Học online đã kéo dài được gần 2 năm qua. Một hình thức học mới, song khi kéo dài đã mang tới một vài bất cập không mong muốn đối với cả học sinh lẫn giáo viên, đặc biệt về mảng tâm lý.
Theo bác sĩ BS Trần Thị Sáu - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), từng có một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội đến khám, nhập viện tâm thần vì áp lực học online. Cô bạn này có biểu hiện lo âu, buồn chán, dùng vật sắc nhọn tự rạch vào cổ tay...
Cũng có nhiều học sinh tiếp xúc với máy tính quá nhiều mà có nguy cơ trở thành "game thủ", tâm lý thay đổi thất thường, trở nên tự ti và ngại giao tiếp với mọi người.
Để hiểu hơn về những bất ổn tâm lý này, chúng tôi đã kết nối với anh Nguyễn Viết Chung, Thạc sĩ Tâm lý, đồng thời là giảng viên bộ môn Tâm lý - Tâm thần Lâm sàng tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
Anh Nguyễn Viết Chung, Thạc sĩ Tâm lý, đồng thời là giảng viên bộ môn Tâm lý - Tâm thần Lâm sàng tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị tâm lý, cũng như đang giảng dạy online tại một trường đại học, anh Chung cho hay việc áp lực khi học online là điều không thể tránh khỏi. Để tránh có những bất ổn tâm lý này, cả học sinh lẫn giáo viên cần lưu ý những điều sau:
Khi phải học kiểu mới là học trực tuyến, theo anh, học sinh sẽ nảy sinh những tâm lý thế nào?
Khi học online thì tâm lý học sinh sẽ được chia làm nhiều giai đoạn lắm. Nhưng thông thường, ở giai đoạn đầu thì học sinh nào cũng có xu hướng tiếp nhận học online theo kiểu chống đối. Các bạn học cho qua môn, cho có tiết học, học hành nhưng không vào kiến thức mấy.
Thời gian sau, các bạn ấy sẽ dần thay đổi và điều này phụ thuộc vào thái độ lẫn nhận thức của mỗi người. Sẽ nảy sinh ra 2 kiểu người sau quãng thời gian học hành chống đối ban đầu:
- Nhóm 1: Học sinh có nhận thức tốt thì các bạn sẽ tìm cách thích nghi và dần tìm ra phương pháp học hiệu quả cho riêng mình. Đây là nhóm đối tượng thường ở sinh viên đại học hoặc những người có ý thức học tập. Họ hiểu rằng việc học trực tuyến là bắt buộc nên càng thích nghi sớm lúc nào thì việc học của mình càng tốt lúc ấy.
- Nhóm 2 là các học sinh trẻ hơn, các em ở độ tuổi vị thành niên hoặc tiểu học thì nhận thức kém hơn nên sẽ có thời gian học chống đối lâu hơn. Ở trong giai đoạn này càng lâu thì việc điểm danh cho có, rồi trốn học chơi game, chat chit bạn bè... càng nhiều. Hoặc cũng có những học sinh do học hành "chống đối" quá lâu, đến khi muốn học lại thì không biết xoay xở thế nào, không biết bắt đầu từ đâu. Cả 2 trường hợp này đều để lại hậu quả thành tích kém, bố mẹ la mắng sau đó lại dẫn ngược trở về là bị áp lực tinh thần.
Học online có đặc điểm là thường xuyên học trong phòng kín, ít được giao tiếp với bạn bè, phải tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử trong thời gian dài. Theo anh, việc học như vậy sẽ dẫn đến những bất ổn tâm lý nào?
Việc học online kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập chung cũng như tương tác xã hội của học sinh. Bởi khi đi học trực tiếp, học trò được đi ra ngoài, đến trường, nói chuyện với bạn bè... cũng là cách để giải toả stress và tăng tính sáng tạo. Nếu học online kéo dài sẽ mất đi nguồn năng lượng ấy, khiến cho học sinh dần trở nên cô độc, chán nản, không được giải toả năng lượng trong mình.
Khi đó các bạn dễ mắc các căn bệnh tâm lý như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc... hoặc nhẹ nhất cũng là nhìn nhận mọi thứ xung quanh tiêu cực. Trẻ con lại là đối tượng dễ bị tác động hơn cả.
