Chuyên mục  


Hiện nay, cả nước có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho thí điểm tự chủ đều là những trường có thể tự lo 100% kinh phí chi thường xuyên và từ một phần đến toàn bộ chi đầu tư.

Thực tế cho thấy những trường tự lo được kinh phí hiện nay chủ yếu là giảng dạy các ngành kinh tế, xã hội, nhân văn, kỹ thuật, công nghệ. Hầu hết trường trong số đó không phải đầu tư máy móc, phòng thí nghiệm nhiều bởi đa số đã được nhà nước đầu tư từ trước; và có nhiều ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường đầu tiên trong cả nước thực hiện tự chủ sớm nhất, từ khi chưa có quy định nhà nước, với một mô hình đạt chuẩn quốc tế. Trường đã trở thành hình mẫu của cả nước về tự chủ đại học.

Thư viện của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã kết nối với 9.000 thư viện của các trường đại học trên thế giới

Những con số ấn tượng

Trong 11 năm, từ năm 1997 đến 2008, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) là đại học dân lập, rồi đại học bán công. Đến 2008, dù trường đã được chuyển sang công lập thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nhưng ngược với toàn bộ các đại học công khác, là phải được Ngân sách nhà nước đầu tư như Luật giáo dục qui định, thì TDTU vẫn tiếp tục tự chủ tài chính hoàn toàn, không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ Ngân sách nhà nước hay Công đoàn.

Đến nay, với khởi đầu gần như là số 0, nhờ tự chủ, TDTU là hình mẫu điển hình của cả nước về đại học công lập tự chủ hoàn toàn với những thành quả xuất sắc.

 Trường được QS xếp hạng TOP 291-300 trong hơn 500 đại học tốt nhất Châu Á; URAP (Tổ chức xếp hạng đại học theo thành tựu học thuật) xếp TDTU đứng thứ 2 Việt Nam và đứng thứ 1422 thế giới; Green Metric xếp TDTU hạng 142 trong TOP 750 đại học phát triển bền vững nhất thế giới; THE xếp TDTU trong TOP 101-200 đại học thế giới có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Hiện nay, mỗi năm TDTU tuyển trên dưới 6.000 sinh viên với qui mô đào tạo hơn 23.000 học viên, sinh viên học tập trung trong 27 ngành đào tạo tiến sĩ, 18 ngành cao học, 39 ngành đại học, 23 ngành cao đẳng, 17 ngành trung cấp chuyên nghiệp. Tỷ lệ sàng lọc trong 3 năm gần đây là chọn lấy 1 sinh viên từ 10 thí sinh dự tuyển.

Đến cuối 2018, trường đã có đội ngũ 1.340 cán bộ, giảng viên, viên chức. Nhân lực chuyên môn có trình độ tiến sĩ và đang hoàn tất Nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm hơn 50%, trong số đó, 205 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài. Hiện nay, thu nhập của giảng viên, viên chức của trường trung bình là 17 triệu đồng/người/tháng.

Đến thời điểm hiện nay, TDTU có 63 Nhóm nghiên cứu khoa học-công nghệ trọng điểm. Trường đã có 3.172 công trình khoa học công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế uy tín với 2.705 bài báo khoa học trên các tạp chí hàng đầu thế giới thuộc danh mục tạp chí ISI. Trong đó, có 91 công trình trên tạp chí ISI có chỉ số ảnh hưởng impact factor từ 5 đến 17.

Chuẩn đầu ra của sinh viên Trường không thua các đại học lớn trên thế giới. Kiến thức chuyên ngành phải đạt chuẩn quốc tế; trình độ tiếng Anh từ khóa tuyển sinh 2008 trở đi tối thiểu phải TOEIC quốc tế 500 điểm (khóa tuyển sinh năm học 2016-2017 trở đi, chuẩn tiếng Anh phải từ IELTS 5.0 trở lên);

Trình độ Tin học văn phòng phải đạt MOS quốc tế 750/1.000 điểm; có kỹ năng sống tốt, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng bơi lội liên tục 50m; chơi giỏi ít nhất 1 môn thể thao, biết làm việc nhóm, lễ phép với người trên và kỷ luật, trách nhiệm.... Với kỹ năng như vậy, sinh viên tốt nghiệp từ TDTU có thể làm việc ở khắp nơi trên thế giới.

TDTU cũng là đại học đầu tiên ở Việt Nam yêu cầu sản phẩm đầu ra của nghiên cứu khoa học phải được công bố trên các tạp chí khoa học-công nghệ quốc tế thuộc Danh mục ISI/Scopus;  Nghiên cứu công nghệ phải có kết quả đầu ra đạt được Bằng sáng chế công nghệ của Cục sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (United States Patents and Trademark Office: USPTO); và nghiên cứu ứng dụng phải được doanh nghiệp tài trợ hoặc tiếp nhận đưa vào sản xuất kể từ cuối kỳ kế hoạch thứ nhất, 2012.

Qua 10 năm với 2 kỳ kế hoạch phát triển, TDTU vẫn là đại học đầu tiên và duy nhất hiện nay của hệ thống đại học Việt Nam được USPTO cấp Bằng sáng chế khoa học công nghệ. Tính từ 1975 đến nay, cả nước mới có 26 Bằng sáng chế USPTO do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, trong đó có 07 Bằng sáng chế là của TDTU.

