Chuyên mục  


“Có điều ân hận là con gái tôi không cố gắng để học thôi. Bây giờ buôn bán thì cũng chẳng thua chị kém em gì. Gia đình chồng cũng thương yêu, cũng quý. Nhưng nếu đi học thì cũng có thể vươn lên làm cái khác. Có chữ thì khác. Không có thì đành vậy chứ biết làm thế nào”, bà B nói về con gái, từng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Ngã rẽ cuộc đời

Sau nhiều lần phóng viên Tiền Phong thuyết phục, vợ chồng ông C, bà B mới đồng ý chia sẻ câu chuyện của con gái họ với điều kiện không nhắc lại chuyện cũ, không nêu tên tuổi, địa chỉ nhà... Trong căn nhà khang trang ngay đường lớn trung tâm một huyện thuộc tỉnh Hưng Yên, hai vợ chồng đã ngoại ngũ tuần, ôn lại câu chuyện cách đây đã gần chục năm mà theo họ là bước ngoặt lớn, thay đổi cả cuộc đời con gái họ sau này.

Cô con gái, năm xưa là nạn nhân của bạo lực học đường giờ cũng đã lấy chồng, có cuộc sống ổn định, được gia đình nhà chồng thương yêu. “Ngày đó cũng chỉ là chuyện trẻ con với nhau. Nếu nó báo với bố mẹ giải quyết thì chuyện đâu có đến mức đó”, ông C nói. Trong đầu ông C vẫn nhớ những hình ảnh con gái của họ, khi đó mới mười mấy tuổi bị các bạn đánh đấm thậm tệ...

Hàng loạt clip nữ sinh đánh bạn, lột đồ được đưa lên mạng trong nhiều năm qua gây vết thương tâm lý cho nhiều người trong cuộc

Nhấp chén nước, hút điếu thuốc lào, ông C kể, hồi đó, sau khi clip được đưa lên mạng, con gái ông sợ sệt, trầm cảm một thời gian. Về sau, cháu phải rời quê đi tỉnh khác, nhờ họ hàng giúp đỡ để quên đi chuyện cũ. Còn ở làng, vợ chồng ông phải đối diện với nhiều câu hỏi từ hàng xóm láng giềng. “Họ đều thông cảm, hỏi thăm, nhưng con cái bị như vậy chúng tôi rất xót xa. Công an cũng vào cuộc, mời gia đình mấy đứa kia sang nói chuyện. Cháu nhà tôi cũng phải đi viện. Bên đó đền tiền thuốc men, mỗi gia đình mấy triệu. Họ xin lỗi thôi chứ chúng nó còn nhỏ, chẳng lẽ lại tù tội, kiện cáo. Mấy đứa cũng chỉ mười mấy tuổi, công an cũng bảo là không xử lý được, chỉ có thể hòa giải”, ông C nói. Bà B thì cho rằng, con dại, cái mang, cũng chẳng ai muốn xảy ra sự cố. “Con trẻ với nhau nên bỏ qua. Vì cũng chưa đủ tuổi để đưa ra pháp luật”, bà B nói thêm.

Mấy năm sau, mọi chuyện trở lại bình thường, con gái bà B trở lại quê, sau đó lập gia đình. Bà B bảo, cũng nhiều trai làng biết chuyện ngày xưa, hỏi han, xin cưới, nhưng con gái bà kiên quyết không lấy người làng. “Sau em nó cưới một người ở làng khác, rồi hai vợ chồng đi tỉnh khác buôn bán. Bây giờ buôn bán cũng chẳng thua chị, kém em cái gì. Chỉ có một điều ân hận là không đi học tiếp sau vụ việc đó”, bà B nói. Được biết, sau khi bị các bạn đánh, con gái bà B không dám đi học, dù được gia đình, các đoàn thể vào cuộc động viên nhiều.

“Hồi đó em mới đang học cấp 2. Bố mẹ bảo xin cho học trường khác nhưng em kiên quyết không chịu. Mấy bạn đánh em cũng không đi học nữa”, bà B nói. Đến bây giờ, bà B vẫn bảo, con gái bà học giỏi, xinh xắn, chỉ vì xảy ra chuyện đó mà cuộc đời rẽ sang một hướng khác. “Bây giờ cuộc sống ổn định rồi, nhà chồng cũng thông cảm, thương yêu. Nhưng nếu đi học thì cũng có thể vươn lên cái khác. Có chữ thì vẫn khác hơn. Không có thì đành vậy chứ biết làm thế nào”, bà B nói.

