Chuyên mục  


Nhân cách và hành vi của một bạn trẻ chính là tấm gương phản chiếu quá trình nuôi dạy của phụ huynh. Việc giáo dục con cái luôn là chủ đề thu hút đối với cả những bậc làm cha mẹ. Bởi lẽ, nếu cha mẹ có cách giáo dục con không đúng đắn, phù hợp thì đứa trẻ rất khó để phát triển theo kịp các bạn.

Đã có không ít trường hợp học sinh vì được bảo bọc quá kỹ lưỡng dẫn đến những tác dụng phụ không lường trước được. Nếu phát hiện sớm và uốn nắn thì sẽ không đáng lo ngại, nhưng nếu để sự nuông chiều hình thành trong một thời gian dài thì sẽ rất khó để bạn trẻ hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa.

Như mới đây, một tâm thư được viết bởi sinh viên trong nhóm Đại học đừng học đại đã thu hút sự chú ý của rất đông bạn trẻ và kể cả phụ huynh.

Theo đó, một nam sinh chia sẻ bản thân sống trong sự nuông chiều kèm cặp quá mức của cha mẹ từ cấp 1 cho đến cấp 3. Lên Đại học, cậu bạn nhận ra bản thân căng thẳng tâm lý khi thiếu đi các kiến thức trong đời sống.

Không ít học sinh cảm thấy tự ti mặc cảm vì thua kém bạn bè do được bao bọc quá mức. (Ảnh minh họa)

Nguyên văn câu chuyện của nam sinh này như sau:

“Do rất nhiều nguyên nhân từ bản thân trong việc học và cả nguyên nhân khách quan từ cách dạy dỗ của ba mẹ. Bây giờ mình nhận thấy mình bị thiếu sót rất nhiều về mặt tâm lý, tình cảm, nhân cách và đạo đức, kỹ năng và sự thực hành, khả năng suy nghĩ và hiểu biết, kiến thức, ngôn ngữ, trải nghiệm sống,...

Mình tuy lớn rồi nhưng chưa trưởng thành. Có những thứ bạn mình đã biết làm và học từ nhỏ, đến bây giờ mình mới bắt đầu phải học như việc nhà. Và vì quá nhiều thứ phải học phải sửa mình không biết bắt đầu từ đâu và làm sao để sửa. Và việc học của mình cũng chậm lại vì do từ nhỏ mình không biết cách học và không nhận ra kiến thức cũ liên quan kiến thức mới.

Giờ lên Đại học mình bị đuối và không có liên hệ được kiến thức cấp 1 đến cấp 3. Và có lẽ do mình quá nôn nóng để theo kịp bạn bè nên quá trình học lại mọi thứ cũng gấp gáp không kiên trì và do mình không hiểu bản thân, mình áp đặt chạy theo những cái của người khác lên bản thân (lời nói, hành động).

Bây giờ mình bị mất phương hướng trong cuộc sống. Không biết bản thân có gì, có khả năng gì. Không có mục tiêu sống, nhìn thấy được tương lai rõ ràng. Vấn đề lớn nhất là thiếu sự tự tin ở bản thân, không đánh giá được bản thân, nhận thức về bản thân, không biết điểm mạnh và yếu rõ ràng. Và mình hay bị so sánh ngầm giữa mình với người khác... (mà mình không thực sự nhận ra điều đó và nhận ra mỗi nguời khác nhau về sự phát triển, trải nghiệm sống)”

Nam sinh stress và áp lực do sự quan tâm quá đà của cha mẹ (Ảnh minh hoạ)

Nam sinh trong bài viết trở nên mất phương hướng, căng thẳng do sự bao bọc của cha mẹ. Khi bước chân vào cuộc sống đại học, cậu bạn phải học dần lại mọi thứ, từ chuyện nhỏ nhất là làm việc nhà.

Chính vì thiếu kĩ năng xã hội nên nam sinh cũng dần trở nên thu mình hơn, không biết mình là ai, bản thân có điểm mạnh hay điểm yếu nào. Nhiều người đã dành lời khuyên cho nam sinh này:

Bạn D.M đưa ra lời khuyên: "Bạn đã nhận ra được mình khuyết điểm chỗ nào là bước tiến rồi. Nên bây giờ phải thật vững tâm lý để chiến đấu thôi. Tôi biết là nói suông ra thì không giải quyết được vấn đề gì, nhất là tâm lý là một thứ rất khó tháo gỡ. Nhưng hãy tin tưởng ở bản thân mình, nếu bạn yêu quý gia đình thì hãy học. Vì bạn cảm thấy bản thân không có mục tiêu, vậy nên tôi khuyên bạn hãy học, chiến đấu để thay đổi cách gia đình đang nhìn về mình".

Trong khi đó, bạn B.N cũng trong hoàn cảnh như vậy, chia sẻ về phương pháp mà cậu bạn này đã đấu tranh với sự căng thẳng trong tâm lý: "Mình cũng giống bạn, mình đã chọn cách đâm đầu theo đuổi cho kịp bạn cùng khoá. Dù là mình nhận thấy đang đuối dần và khả năng của mình còn hạn chế. Kết quả bây giờ mình bị peer pressure, vừa bị burn out và cảm thấy bản thân thật tệ. Từ trải nghiệm của mình, mình chỉ khuyên bạn là cố gắng điềm tĩnh lại, so sánh mình với người khác chỉ khiến bạn thêm tệ thôi.

Về phía mình, mình chấp nhận mình dở, khả năng tiếp thu không cao như mọi người nên mình chọn cách đi chậm lại. Mình ra trường trễ hơn, từ từ trau dồi những cái bản thân còn thiếu. Và mình cảm thấy ổn với công việc đang làm, không lo lắng mọi người nghĩ sao về mình nữa. Nên mình cũng hi vọng bạn sẽ tìm được cách khắc phục cho bản thân nha"

Ảnh minh hoạ

Dẫu biết quan tâm và bảo bọc con là tốt, nhưng yêu thương sao cho đúng cách chính là vấn đề nan giải mà các bậc cha mẹ phải suy nghĩ. Làm sao để con trẻ phát triển tự nhiên và có đầy đủ kỹ năng cần thiết là điều quan trọng.

Đừng tạo nên một lớp vỏ bọc quá an toàn và chắc chắn để rồi con trở thành những người thụ động và hư hỏng. Hơn nữa, học trò cũng nên tự lập và nỗ lực để không phụ thuộc quá nhiều vào gia đình.

Nguồn: Đại học đừng học đại

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020