Chuyên mục  


Giáo sư Lý Mai Cẩn, một chuyên gia nổi tiếng về tâm lý vị thành niên của Trung Quốc, sau nhiều năm thực hành điều tra đã nhận thấy rằng: Hành vi và tâm lý của con người ở tuổi trưởng thành là khúc xạ của trải nghiệm trong quá khứ, liên quan mật thiết đến gia đình và cách nuôi dạy của cha mẹ thời thơ ấu.

Một số bậc phụ huynh không khỏi suy nghĩ làm thế nào để trẻ lớn lên được hạnh phúc. Nếu như "thương" con sai cách, hậu quả để lại có thể ảnh hưởng đến cả tương lai của trẻ về sau.

Do đó, chuyên gia đã chỉ ra rằng, từ 0 - 18 tuổi có thể chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn của con cái lại cần có cách dạy dỗ và đồng hành khác nhau.

1. Giai đoạn 0-3 tuổi: Hỗ trợ tinh thần

0-3 tuổi là giai đoạn trẻ thiết lập mối quan hệ gắn bó với gia đình, và sự gắn bó này tiếp tục tích lũy cho đến năm 12 tuổi.

Sự gắn bó là nguồn gốc của cảm xúc, khi trẻ hình thành mối quan hệ gắn bó với người thân, chúng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Sự xuất hiện của đối tượng gắn bó khiến trẻ cảm thấy được an ủi và thoải mái hơn, từ đó mở lòng để đón nhận những giá trị từ bên ngoài.

Giáo sư cho biết, bản thân từng gặp không ít trường hợp trẻ vị thành niên làm cha mẹ buồn lòng. Bà nhận thấy rằng hầu hết những đứa trẻ này đều không có được sự đồng hành, chăm sóc và quan tâm của cha mẹ về mặt tinh thần trước 12 tuổi, do đó không hình thành sự kết nối tình cảm giữa cha mẹ với con cái.

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng không nên dỗ dành trẻ khi chúng quấy khóc vì như vậy là làm hư con. Tuy nhiên, giáo sư Lý không đồng ý với quan điểm này. Bà cho rằng, trẻ khóc lâu không được dỗ sẽ hình thành căng thẳng quá mức trong hệ thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến tính khí của trẻ.

Do đó, các bậc cha mẹ nên quan tâm và đừng bao giờ lơ là việc chăm sóc con cái. Giáo dục nên bắt đầu từ gia đình và phát triển song hành cùng sự lớn lên của trẻ.

2. Giai đoạn từ 3 tuổi - 12 tuổi: Thương nhưng vẫn phải thiết lập quy tắc

Tình yêu thương là một loại dinh dưỡng, nhưng không phải là tất cả. Từ 3 tuổi, trẻ dần có khả năng hiểu và diễn đạt, đây là giai đoạn quan trọng để "thiết lập quy tắc" cho trẻ.

Ở tuổi lên 3, cha mẹ nên học cách nói "không" với con;

Ở tuổi lên 4, cha mẹ nên dạy con biết chờ đợi và tự giác;

Ở tuổi lên 5, cha mẹ nên dạy con học cách tự quản lý bản thân vượt qua cám dỗ, và thể hiện cách chia sẻ với người khác;

Ở tuổi lên 6, trẻ nên học tính chịu khó.

Ví dụ, trẻ quấy khóc vì không có điện thoại để xem phim hoạt hình, lúc này, cha mẹ nên bế trẻ vào phòng và chơi cùng trẻ, có thể lấy khăn nóng lau mặt cho con, để trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ.

Sau khi tâm trạng của trẻ đã ổn định, phụ huynh mới bắt đầu bình tĩnh luận giải: "Nếu mẹ muốn dùng điện thoại mà con không đưa cho mẹ, thì mẹ có khóc như vậy không? Con đã lớn nên muốn gì phải nói ra. Khóc không thể giải quyết được vấn đề."

