Chuyên mục  


Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tính đến ngày 11/3, tổng số học sinh đi học trực tiếp trên toàn thành phố Hải Phòng là 361.336 học sinh, đạt 71,41% (tính riêng khối phổ thông, giáo dục thường xuyên đạt 90,3%). Hiện, thành phố Hải Phòng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong trường học.

Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã), ngành giáo dục tổ chức sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học phù hợp, tránh xử lý cực đoan; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em và học sinh đến trường an toàn.

[Tăng cường bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh]

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị...), biện pháp hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...; xử lý nghiêm các vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Sở Y tế và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tổ chức điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến; cung ứng và đảm bảo đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt oxy y tế tại các cơ sở điều trị; tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

Cùng đó, ngành y tế và các địa phương đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý I/2022; tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, hoàn thành trong tháng 2/2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Việc tổ chức tiêm vaccine đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế./.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020