Cuộc hội ngộ không ngờ

Cuộc gọi đến số điện thoại một nữ sinh từng là nạn nhân của bạo lực học đường có người bắt máy. Phóng viên vừa nhắc đến vấn đề nữ sinh đánh nhau, ngay lập tức đầu dây bên kia dập máy. Sau nhiều lần liên lạc, thuyết phục qua tin nhắn, phóng viên Tiền Phong mới nhận được sự đồng ý trao đổi về việc cô gái này từng bị các bạn đánh đập, tung clip lên mạng cách đây gần chục năm xôn xao Hà Nội.

T, năm nay gần 30 tuổi, hiện đã trưởng thành hơn nhiều nhưng vẫn có chút mặc cảm khi người khác hỏi lại chuyện cũ. Thấy mấy clip bạo lực học đường thời gian gần đây, T nói không dám xem vì ám ảnh ngày xưa mình từng là nạn nhân. T kể, hồi đó trẻ con, thiếu suy nghĩ, nên xích mích, mâu thuẫn, gây gổ là đánh nhau. “Chỉ có cái khác là em bị đưa lên mạng. Những người khác không bị đưa lên mạng nên mọi người ít chú ý hơn”, T nói. T bảo, qua gần chục năm, bây giờ mỗi người đều khác, đều là người lớn, có cuộc sống riêng nên cũng không nghĩ ngợi nhiều về thời “trẻ trâu”. “Chuyện chỉ là em bị các chị khóa trên bắt nạt thôi”, dù bị đánh, T vẫn gọi những người từng đánh mình là chị.

T bảo, qua gần chục năm, bây giờ mỗi người đều khác, đều là người lớn, có cuộc sống riêng nên cũng không nghĩ ngợi nhiều về thời “trẻ trâu”. “Chuyện chỉ là em bị các chị khóa trên bắt nạt thôi”, dù bị đánh, T vẫn gọi những người từng đánh mình là chị.

T không nghỉ học như một số bạn là nạn nhân của bạo lực học đường. Sau vụ việc, mọi thứ diễn ra bình thường, bạn bè cũng không dè bỉu, bàn luận gì nhiều. Nhờ cách xử lý hợp lý của nhà trường và gia đình, T vẫn đi học bình thường. Sau vụ việc, những người đánh T, phải đến tận nhà xin lỗi. “Nghĩ về quá khứ, dính vào mấy vụ đấy cũng là cái dại của mình. Giờ em quên rồi nên ai nhắc lại là xuống tinh thần lắm”, T chia sẻ thêm. Bố mẹ cũng giúp T nhiều khi ngay lập tức tìm cách xóa bỏ video, ai có hỏi cũng bảo người trong clip không phải là T. Từ chỗ nạn nhân của bạo lực học đường, T vươn lên học giỏi, đỗ đại học.

“Ngày xưa em cũng không nổi tiếng hay nghịch ngợm gì cả. Gia đình cũng đàng hoàng và có điều kiện. Em không có lý do gì để nghỉ học hay chán nản. Sau vụ việc đó em học tốt hơn hẳn. Thầy cô, nhà trường và bạn bè ứng xử bình thường, không ai cười nhạo, trêu chọc gì cả”, T nói. T cũng kể, là “người trong cuộc, đôi khi nhớ lại việc không hay trong quá khứ cũng thất vọng về bản thân, nhưng hôm sau lại hết ngay. “Mà trong những hoàn cảnh khác cũng vậy, buồn thì cũng phải bỏ qua mà sống sao cho tốt hơn. Không thể ở mãi với quá khứ được”, T nói.

Cô gái vốn là nạn nhân của bạo lực học đường năm xưa giờ đã đi làm được vài năm, có cơ sở kinh doanh riêng. “Nghĩ cũng buồn cười. Ngày xưa sau vụ việc thì mấy người đó có đến nhà xin lỗi. Thời gian trôi qua, đợt trước chính mấy chị đánh em lại trở thành khách hàng của em. Ban đầu thì không nhận ra nhau vì theo thời gian ai cũng khác đi. Lúc nhận ra thì có ngại một chút. Giờ thì hết rồi, mọi thứ trở lại bình thường”, T nói.

(Còn nữa)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020