Đối với một đứa trẻ đang khóc, không nên bỏ mặc trẻ, vì điều đó tương đương với sự giam cầm và không có ý nghĩa giáo dục. Khuyến khích trẻ học cách bày tỏ ý kiến của mình, lắng nghe cha mẹ và giao tiếp cởi mở là cách giáo dục đúng đắn.

Để giúp con biết cách chờ đợi, kiên nhẫn và tự giác, phải làm thế nào? Chuyên gia gợi ý rằng, bố mẹ có thể chọn một ngày cuối tuần thư giãn đưa con đến trung tâm mua sắm để mua đồ chơi.

Sau khi con chọn xong, cha mẹ có thể nói: "Món đồ chơi này nằm ngoài kế hoạch của chúng ta. Đồ chơi của con có giá 120 tệ, nhưng chúng ta chỉ có thể mua đồ chơi 100 tệ. Nếu hôm nay mua món đồ chơi này thì chúng ta sẽ không có tiền mua thức ăn cho tuần sau. Con không muốn nhà mình phải nhịn đói đâu đúng không?"

Ngoài việc mua đồ chơi, giáo sư Lý Mai Cẩn gợi ý rằng sau khi trẻ được ba tuổi, cha mẹ có thể tận dụng thời gian cuối tuần để trẻ ngồi vào bàn và làm một việc gì đó như xếp hình, vẽ tranh,... Những hoạt động này về lâu dài sẽ rèn luyện cho trẻ tính kiên nhẫn và tập trung trong lớp khi đến tuổi đi học.

3. Giai đoạn từ 12-18 tuổi: Hỗ trợ nhân cách

Từ 12 tuổi đối với nữ và 14 tuổi đối với nam là giai đoạn trẻ bước vào tuổi dậy thì. Trước sự phát triển của trẻ ở giai đoạn này, trước hết cha mẹ phải thay đổi quan niệm giáo dục, giúp con trưởng thành, tôn trọng quyền lựa chọn của con.

Ví dụ, sau khi trẻ bước vào trung học cơ sở, cha mẹ có thể thảo luận và cung cấp cho con một số lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Sự hướng dẫn trong suốt quá trình lựa chọn sẽ giúp trẻ cảm thấy được đồng hành và có quyết định đúng đắn.

Giai đoạn vị thành niên cũng là thời điểm mà thiên phú của mỗi đứa trẻ bắt đầu được bộc lộ nhiều hơn. Có trẻ giỏi các môn tự nhiên, cũng có trẻ thiên hướng nghệ thuật. Lúc này các bậc phụ huynh không nên gò ép trẻ phải giỏi đều các môn mà hãy cho con mình cơ hội thể hiện những gì mình mong muốn và tôn trọng điều đó nếu phù hợp.

Một cách rất hay mà giáo sư Lý Mai Cẩn áp dụng để dạy con bài học về tình yêu và cuộc sống đó là cùng con đi mua sắm. Trong một lần mua sắm tại trung tâm thương mại, cô con gái rất thích một bộ quần áo ngay khi đến cửa hàng đầu tiên, tuy nhiên giáo sư Lý khuyến khích con đến các cửa hàng khác xem trước khi quyết định mua. Sau đó, cô con gái thực sự đã tìm thấy những lựa chọn yêu thích hơn.

Bà đã nhân cơ hội này để dạy con rằng: "Tìm bạn đời cũng giống như chọn quần áo vậy. Cấp 2 chính là cửa hàng đầu tiên, nếu con yêu sớm từ cấp 2, có thể con sẽ bỏ lỡ những chàng trai tốt hơn sau này".

Ngoài công việc, cuộc sống của con người cần một cơ thể khỏe mạnh, một gia đình êm ấm, và các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp. Trẻ càng giàu cảm xúc sẽ càng hạnh phúc, vì vậy cha mẹ đừng nên ép trẻ chỉ đơn giản là phải thành công.

Việc nuôi dạy con cái nên đầu tư vào tâm lý của trẻ, khoản đầu tư này là vô giá. Thông qua quá trình đồng hành, trẻ có thể cảm nhận được tình yêu của cha mẹ, đó là tài sản vô giá trong hành trình phát triển sau này của trẻ.

*Theo: Aboluowang

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020