Chuyên mục  


PGS. TS Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên, đưa ra nhận định này tại lễ khai trương chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ giữa trường và Đại học Hiroshima (Nhật Bản), tối 4/10.

Ông Quang dẫn chứng trong hội chợ việc làm của trường tháng trước, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển hơn 3.000 vị trí, trong khi chỉ khoảng 300 sinh viên của trường tốt nghiệp. Theo ông Quang, tình hình cũng tương tự với các trường đào tạo nông nghiệp như Đại học Nông Lâm TP HCM và Đại học Huế.

Khảo sát của trường cho thấy sinh viên tốt nghiệp ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản nhận lương 10-15 triệu đồng mỗi tháng, sau 1-2 năm có thể lên 20 triệu. Mức này cao hơn 2-3 lần thu nhập bình quân đầu người năm ngoái - 4,96 triệu đồng mỗi tháng, theo Tổng cục thống kê.

"Lương như vậy là rất tốt đối với một người mới vào nghề, kể cả khi so sánh với các ngành khác", thầy Quang nói.

Năm ngoái, trong gần 547.000 thí sinh vào đại học, chỉ 0,86% chọn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, tương đương 4.700 sinh viên. Nhiều năm liền, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đây là lĩnh vực tuyển sinh kém.

Lý giải, ông Quang cho rằng sinh viên ít đi học các ngành nông nghiệp một phần là do bản chất làm nông "vất vả", khi so với các ngành kỹ thuật và kinh tế.

"Sinh viên ra trường phải gắn bó với đồng ruộng, nhà kính, làm việc tại các chuồng trại và nuôi trồng thủy sản, nên có phần rụt rè", ông nhận định.

PGS.TS Nguyễn Hưng Quang (thứ hai từ trái qua) trong lễ khai trương chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ giữa trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên và Đại học Hiroshima (Nhật Bản). Ảnh: Doãn Hùng

Để thu hút sinh viên, thầy Quang nói một biện pháp cần thiết nâng cao chất lượng giảng dạy. Do đó, việc hợp tác đào tạo tiến sĩ với Đại học Hiroshima giúp trường bổ sung nguồn giảng viên chất lượng cao.

"Trường có giảng viên tốt cũng góp phần thể hiện ngành nghề đó đào tạo chất lượng", thầy Quang nói.

Doãn Hùng

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020