Theo Báo cáo Tương lai Việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhu cầu việc làm xanh tăng nhanh ở nhiều ngành nghề. Nhờ quá trình chuyển đổi xanh, các lĩnh vực như năng lượng sạch, vật liệu và cơ sở hạ tầng dự kiến tạo lượng lớn cơ hội việc làm. Trên toàn cầu, quá trình này có thể tạo ra 30 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, với lượng phát thải thấp vào năm 2030.
Trả lời VnExpress ngày 15/5, Phó giáo sư Lau Siu-kit Eddie, khoa Kiến trúc Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh tác động của quá trình chuyển đổi xanh đối với thị trường việc làm, đồng thời cho thấy tầm quan trọng của bậc học sau đại học liên quan tới nhóm ngành này.
Chuyển đổi xanh tác động đến thị trường việc làm
Theo Phó giáo sư Lau, quá trình chuyển đổi xanh tập trung vào tính bền vững và tiến bộ công nghệ, có thể định hình lại thị trường việc làm. Sự thay đổi này tạo nhiều cơ hội trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
"Thị trường sẽ cần các chuyên gia có kỹ năng quản lý chuỗi cung ứng xanh, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng bền vững", ông cho biết.
Phó giáo sư Lau Siu-kit Eddie, khoa Kiến trúc Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: Tùng Đinh
Phó giáo sư Lau cũng nhận định các công nghệ mới nổi, liên quan đến năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện đóng vai trò quyết định. Nền kinh tế trong thời đại mới cần có tính tuần hoàn, nơi chất thải từ ngành này trở thành tài nguyên cho ngành khác, từ đó giảm chất thải tổng thể và thúc đẩy tính bền vững. Các quốc gia như Việt Nam có cơ hội tiến tới một tương lai vững chắc hơn bằng cách áp dụng công nghệ thực tiễn đó. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, các sinh viên có kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực môi trường sẽ chiếm ưu thế khi bước ra thị trường việc làm.
Nhận định này tương đồng với báo cáo Tương lai Việc làm của WEF. Theo đó, các công việc như chuyên gia, nhà quản lý môi trường, nhà nghiên cứu năng lượng bền vững thuộc top 10 vai trò phát triển nhanh nhất trên LinkedIn bốn năm qua. Người sử dụng lao động cũng có xu hướng tăng cường tuyển dụng việc làm ở lĩnh vực xanh, từ đó đòi hỏi nguồn lao động có kỹ năng phù hợp. Các doanh nghiệp thích ứng tốt với biến đổi khí hậu ở nền kinh tế mới nổi sẽ được đánh giá cao, bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường.
Sinh viên cần chuẩn bị gì?
Để chuẩn bị trước những thách thức mới, NUS cải tiến việc giảng dạy của chương trình Thạc sĩ Quản lý Môi trường. Đây là chương trình cấp bằng sau đại học đa ngành và liên ngành, khai thác chuyên môn sâu từ 6 cơ sở học thuật thuộc NUS.
Phó giáo sư Lau giải thích, chương trình Thạc sĩ Quản lý Môi trường có bề dày hơn 20 năm, tích hợp kiến thức về luật, kinh doanh, kỹ thuật, khoa học và chính sách công, giúp sinh viên hiểu biết toàn diện về các vấn đề môi trường. Phương pháp giảng dạy này đảm bảo tân Thạc sĩ thành thạo về kỹ thuật, có khả năng phối hợp trên nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Giống với tôn chỉ chung của NUS, chương trình đặc biệt chú trọng vào tính ứng dụng, ông Lau cho biết. Điểm nổi bật của nó là dự án Capstone. Trong đó, sinh viên được thực tập, tham gia vào các chuyến đi thực tế, dự án nghiên cứu với đối tác doanh nghiệp, cơ quan chính phủ. Trải nghiệm này đem lại cho họ cơ hội kết nối và tạo dựng mối quan hệ.
"Dự án được tạo ra để giải quyết vấn đề đa ngành, đảm bảo sinh viên có thể áp dụng kiến thức vào môi trường thực tế", ông nói.
Sau quá trình học tập, NUS tiếp tục hỗ trợ sinh viên trong quá trình tìm kiếm việc làm. Các sinh viên sẽ gửi hồ sơ xin việc (CV), thực hiện phỏng vấn bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và được chấm điểm thông qua hệ thống của trường. Điều này giúp họ có cái nhìn cụ thể về kỹ năng của bản thân và tỷ lệ trúng tuyển trong thực tế.
Phó giáo sư Lau Siu-kit Eddie chia sẻ tại VnExpress ngày 15/5. Ảnh: Tùng Đinh
Cơ hội cho sinh viên Việt Nam
Chương trình Thạc sĩ Quản lý Môi trường của NUS cởi mở với sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên đến từ Việt Nam. Theo ông Lau, ưu điểm của sinh viên Việt Nam là sự chăm chỉ và tư duy cởi mở. Ông chia sẻ một trong những sinh viên hàng đầu của NUS là người Việt Nam. Anh đã dành được học bổng toàn phần tại Đại học Cambridge sau khi tốt nghiệp NUS, hiện có đóng góp quan trọng cho lĩnh vực phát triển bền vững ở Singapore.
"Điều này thể hiện tiềm năng và động lực của sinh viên Việt Nam", ông nói.
Theo phó giáo sư Lau, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, vì vậy chuyển đổi xanh và ngành năng lượng bền vững có thể tạo ra thị trường và cơ hội mới cho đất nước. Hiểu được điều đó, NUS chú trọng vào những kỹ năng giúp du học sinh vận dụng được ngay cả khi trở về nước để làm việc. Bên cạnh kiến thức trên lý thuyết và thực tế, chương trình Thạc sĩ Quản lý Môi trường dạy sinh viên về phương pháp tư duy.
"Tư duy đó sẽ trở thành một phần trong DNA của bạn. Nó hữu ích đối với sinh viên dù họ làm việc tại Singapore hay lựa chọn trở về Việt Nam", ông Lau nói.
Ông nhận định tư duy bền vững sẽ làm tăng giá trị bản thân trong mọi nhóm ngành nghề. NUS tập trung vào việc học tập đa ngành để nuôi dưỡng tư duy này.
Thục Linh
Chương trình Thạc sĩ Quản lý Môi trường tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã ra mắt 20 năm, thu hút sinh viên từ nhiều quốc gia như Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Mỹ... Từ năm 2022, chương trình được xác định là chương trình chiến lược và khóa học hàng đầu của NUS về tính bền vững. Theo đó, trường cải tiến nội dung đào tạp, hướng đến phương pháp sư phạm linh hoạt cho sinh viên, đồng thời, cung cấp chương trình giảng dạy đa ngành. Độc giả xem thêm thông tin chi tiết tại đây.