Khi nhắc đến các khối ngành về xã hội, người ta vẫn thường nghĩ ngay đến báo chí, truyền thông, du lịch... Nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại nhiều nhánh ngành khác cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt chúng đều là sở hữu cơ hội việc làm đa dạng với sự thiếu hụt cao về nhân sự.
Một trong số đó, Xã hội học được đánh giá tích cực bởi sự tiềm năng trong thị trường việc làm hiện nay. Mặc dù vậy, ngành học này vẫn chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam, thậm chí vẫn chưa được tiếp cận đến đại chúng và luôn khiến nhiều phụ huynh không khỏi thắc mắc mỗi khi nhắc đến.
Xã hội học là ngành gì?
Xã hội học (tiếng Anh là Sociology) là ngành khoa học về các quy luật và tính quy luật xã hội chung, đặc thù của sự phát triển và vận hành của hệ thống xã hội xác định về mặt lịch sử. Đây là khoa học về các cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của các quy luật đó trong các hoạt động của cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc.
Ngành Xã hội học đào tạo đa dạng trong các lĩnh vực liên quan
Sinh viên ngành học này được trang bị kiến thức cơ bản về lý luận và phương pháp nghiên cứu xã hội qua nhiều môn học chuyên ngành: Lịch sử Xã hội học, Xã hội học về Truyền thông, Xã hội học kinh tế, Xã hội học giáo dục, Quản lý dự án, Quản trị truyền thông, Phương pháp nghiên cứu…
Tại Việt Nam, ngành học vẫn còn khá xa lạ so với một số nước phương Tây như: Mỹ, Úc, New Zeland... Chính điều này khiến nhiều người đánh giá thấp tiềm năng của Xã hội học trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng có không ít nhân vật đình đám có xuất phát điểm từ ngành học này đã gặt hái được nhiều thành công trong các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị đến văn hóa, nghệ thuật.
Đạo diễn phim Ký Sinh Trùng - Bong Joon - đạo diễn đầu tiên người Hàn Quốc giành được giải thưởng Oscar từng là sinh viên Xã hội học tại Đại học Yonsei
Vợ cựu tổng thống cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với nhiều thành công trong lĩnh vực chính trị cũng là sinh viên ngành Xã hội học
Sinh viên có thể tham khảo qua các trường đào tạo về ngành học này như: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Khoa học Huế. Ngoài ra, người học cũng có thể cân nhắc du học Xã hội học ở một số trường ở nước ngoài như: University of Canterbury, Victoria University of Wellington, University of Florida...
Cơ hội việc làm "không giới hạn" nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro
Chương trình Xã hội học thường được đào tạo trong khoảng 4 năm với các môn đại cương và chuyên ngành. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong đa dạng các lĩnh vực khác nhau với mức thu nhập không giới hạn, điển hình như: Nhân viên trong các tổ chức xã hội, công tác tư vấn trong các tổ chức chính phủ, công tác nghiên cứu, phóng viên - biên tập viên hay nhân viên truyền thông...
Ngành này sở hữu cơ hội việc làm đa dạng nhưng cần sinh viên có sự cân nhắc kỹ càng
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), mức tăng trưởng việc làm đối với vị trí nhà Xã hội học từ năm 2019 - 2029 có thể đạt mức 4%. Dự kiến mức tăng trưởng việc làm đến 6% cho các nhà khoa học chính trị và 9% cho vị trí giáo sư. Ngoài ra, mức lương trung bình hàng năm cho công việc liên quan đến ngành nghề này ở Mỹ lên đến 59.361 USD/năm.
Mặc dù sở hữu nhiều cơ hội việc làm với nhiều chuyên ngành thú vị, sinh viên vẫn cần cân nhắc kỹ càng về ngành học này bởi lượng kiến thức "khổng lồ" và có sự chuẩn bị đầy đủ từ sớm cho định hướng nghề nghiệp của bản thân. Ngoài ra, sinh viên cũng cần nâng cao thêm các kỹ năng mềm và ngoại ngữ để đủ sức cạnh tranh trong thị trường việc làm nhiều biến động.
Xã hội học là ngành nghề hứa hẹn với cơ hội việc làm đa dạng
Sinh viên Xã hội học nói gì?
Bạn Cao Vũ Bách (cựu sinh viên) hiện đang theo đuổi công việc liên quan đến truyền thông thừa nhận Xã hội học là ngành học bổ ích với nhiều kiến thức chuyên môn. Mặc dù vậy, cậu bạn vẫn khá chật vật với "lỗ hổng" khá lớn về chuyên môn khi chính thức bước vào thị trường lao động.
"Thật sự thì Xã hội học là một ngành thuần về nghiên cứu khoa học nên những thứ liên quan đến mảng truyền thông, sáng tạo hầu như mình không được tiếp cận quá nhiều, nếu có thì cũng chỉ là một số những lý thuyết cơ bản và vẫn mang hơi hướng nghiên cứu chứ chưa mang tính ứng dụng cao lắm", Bách bày tỏ.
Thanh Thảo (sinh viên năm cuối) cho biết Xã hội học là một ngành còn khá mới mẻ so với mặt bằng chung các ngành đào tạo khác. Cô bạn cũng thừa nhận đây là ngành học khá khó khi sinh viên phải học chuyên sâu về nghiên cứu ở phạm trù rất rộng. "Sau thời gian học tập tại khoa , mình nhận thấy những sinh viên Xã hội học rất giỏi và đa năng khi tự chính các bạn phải học và trau dồi kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều hơn", Thảo cho hay.