01
Một câu chuyện ngụ ngôn xưa kể rằng, có bầy ếch đang hớn hở nhảy qua một cánh rừng. Chúng chẳng thèm để tâm đến thế giới xung quanh cho tới khi có hai chú ếch rơi xuống cái hố sâu. Tất cả những con khác nhanh chóng tập trung quanh miệng hố, nhìn xuống khoảng không sâu hun hút. Con nào cũng gãi đầu, cố nghĩ ra cách cứu hai người bạn đang hết sức hoảng loạn dưới kia.
Sau một thời gian, những con ếch bên trên chẳng nghĩ ra cách nào. Chúng đều đồng tình rằng hai con ếch bị mắc kẹt đã hết hi vọng, việc cố thoát ra chỉ tốn công vô ích. Chúng hét xuống bên dưới rằng hai người bạn tội nghiệp hãy chấp nhận số phận của mình.
Không muốn tin vào những con ếch đó, hai chú ếch bị mắc kẹt bắt đầu nhảy lên, cố thoát khỏi hố sâu. Mấy con ở trên bắt đầu hét to hơn – bỏ cuộc, hãy bỏ cuộc đi, không có cách nào thoát được đâu. Sau một lúc, một trong hai chú ếch bắt đầu nghe thấy những lời đó và thật sự buông tay. Nhưng con kia vẫn kiên trì nhảy lên.
Tiếng la hét làm nhụt chí ấy vẫn tiếp tục và ngày một to hơn. Mặc dù đã vắt kiệt đến chút sức lực cuối cùng, chú ếch kiên trì vẫn liên tục nhảy cao hơn một cách thần kỳ. Rốt cuộc, nó nhảy được một cú cao tới mức thoát ra khỏi hố. Bầy ếch xung quanh xúm vào ăn mừng chiến thắng của bạn. Chúng hoang mang hỏi: "Anh không nghe chúng tôi bảo rằng anh hãy ngồi dưới đó luôn đi, rằng anh không thể thoát ra à?"
Đáp lại, con ếch vừa thoát chết giải thích là chú bị lãng tai nên cứ nghĩ bạn bè đang cổ vũ mình nhảy cao hơn. "Tôi đâu có nghĩ các bạn đang khuyên tôi bỏ cuộc. Tôi tưởng mọi người cổ vũ cho tôi."
Bằng cách động viên, cổ vũ, chúng ta có thể thay đổi cả cuộc đời của một người.
02
Nhiều năm trước, những lời động viên, khích lệ trong một cuộc trò chuyện ngắn ngủi với cha đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vừa hoàn thành dự án nghiên cứu cuối cùng để lấy bằng thạc sĩ. Theo quy định, tôi phải trình bày trước hội đồng và bảo vệ về luận điểm của mình, trả lời chất vấn của các giáo sư và bạn cùng khóa. Buổi bảo vệ luận văn đó khá căng thẳng và còn được ghi hình lại. May thay, tôi đã bảo vệ thành công.
Tôi rất tự hào về thành quả đạt được và chia sẻ video đó với cha. Sau khi xem xong, ông nói: "Con nên cân nhắc về việc làm diễn giả trước công chúng. Con thật sự giỏi về việc đó."
Mặc dù tôi chắc rằng thật ra cha tôi không nghĩ quá nhiều về lời ông đã nói nhưng lời khen đó đã truyền cảm hứng cho tôi. Nhờ nó, tôi làm được những việc như hôm nay đã làm. Tôi chưa từng bao giờ quên kỷ niệm ấy. Kể từ đó tới nay, tôi đã thực hiện hàng trăm bài thuyết trình và hội thảo, "khai quật" một năng lực mà nếu không có gợi ý của cha, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nhận ra. Cha chỉ mất có vài giây để khen ngợi, động viên con trai của mình, nhưng những gì ông nói đã gây ấn tượng trong tôi suốt hai mươi năm sau đó. Mark Twain từng nói: "Tôi có thể sống được đến hai tháng chỉ nhờ vào một lời khen." Còn tôi, tôi đã sống vui vẻ suốt nhiều năm qua bằng lời động viên ngắn gọn, đơn giản của cha.
Còn bạn, lời khen của bạn có tác động như thế nào đến đồng đội? Gần đây bạn có truyền cảm hứng hay khích lệ ai đó không?
Khen ngợi người khác không chỉ đơn giản là nói một điều tử tế. Cách khen ngợi, động viên và tần suất của nó tạo nên sự khác biệt đáng kể. Tôi từng có một đồng đội rất hay nói với tôi: "Anh là một người khá đấy." Nó không mang đến cảm giác chân thành và thiếu cụ thể. Chưa kể, tôi còn nghe anh ấy nói y như vậy nhiều lần với vài người trong nhóm! Bây giờ, cái tôi của tôi không cần phải được vỗ về thường xuyên nữa. Nhưng nếu hiểu được tại sao anh ấy lại làm như vậy sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể đối với tôi.
03
Do vậy, cách thức đưa ra lời khen cũng rất quan trọng. Dưới đây là bốn yếu tố quan trọng cần chú ý khi bạn đưa ra lời khen:
CHÂN THÀNH
Lời khen của bạn cần xuất phát từ đáy lòng và đừng khen chỉ vì mong nhận lại điều gì đó. Khi bạn chân thành khen ngợi, đồng đội sẽ cảm nhận được tấm lòng đó thông qua đôi mắt và nụ cười ấm áp của bạn. Sức mạnh từ lời khen sẽ truyền đến họ.
