơn 28/30 điểm.

Thư cho biết ngành Logistics thuộc nhóm kỹ thuật nên thời gian đầu, dù đạt 7.5 IELTS, cô có phần ngợp với kiến thức Giải tích, Lý, Hóa dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

"Những môn này đòi hỏi tư duy logic, khả năng tính toán cao, trong khi mình còn phải thích nghi với phương pháp học tập chủ động và khối lượng kiến thức lớn", Thư đánh giá.

Nữ sinh nhìn nhận khoảng thời gian cuối năm thứ nhất và đầu năm thứ hai là giai đoạn nhiều khó khăn nhất. Do dịch Covid-19, Thư phải học online, hạn chế tiếp nhận các kiến thức chuyên ngành mới. Mọi hoạt động nữ sinh tham gia cũng vậy, vì thế ít gắn kết, kỷ niệm với bạn bè trong lớp.

Để đạt kết quả học tập tốt, Thư cho rằng cần học tập bằng đam mê và có kế hoạch. Đam mê giúp Thư tìm kiếm niềm vui trong mỗi môn học, còn kế hoạch học tập giúp sắp xếp công việc hợp lý để đạt được mục tiêu. Mỗi ngày, Thư đều lên danh sách việc cần làm, thời gian phải hòa thành để rèn tính kỷ luật. Nữ sinh cũng luôn chuẩn bị kỹ trước mỗi buổi học bằng cách đọc tài liệu và ghi chú lại những điểm quan trọng. Sau đó, Thư ôn lại kiến thức ngay để không quên và giảm áp lực trước kỳ thi.

Cuối năm thứ hai, Thư bắt đầu làm trợ giảng cho một số môn trong khoa. Nữ sinh chuẩn slide bài giảng, sắp xếp lớp, tập hợp bài tập hoặc chấm bài bước một giúp giảng viên. Nhờ công việc này, Thư nhận ra mình hợp với việc truyền đạt, chia sẻ kiến thức. Sau hai tháng thực tập tại doanh nghiệp vào cuối năm thứ ba, Thư xác định chuyển hướng theo đuổi công việc giảng dạy.

Thư cùng gia đình trong ngày tốt nghiệp, hồi cuối tháng 11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bắt đầu dạy và hướng dẫn Thư từ năm thứ hai, TS Hà Thị Xuân Chi, giảng viên khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, nhận thấy học trò thông minh và thái độ làm việc chuyên nghiệp. Những việc gì đã nhận, Thư đều làm đến nơi đến chốn.

Đến năm thứ ba, đánh giá Thư có tiềm năng trở thành giảng viên, cô Chi hướng dẫn tham gia các nhóm nghiên cứu khoa học.

"Tôi đặc biệt thích thái độ của bạn, rất giỏi nhưng khiêm tốn, lắng nghe, trân trọng cơ hội học hỏi. Tôi cảm thấy may mắn khi có học trò và cộng sự như bạn ấy", TS Chi nói.

TS Chi cho biết năng lực của Thư được thầy cô ở khoa đánh giá cao nên được chọn làm trợ giảng chính thức cho khoa. Nhưng để trở thành giảng viên, Thư phải hoàn thành chương trình tiến sĩ.

Đây cũng là mục tiêu của Thư trong vòng 5 năm tới. Cô đang theo học thạc sĩ tại trường với học bổng toàn phần, dự kiến tìm kiếm học bổng tiến sĩ ở nước ngoài sau này.

Lệ Nguyễn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020