Metallica - Ảnh: Reuters
Ngày 13-4-2000, ban nhạc rock Metallica đệ đơn kiện Napster - nền tảng chia sẻ nhạc miễn phí dưới dạng MP3 đầu tiên trong lịch sử mà không cần bản quyền.
Napster mới chỉ đi vào hoạt động từ giữa năm 1999 và đến 2001 đã phải đóng cửa. Chỉ hai năm hoạt động vỏn vẹn nhưng sự xuất hiện của Napster đã báo hiệu một kỷ nguyên mới: nhạc số.
Sinh ra trong khoảng chuyển giao hai thế kỷ, Billie Eilish đăng tải ca khúc Ocean Eyes lên Soundcloud - không quảng bá, không một hãng đĩa nào đứng sau - nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã lan truyền mạnh mẽ.
Billie Eilish - Ocean Eyes
Sự thành công nhờ một nền tảng công nghệ của Billie Eilish là điển mẫu cho những nghệ sĩ đương thời.
Ngay cả Taylor Swift, một mẫu nghệ sĩ cổ điển hơn, người vào năm 2014 đã từng rút toàn bộ catalog âm nhạc khỏi Spotify với lý do các nền tảng streaming quá coi rẻ âm nhạc của mình, cuối cùng ba năm sau cũng phải trở lại Spotify với một chiến lược dành riêng cho streaming.
Tính dân chủ tương đối trong những phương tiện công nghệ cũng là cơ sở để phi tập trung hóa âm nhạc.
Danh sách của Billboard phản ánh phần nào một nền văn hóa đại chúng nơi tiếng Anh bắt đầu dần được pha loãng, với sự có mặt của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS và rapper người Puerto Rico - Bad Bunny.
Manh nha ra đời từ thập niên 1990 nhưng chính trong thế kỷ 21 mà K-pop dần thách thức sự thống trị của nền âm nhạc giải trí phương Tây, chống lại tất cả những lời cười cợt và định kiến một thuở rằng K-pop chỉ là thứ âm nhạc công nghiệp lòe loẹt, ngớ ngẩn và cho những thiếu nữ mới lớn không có gu thưởng thức.
BTS cũng lọt danh sách của Billboard, bất chấp việc họ không hát bằng tiếng Anh
Rào cản ngôn ngữ ư? Chẳng còn là chuyện đáng lo trong thời đại của những video âm nhạc kể chuyện bằng hình ảnh, nếu muốn có thể gắn phụ đề dễ dàng trên YouTube.
Sự phi tập trung hóa cũng thể hiện qua một nền âm nhạc mà rất thường xuyên, khi ta nghe một đĩa nhạc, thường rất khó để khẳng định chính xác đây là thể loại âm nhạc nào.
"Tôi có nghệ sĩ yêu thích trong mọi thể loại âm nhạc mà bạn từng biết tới (...) Dù là R&B, dance, đồng quê, rap, zydeco, blues, opera hay gospel, chúng đều ảnh hưởng tới tôi theo cách nào đó" - Beyonce, người xếp ở vị trí số 1 trong danh sách của Billboard, từng chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.
Beyoncé, hơn bất cứ ai, là nữ hoàng trong một thế giới âm nhạc nơi những đường biên tan chảy, những ranh giới chỉ còn là lý thuyết.
Từ thời mới tách dần khỏi Destiny's Child để theo đuổi sự nghiệp riêng với Dangerously in Love cho đến album Cowboy Carter được coi như "kiệt tác" của nhạc đại chúng trong năm 2024, Beyoncé đã biến âm nhạc thành một phòng thử nghiệm của mình, nơi cô liên tục đổ hàng loạt các thành tố chẳng liên quan vào nhau để xem phản ứng hóa học của chúng là gì và từ thuật giả kim tinh chế vàng ròng.
Mặc dù thế, điều đó không có nghĩa là chiến thắng tuyệt đối đã thuộc về những nghệ sĩ âm nhạc theo đuổi tính thể nghiệm. Vẫn có chỗ cho thứ âm nhạc tương đối thuần khiết, cổ điển với những công thức giản dị nhưng luôn hiệu quả nếu từng khâu đều tốt.
Những bản tình ca thắm thiết, một giọng hát tuyệt trần và thế là đủ để Adele trở thành một biểu tượng trong những năm qua - Ảnh: Reuters
Adele chưa bao giờ cần những video âm nhạc quá đặc sắc hay những vũ đạo bắt mắt hay xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, thậm chí còn hay bị người hâm mộ trêu đùa là làm biếng vì thường xuyên biến mất bí ẩn; nhưng Adele cho thấy vẫn có đất cho những người gần như chỉ trung thành với thứ âm nhạc như là âm nhạc.
25 năm đầu tiên đã khép lại. Vậy âm nhạc sẽ thế nào trong 25 năm kế tiếp?
Có lẽ sẽ có dấu ấn của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo; có lẽ cũng sẽ có những trào lưu hồi cố - như Lady Gaga hát jazz hay The Weeknd đem synth-pop thập niên 80 vào âm nhạc; có lẽ sẽ ngày càng có nhiều nghệ sĩ không hát tiếng Anh trở thành các thế lực mới. Nhưng cũng có thể sẽ còn những điều chẳng ai ngờ tới.