Nếu bạn không thành thật với những điều sắp nói, vậy đừng nói. Nhận được một lời khen giả tạo chỉ khiến người khác tổn thương hơn, bạn có cảm thấy như vậy không?
CỤ THỂ
Mọi lời khen đều cần cụ thể và hãy tránh gây cảm giác "đại trà". Bên cạnh đó, những bình luận ý nghĩa nhất thường bao gồm cả "như thế nào". Người đồng đội đó đã tác động đến bạn như thế nào? Phần "như thế nào" nên đặt sau phần "tại sao" bạn khen họ. Một lời khen có đủ những yếu tố này sẽ trở nên chân thật hơn.
Một câu "Làm tốt lắm, Kristen" không thể tác động mạnh mẽ bằng "Scott, anh có biết rằng anh hoàn thành rất tốt nhiệm vụ trong dự án XYZ không? Sự tỉ mỉ của anh đã hỗ trợ tôi rất nhiều và tôi cũng nghe những người khác nói như vậy."
NGẮN GỌN
Khi nói một điều tốt đẹp về đồng đội, chúng ta rất dễ sa vào lan man khi tình huống bắt đầu trở nên khó xử. Mỗi người sẽ có cách tiếp nhận lời khen ngợi khác nhau một chút. Có người chỉ cười và cảm ơn. Có người tỏ ra khiêm tốn và chuyển hướng. Và cũng có những người chẳng biết nên nói gì.
Do đó, bạn chỉ cần khen ngợi một cách chân thành, cụ thể. Vậy là được.
VỪA PHẢI, ĐỀU ĐẶN
Bạn cần duy trì mức độ vừa phải trong lời khen của mình: khen quá ít sẽ gây cảm giác gượng gạo, nhưng khen quá nhiều sẽ làm cho người khác cảm thấy giả tạo.
04
Nãy giờ chúng ta đã nói về cách đưa ra một lời khen hiệu quả, điều quan trọng tiếp theo là hiểu được lợi ích của việc khen ngợi người khác đối với chính bạn:
- Bạn bắt đầu nhận ra ưu điểm của chính mình. Việc khen ngợi người khác không chỉ giúp ích cho đồng đội mà cũng thay đổi cả cuộc sống của bạn. Để đưa ra lời khen chân thành, bạn phải luôn quan sát, tìm hiểu ưu điểm của người khác. Khi làm như vậy, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những điểm tốt trong bản thân mình.
- Người khác cũng nhận ra điểm tốt của bạn. Khi bạn giúp đồng đội nhận ra những điểm tích cực trong chính bản thân họ, họ sẽ hồi đáp những cảm xúc đẹp đẽ đó với bạn. Về bản chất, bạn đang trở thành thỏi nam châm thu hút những lời khen, động viên chân thành từ mọi người. Bạn càng chủ động động viên, khen ngợi, người khác cũng sẽ làm như vậy nhiều hơn, từ đó lan tỏa năng lượng tích cực. Đó là quy luật cho – nhận. Bất kì ai cũng có thể thể hiện sự ngưỡng mộ thật lòng với nhau.
- Bạn được mọi người yêu quý và sức ảnh hưởng của bạn sẽ tăng lên. Khi bạn thật lòng khen ngợi, động viên người khác, mọi người càng yêu quý bạn và tầm ảnh hưởng của bạn sẽ tăng lên. Các thành viên bắt đầu muốn tiếp xúc với bạn nhiều hơn. Bạn gần như trở thành "đầu tàu" của nhóm. Họ sẵn sàng lắng chăm chú lắng nghe hơn mọi ý kiến, đề xuất và lời khuyên của bạn.
- Bạn cảm thấy hạnh phúc. Khi dành lời khen tặng cho mọi người, chính bạn cũng cảm thấy thật hạnh phúc. Như đã nói về tinh thần cống hiến, chúng ta đã biết một người sẽ có thể sống một đời vui vẻ, tích cực hơn khi giúp đỡ người khác.
Khen tặng, động viên là một thói quen tốt cần rèn luyện. Tôi từng nghe kể câu chuyện về một CEO, mỗi sáng ông sẽ bỏ năm viên bi vào túi bên phải của mình. Mỗi lần khen ai đó, ông liền chuyển một viên bi sang túi bên trái. Mục tiêu là đến cuối ngày phải chuyển hết số bi sang túi trái. Sau nhiều ngày như vậy, cuối cùng, ông không cần tới những hòn bi nữa. Khen ngợi người khác đã trở thành thói quen bền vững của ông.
Bạn có thể tưởng tượng, nếu mọi thành viên trong nhóm đều làm theo cách trên, cuộc sống sắp tới sẽ thay đổi thế nào? Hãy bắt đầu từ chính bạn. Bạn hãy là người tặng những lời khen ngợi chân thành, cụ thể và kịp thời cho người khác. Bạn sẽ thấy sự khác biệt đáng kinh ngạc nó tạo ra.
(Bài viết được trích ra từ cuốn sách "Siêu cá nhân, siêu đội nhóm" của tác giả Michael G. Rogers)