Điều kiện học online dự kiến còn kéo dài ở các địa phương. Vậy phụ huynh, học sinh và cả giáo viên cần làm gì để giảm bớt những căng thẳng tâm lý khi học?
Học online gây ra stress và những stress này khó thể giải toả nếu chỉ học trong môi trường kín.
Tâm lý stress này dễ gây ra cáu giận, bực bội, thậm chí khiến các em học sinh dùng chất kích thích như bóng cười, thuốc lá điện tử... Cũng có những bạn biết cách đối diện được thì sẽ học cách tập thể dục, suy nghĩ tích cực hơn, dành nhiều thời gian cho bản thân.
Chúng ta cũng không thể đổ hết cho học online gây nên căng thẳng. Cũng không thể định mức thời gian bao lâu cho việc học trực tuyến vì điều này còn phụ thuộc vào tình trạng mỗi người, đối tượng học là ai.
Để học online tốt trong thời gian dài, các thầy cô nên chỉ cho học sinh cách thức học, tạo cảm hứng để hướng các em đến việc tự học. Điều này thích hợp hơn so với việc dạy một tràng kiến thức như phương pháp truyền thống trên lớp.
Có những bạn khi học online đã có hành vi tiêu cực, thậm chí là rạch cổ tay... Nhưng ta cần hiểu rằng học online chỉ là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến điều này. Những bạn học sinh ấy thường có những biểu hiện rối loạn tâm lý trước đó. Và khi học online trong môi trường kín khiến các bạn ấy không có nơi giải toả được năng lượng. Học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, không biết xử lý thế nào nên đã chọn cách làm đau bản thân.
Đối với những bạn có tâm lý bất ổn nặng thì khi học online, ta cần chú ý 3 điều sau:
- Học sinh nên thành thật với cha mẹ về những khó khăn. Không chỉ việc học trực tuyến đâu, mà là tất cả vấn đề bạn đang gặp phải.
- Xác định rõ tâm lý rằng việc học trực tuyến là bắt buộc nên cần phải thích nghi, cố gắng thích nghi và học hành nghiêm túc. Điều này có thể làm được bằng cách xác định rõ mục tiêu học tập của mình là gì.
- Nếu học sinh cảm thấy bức bối, khó chịu, không thể nào chịu đựng căng thẳng thì nên đi tìm bác sĩ tâm thần. Các bạn sẽ có lộ trình hướng dẫn cách giải toả cảm xúc, thay vì tự làm đau hay tự làm hại chính mình.
Có một nhóm đối tượng cũng chịu đựng những áp lực tâm lý tương tự khi học online, đó chính là giáo viên. Liệu với nhóm đối tượng này cần có biện pháp nào để vơi đi áp lực khi dạy online?
Thực tế, theo tôi thấy có những thầy cô thích dạy trực tuyến. Đó là những người năng động, hoạt bát, thích cái mới và nhiều khi họ còn thích dạy online hơn là dạy trực tiếp.
Khi tiếp xúc với kiểu dạy mới, nhà trường nên theo sát các thầy cô và traning họ cách dạy. Ví dụ như ở trường ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức chương trình đào tạo giáo án trực tuyến cho giảng viên để thích ứng nhanh hơn với việc dạy online. Chương trình được mua lại bản quyền của 1 trường đại học nổi tiếng ở Úc có kinh nghiệm trong việc dạy trực tuyến. Khi tiếp xúc với thứ mới, các giáo viên rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan và đồng nghiệp.
Tiếp theo, các thầy cô cũng nhận thức rõ rằng việc học trực tuyến là điều bắt buộc, nên giáo viên buộc phải học cách thích nghi hoàn cảnh để dạy học trò được tốt hơn.
Điều cuối cùng, các thầy cô cần biết cân bằng giữa việc giảng dạy với công việc gia đình, thời gian giải trí, tập luyện thể thao... thì mới đỡ đi phần nào căng thẳng được.
Cảm ơn những lời chia sẻ tâm lý từ anh!
Theo một thống kê của Bệnh viện Tâm thần Trung ương vào tháng 6, trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Ngô Thị Minh cũng nhận định tư vấn tâm lý học đường là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường trường học an toàn thân thiện, nhất là ở giai đoạn học trực tuyến.