Bắt buộc phải thành công

GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vì có xuất phát điểm là một đại học dân lập, TDTU từ đầu đã bắt buộc phải tự lo cho mình mọi thứ kinh phí từ đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị, thiết bị, phòng thí nghiệm, chi trả lương cho bộ máy, chi thường xuyên khác, phát triển nhân sự...do Ngân sách nhà nước hay Công đoàn không thể chi các khoản nói trên cho một trường dân lập.

Chính vì vậy, TDTU buộc phải tìm mọi cách để tự tồn tại, buộc Trường phải hoạt động thành công, vì thất bại có nghĩa là phá sản và phải đóng cửa.

Do được tự chủ về tài chính nên trường có một số quyền tự chủ khác như tự chủ quyết định số lượng, tiêu chuẩn nhân sự, kế hoạch tuyển dụng, trả lương, phụ cấp, quyết định mua sắm, đầu tư từ nguồn tài chính tự có được của mình.

GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng

Với cơ chế trên kết hợp được với những lãnh đạo có tâm, sự hi sinh và quyết liệt, cộng với quan điểm xây dựng đại học theo chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế ngay từ đầu, cùng với tư duy quản trị đại học lấy hiệu quả làm thước đo quan trọng nhất, đã làm cho TDTU phát triển nhanh chóng và sớm trở thành khác biệt so với các đại học khác trong hệ thống đại học công lập Việt Nam.

GS.TS Danh cho hay, dù nguồn thu hạn chế từ học phí, nhưng với việc quản trị hoạt động hiệu quả cao và chủ trương tiết kiệm mọi chỗ, mọi nơi để tích lũy, TDTU đã phát huy sự năng động, chủ động do cơ chế mang đến. 

Đặc biệt, cùng với sự quyết tâm, đoàn kết thống nhất nội bộ, coi trọng kết quả cụ thể, kiên quyết thắt chặt chi tiêu, tổ chức bộ máy tinh, gọn của lãnh đạo trường, triển khai nguyên tắc lấy hiệu quả làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoạt động...

Nhờ đó, sau 2 kỳ kế hoạch 5 năm (2008-2013-2018) Trường đã xây dựng thành công Trường có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang-thiết bị, sân bãi... đầy đủ, hiện đại và tốt nhất cả nước; được quốc tế đánh giá cơ sở vật chất trường học đạt 5 sao/5 sao; được Hội đồng quốc gia cấp cao về kiểm định giáo dục và nghiên cứu Cộng hòa Pháp (HCERES) đánh giá đại học đạt chuẩn Châu Âu.

Theo GS Danh, tổng quỹ đất của TDTU hiện có là hơn 100ha với 6 cơ sở ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Toàn bộ nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở và trang bị dạy-học-nghiên cứu đều là vốn tự tích lũy từ quá trình hoạt động.

Tính đến cuối 2018, trường đã tạo ra tổng giá trị tài sản đã đầu tư trên mặt đất hơn 2.200 tỷ đồng, đóng góp vào tài sản Nhà nước. Thành tựu này chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Trường là một hình mẫu thành công về tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Trong trung hạn, mục tiêu của trường là trở thành đại học TOP 150 Châu Á (theo THE) vào tháng 8/2024 với các thế mạnh: công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ (trong đó số công trình ISI của riêng năm cuối kỳ đạt tối thiểu 5.000 bài), tỷ lệ bài báo/tiến sĩ, tỷ lệ trích dẫn đạt tiêu chuẩn;

Chất lượng đào tạo đại học và sau đại học qua đánh giá của khảo sát quốc tế và trong nước đạt tiêu chuẩn; tính quốc tế hóa (đến năm cuối có ít nhất 10% người học quốc tế theo học toàn khóa tại Trường, 33% giảng viên giảng dạy, nghiên cứu tại trường là người nước ngoài)...

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định qui định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học. Một trong những điểm quan trọng, xuyên suốt nhất của Dự thảo là tự chủ đại học.

Tuy nhiên, vấn đề tự chủ đại học vẫn đang được các chuyên gia góp ý vì Dự thảo chưa thể hiện hết tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, việc qui định về tự chủ phải đặt các cơ sở giáo dục vào môi trường đang cạnh tranh trong giáo dục đại học; và cần bảo đảm rằng các cơ sở đại học công lập có được cơ hội cạnh tranh bình đẳng, công bằng và lành mạnh với các cơ sở đại học thuộc các hình thức khác như đại học tư, đại học nước ngoài, đại học quốc gia.

Chỉ có như vậy, giáo dục đại học mới có cơ hội phát triển và đạt được những thành tựu trong tương lai cả về giáo dục và nghiên cứu.

GS Danh cũng đề nghị, Dự thảo Nghị định cần chia chính xác 3 loại hình đại học hiện nay theo mức độ tự chủ từ trên xuống là Đại học tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư; Đại học tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên; Đại học tự chủ một phần chi thường xuyên.

Mỗi loại hình có một chương quy định riêng về 3 vấn đề: quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình, những hỗ trợ từ nhà nước.

Hồng Hạnh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020