Đoàn thanh niên huyện Quế Phong, Nghệ An làm bể bơi ở suối, dạy bơi cho trẻ em - Ảnh: DOÃN HÒA
6 năm có gần 300 trẻ chết đuối
Đó là nội dung của nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thông qua tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 7-7.
Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và xã hội Nghệ An, mặc dù công tác phòng, chống đuối nước được triển khai rộng khắp, nhưng tỉ lệ đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn ở mức cao. Từ năm 2016 đến năm 2022, toàn tỉnh này có 293 trẻ em chết do đuối nước; chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 có 18 em đuối nước.
Hiện nay, Nghệ An có 216 bể bơi đạt yêu cầu về kích thước, 76 bể bơi hỗn hợp do người dân tự tạo để dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các bể bơi do cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng với mục đích kinh doanh ở vùng trung tâm có điều kiện. Việc học bơi của trẻ em vùng nông thôn, miền núi, trẻ em nghèo còn hạn chế.
Để góp phần giảm thiểu từ 5-10% trẻ em chết do đuối nước, tỉnh Nghệ An ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, trường học mua sắm, xây dựng bể bơi di động và tổ chức dạy bơi.
Việc này sẽ phổ cập bơi cho trẻ em từ 6-15 tuổi, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Theo nghị quyết này sẽ có chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và hỗ trợ tổ chức dạy bơi trong hai năm 2024 và 2025 với tổng kinh phí hơn 25,8 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Trong đó, đầu tư làm 281 bể bơi di động (mức 100 triệu đồng/bể) với kinh phí hơn 23 tỉ đồng và hơn 2,28 tỉ đồng tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại 76 xã đặc biệt khó khăn (mức 20 triệu đồng/xã).
Học sinh học bơi tại một cơ sở giáo dục ở Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Trách nhiệm của cả cộng đồng
Tại kỳ họp này, ông Thái Thanh Quý - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An - cũng yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với từng gia đình trong công tác phòng chống đuối nước với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà".
Rà soát các tiêu chí để hỗ trợ công tác dạy bơi, học bơi. Về mặt xu thế lâu dài, nghiên cứu đưa môn bơi vào giảng dạy các trong trường học.
Về nội dung chất về bạo lực học đường; kỹ năng sống, phòng chống đuối nước và chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ông Quý cho rằng đây là những vấn đề xã hội lớn, khó, có nhiều yếu tố tác động vì đối tượng là các em học sinh, trẻ em đang thay đổi nhanh về thể chất, tâm sinh lý, dễ bị kích động, dễ bị tổn thương.
Trách nhiệm giải quyết bốn vấn đề này cũng rất rộng, từ gia đình, trường học, cộng đồng xã hội và chính bản thân các em phải biết bảo vệ mình.
"Công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em không chỉ trách nhiệm của riêng ngành giáo dục và đào tạo mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc", ông Quý nhấn mạnh.
Tỷ lệ trẻ em biết bơi thấp
Theo thống kê, tổng số trẻ em, học sinh tiểu học, THCS ở Nghệ An trên 511.000 em, trong đó, tỷ lệ biết bơi ở bậc tiểu học chỉ đạt 17,3%; bậc THCS đạt 33,6%.
Bên cạnh đó, số giáo viên, người hướng dẫn đáp ứng yêu cầu dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn ở các trường chỉ được 1.193 người. Như vậy, cứ một giáo viên phải chịu trách nhiệm cho 428 học sinh.