Đề tài bột chà răng dentie vào đời sống tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam) của Nguyễn Thị Hồng Anh và Hà Minh Thông (lớp 11/1 trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn) vừa đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học 2018-2019 cấp tỉnh.
|
Hồng Anh và Minh Thông đưa sản phẩm dự thi và giành giải khuyến khích. Ảnh: Đắc Thành. |
Hồng Anh chia sẻ qua những tài liệu trên mạng, hai em biết trong kem đánh răng thông dụng có chứa các chất hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế cả hai trăn trở suy nghĩ chế tạo loại sản phẩm vệ sinh răng miệng từ thành phần tự nhiên không chứa chất gây hại cho sức khỏe.
Tháng 9/2018, Anh và Thông dùng quả cả tím, cà pháo và cà xanh rửa sạch, đun nước sôi để nguội rồi muối theo tỷ lệ năm cà một muối. Cà được muối ba ngày đưa vào vỉ kẹp nướng trên bếp lửa cháy thành than, sau đó cho vào cối giã thành bột mịn - với tên gọi bột dentie.
|
Các loại cà sau khi muối đưa lên bếp than nướng cháy. Ảnh: Đắc Thành. |
Tiếp đến, hai em pha trộn một số bột ngọn trà xanh, hoa cúc dại, hoa cúc mặt trời để tạo ra các dòng sản phẩm là bột dentie trà xanh, bột dentie hoa cúc và bột dentie trà xanh hoa cúc. Người dùng sẽ trộn bột với dầu dừa, và dùng bàn chải đánh như kem đánh răng thông thường, hoặc dùng bột chà vào răng miệng...
Hai nữ sinh tìm kiếm người sử dụng (chia theo bốn nhóm tuổi) và theo dõi kết quả. Sau 20 ngày, người dùng cho biết hiện tượng ê buốt chân răng, mảng bám chân răng, trắng lưỡi giảm. Hiệu quả càng cao khi thời gian sử dụng dài. Trong bốn loại bột thì dentie trà xanh hoa cúc mạnh nhất, sau đó lần lượt là dentie trà xanh, hoa cúc và cuối cùng là bột dentie nguyên chất.
|
Các loại sản phâm bột được đóng chai. Ảnh: Đắc Thành. |
"Khi nghe những người được áp dụng chia sẻ và lập bảng tổng hợp kết quả, bọn em rất phấn khởi. Nhiều người sau ứng dụng còn hỏi mua nhiều để sử dụng lâu dài", Hồng Anh chia sẻ.
Hai nữ sinh mong muốn được phân tích đánh giá chất lượng bột dentie để đưa vào sản xuất rộng rãi. Tuy nhiên hai em không đủ điều kiện đưa đi kiểm nghiệm và phân tích kết quả.
Cô Lưu Thị Vũ - giáo viên trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn, người bảo trợ đề tài chia sẻ cảm thấy rất vui vì sau những nỗ lực các em đã hái được quả ngọt. "Tôi mong muốn các cơ quan, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa đề tài này và cho áp dụng rộng rãi bởi các sản phẩm đều từ tự nhiên, an toàn cho sức khỏe và có tính ứng dụng cao", cô Vũ nói.