Ngày 5/12 vừa qua, trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) tổ chức tọa đàm "Truyền thống hay xu hướng: đâu là nghề nghiệp lý tưởng của tương lai". Tại đây, chị Trương Ngọc Dung - Quản lý tuyển dụng Công ty PERSOLKELLY Việt Nam và chị Nguyễn Mai Chi - Quản lý thương hiệu Heineken (Heineken Việt Nam) đã giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về sự thay đổi của thị trường lao động, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhà tuyển dụng tiềm năng.
Theo chị Ngọc Dung tại Việt Nam, ba xu thế chính tác động đến thị trường lao động trong và ngoài nước là quá trình tự động hóa và ứng dụng công nghệ, sự gia tăng của lực lượng lao động được đào tạo đại học và đào tạo bậc cao, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng mạnh. Điều này dẫn tới thay đổi cả số lượng và chất lượng công việc trong nhiều ngành nghề. Một số công việc giản đơn dần được thay thế bằng máy móc trong khi nhóm việc liên quan tới khoa học máy tính như An ninh mạng, Lập trình game dự đoán sẽ tăng nhanh.
Bên cạnh đó, yêu cầu cao về chuyên môn tạo ra thách thức không nhỏ cho nhóm lao động trình độ thấp đến trung bình. Tính cạnh tranh trên thị trường cũng gay gắt hơn, minh chứng bằng khoảng cách ngày càng lớn về thu nhập, trình độ trong lực lượng lao động.
Chị Ngọc Dung đã có 12 năm kinh nghiệm tại nhiều vị trí ở các công ty đa quốc gia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trước những biến động này, hai diễn giả nhận định không có ngành nghề nào là xu hướng mãi mãi. Do đó, các bạn trẻ nên trau dồi bộ kỹ năng cốt lõi để thích ứng với thay đổi nhanh chóng của thời đại số.
Tự học
Theo chị Mai Chi, tự học là "chìa khóa" để tiến xa trong kỷ nguyên số. Trước đó, chị từng tham gia chương trình Quản trị viên Tập sự của Heneiken ở vị trí marketing và gặp không ít khó khăn vì không đúng chuyên ngành. Để cạnh tranh với các ứng viên có chuyên môn sâu về marketing, cựu sinh viên Tài chính - Kế toán của BUV tự mày mò học hỏi lượng lớn kiến thức về ngành và tìm cách áp dụng vào thực tế. Chị chia sẻ, cách học yêu cầu tính chủ động, khuyến khích mỗi cá nhân đưa ra phương án giải quyết vấn đề tại BUV giúp chị "bắt nhịp" tốt hơn khi dấn thân vào lĩnh vực mới.
Theo đó, chị khuyến khích người trẻ đừng ngại thử. Trong suốt quá trình học đại học, chị tham gia 4 công việc thực tập với nhiều vị trí khác nhau để học hỏi và chọn vị trí làm việc phù hợp nhất. Với chị, không ai có thể biết mọi thứ cùng lúc. Mỗi người nên từng bước thử thứ mình muốn nhất ở từng thời điểm để tích lũy thêm kinh nghiệm. "Ngay cả khi cảm thấy bản thân chưa giỏi, các bạn trẻ cứ mạnh dạn thử sức với nhiều nhiệm vụ mới. Vì như vậy chúng ta mới có cơ hội học hỏi nhiều hơn", chị khẳng định.
Trang bị nhiều kỹ năng từ sớm, chị Nguyễn Mai Chi từ một sinh viên ngànhTài chính - Kế toán trở thành Quản lý thương hiệu Heineken tại Heineken Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mai Anh - sinh viên BUV, MC của chương trình, bổ sung thêm một khía cạnh của việc tự học là tìm kiếm và phân tích thông tin (searching). Với nguồn kiến thức vô tận từ sách vở, thư viện số và internet... mỗi người cần biết cách đưa ra từ khóa tìm kiếm, kiểm chứng nguồn tin và chắt lọc kiến thức phù hợp cho riêng mình.
Đồng quan điểm, các diễn giả nhận định hiệu quả của việc tự học sẽ tăng lên nhiều khi sinh viên tham gia các kỳ thực tập và xử lý vấn đề trong doanh nghiệp. Tại BUV, sinh viên sẽ học trong ba tháng và thực tập trong ba tháng với mạng lưới kết nối doanh nghiệp rộng lớn. Do đó, chị Mai Chi và Mai Anh đều tận dụng cơ hội này để rèn luyện và có được công việc phù hợp với bản thân.
Thích nghi nhanh trước mọi sự thay đổi
Là chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng, chị Dung cho biết, Covid-19 đã tạo ra những thay đổi nhanh nhất từ trước tới nay, đòi hỏi người lao động phải thích nghi với tốc độ tương đồng. Theo đó, chị Mai Chi đưa ra dẫn chứng từ sự chuyển dịch trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Những năm gần đây, kênh thương mại điện tử dần chiếm ưu thế hơn so với các kênh truyền thống như tạp hóa, nhà hàng... Do đó, người làm nghề cần nhanh chóng nắm bắt điều này để đưa ra chiến lược phù hợp, kết hợp đồng thời các kênh để tạo nên hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc tại Heineken, chị Mai Chi từng nhiều lần thay đổi môi trường và quốc gia trong khoảng thời gian ngắn. Mỗi khi đến một vùng đất mới, cựu sinh viên BUV đều dành khoảng 2-3 ngày để nghiên cứu thị trường, thói quen của người bản địa... sau đó, điều chỉnh cách làm việc phù hợp và phát huy năng lực tốt nhất. Từ góc độ của người quản lý, chị nhận thấy các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những người có tính thích nghi cao và học hỏi nhanh để đảm bảo tổ chức vận hành trơn tru trong mọi trường hợp. "Đây là điều đã giúp mình có thể từ một sinh viên tài chính - kế toán chuyển sang làm marketing", chị nói thêm.
Môi trường giáo dục quốc tế khuyến khích sinh viên rèn luyện tính chủ động, khả năng tự học và kỹ năng làm việc nhóm. Ảnh: BUV
Giao tiếp, tư duy phản biện và làm việc nhóm
Về yếu tố xuyên suốt quá trình làm việc, chị Ngọc Dung đề cập đến một số kỹ năng cốt lõi đóng vai trò quan trọng và mang đến cơ hội thăng tiến cho nhân sự bao gồm: giao tiếp, tư duy phản biện và làm việc nhóm. Cách tiếp thu và vận dụng sẽ được tùy chỉnh theo bối cảnh thời đại và từng ngành nghề.
Chia sẻ về cách trau dồi kỹ năng này, chị Mai Chi khuyên các bạn trẻ nên tích cực tham gia câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, sự kiện và cuộc thi trong khả năng của bản thân. Mỗi trải nghiệm là một cơ hội để rèn dũa nhóm kỹ năng trên. Tại đây, các bạn được làm việc với nhiều người để phát triển kỹ năng làm giao tiếp, học cách làm việc nhóm hiệu quả khi tổ chức một sự kiện cùng các cộng sự, đồng thời, phát triển tư duy phản biện khi cùng đóng góp ý tưởng, triển khai cho kế hoạch trong kỳ thực tập tại doanh nghiệp.
"Bộ kỹ năng trên có tính kế thừa. Người lao động có thể ứng dụng linh hoạt, phát huy ngay cả khi chuyển đổi tính chất công việc và môi trường", chị Dung khẳng định.
Nhật Lệ