Nhiều học sinh được phụ huynh giao phương tiện di chuyển đến trường, không đảm bảo quy định về Luật An toàn giao thông đường bộ tại TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Câu chuyện từ những gia đình chấp nhận "ba múi giờ khác nhau" để đưa đón con và giải pháp từ các trường học cho thấy: sự an toàn của con trẻ xứng đáng với mọi nỗ lực của người lớn.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cho rằng cần tăng thêm hình phạt và tính răn đe cho các cha mẹ giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện để hạn chế những tai nạn thương tâm mà chính các em là nạn nhân hoặc là người gây tai nạn.
Cùng lắng nghe chia sẻ của cha mẹ, chuyên gia và các cơ quan liên quan.
Chọn trường trái tuyến, xài ba múi giờ đưa đón con
Tôi chọn cho hai con học ở trường trái tuyến, xa nhà. Đã không ít lần chúng tôi định mua cho con chiếc xe máy để cháu chủ động đi học, cha mẹ cũng đỡ vất vả đưa đón. Nhưng rồi câu chuyện nhóm "quái xế" tông chết cô gái khi dừng chờ đèn đỏ khiến tôi phải nghĩ lại.
Cuộc sống của gia đình chúng tôi xoay quanh việc đưa đón hai con đi học. Con lớn học cấp III do vợ phụ trách, con nhỏ học cấp II do tôi đảm nhận.
Cả hai vợ chồng chia nhau đưa đón sáng chiều và cả buổi tối khi các con học thêm. Nhiều hôm gần 22h mới về đến nhà, người mệt lả chưa kịp ăn tối đã ngủ thiếp đi, trong khi các con vẫn miệt mài làm bài tập.
Ngày của chúng tôi bắt đầu từ 4h40 sáng, vội vã đánh thức các con dậy tắm rửa, ăn sáng. Con lớn xuất phát lúc 6h để đến trường ở quận 3 cách nhà hơn 10km, con nhỏ đi sau 30 phút đến trường ở quận 5 cách 7km.
Dù nhà ở quận Bình Tân có nhiều trường gần chỉ vài trăm mét đến vài cây số, chúng tôi vẫn chọn cho con học trường trái tuyến với hy vọng con có môi trường học tập tốt hơn.
Quyết định này khiến sinh hoạt gia đình bị xáo trộn, thời gian nghỉ ngơi ít đi, thay vào đó là những giờ dài trên đường và bữa ăn vội vã ở quán. Chỉ có trưa thứ bảy và chủ nhật mới có bữa cơm gia đình, nhưng đôi khi cũng không trọn vẹn vì phải tranh thủ đưa con đi học thêm.
So với chúng tôi, một người bạn còn vất vả hơn khi phải chạy xe 40km mỗi ngày từ Hóc Môn vào quận 5 đưa con đi học. Sau giờ học chính, con anh còn học thêm ở hai địa điểm khác nhau, khiến vợ chồng anh phải lang thang ngoài đường hoặc ngồi quán cà phê chờ đợi, tối nào cũng sau 22h30 mới về đến nhà.
"Sao không giao xe cho con, đỡ phải vất vả"
Câu nói này tôi đã nghe nhiều lần từ người thân quen khi thấy gia đình tôi vất vả đưa đón con đi học. Trước đây, tôi cũng từng cho con tập lái xe máy để đi những quãng đường ngắn và dự định mua xe dưới 50cc cho con tự đi học.
Nhưng cứ đắn đo mãi với quãng đường hơn 10km, con đi dọc đường lỡ hư xe, mưa nước ngập thì xoay trở ra sao... Chưa kể học xong có xe máy, bạn bè rủ rê rồi la cà, chở hai chở ba, lỡ có chuyện gì thì nguy hiểm không chỉ cho con mình mà còn ảnh hưởng những người xung quanh.
Vợ chồng tôi quyết định thôi, ráng chịu cực chở cháu cho đến khi vào đại học.
Có những ngôi trường rất nghiêm khắc, đầu mỗi năm học đều tuyên truyền cho học sinh, buộc phụ huynh ký cam kết không cho học sinh đi xe máy... Vậy mà vẫn có nhiều học sinh thản nhiên chạy xe trên 50cc vào cổng, gửi bãi xe dù chưa đủ tuổi. Trường không biết hay "làm lơ", chia sẻ trong việc khó khăn đưa đón của phụ huynh?
Tôi nghĩ nhiều phụ huynh không ai muốn giao xe máy cho con mình để rồi thấp thỏm lo nhưng chắc có những lý do khác nhau. Sắp xếp đưa đón các cháu hằng ngày thì không phải phụ huynh nào cũng có đủ thời gian; đi xe buýt thì với dòng xe cộ đông như nêm ở các tuyến đường thì khó mà đảm bảo đúng giờ học sinh đến trường.
Chọn các hãng xe công nghệ để đưa đón con nhiều phụ huynh sẽ an tâm hơn nhưng một buổi, hai buổi còn có thể, chứ hằng ngày 2 - 3 cử học chính khóa, học thêm thì không phải ai cũng đủ tiền.
Giá như có các công ty vận tải kết hợp với trường, đặc biệt là các trường có đông học sinh để đưa đón các cháu đi học chắc sẽ có nhiều phụ huynh hưởng ứng. Như vậy phụ huynh sẽ yên tâm hơn mà "giao" con mình, đỡ áp lực cho cả học sinh và phụ huynh.
* Cô Nguyễn Hoàng Phượng Quyên (hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh, TP.HCM):
Nhà trường áp dụng các quy định nghiêm ngặt về việc học sinh sử dụng xe máy, bao gồm yêu cầu cam kết từ học sinh, phụ huynh và nhà xe về việc tuân thủ quy định đi xe máy theo độ tuổi và giấy phép lái xe. Tuy nhiên ban giám hiệu vẫn lo ngại về an toàn của học sinh khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Năm 2019, trường đã khảo sát về nhu cầu xe đưa đón, nhưng kết quả cho thấy 95% học sinh sống gần trường và không cần dịch vụ này. Thêm vào đó, nhiều tuyến xe buýt thuận tiện đã đáp ứng nhu cầu đi lại của học sinh ở xa.
Tình hình có sự thay đổi trong năm học 2024 - 2025 khi số lượng học sinh từ các xã xa như Vĩnh Lộc A, B và huyện Hóc Môn tăng lên. Một số em phải thuê trọ gần trường. Điều này thúc đẩy nhà trường cân nhắc việc khảo sát lại nhu cầu xe đưa đón.
Các trường được quyền chủ động trong việc triển khai dịch vụ xe đưa đón thông qua hợp đồng với các đơn vị đạt chuẩn. Yếu tố quyết định chính là số lượng học sinh có nhu cầu sử dụng dịch vụ này.
Cảnh sát giao thông Đà Nẵng xử lý học sinh chưa có bằng lái đi xe máy đến trường - Ảnh: THANH NGUYÊN
* Cô Hà Thị Kim Sa (chủ tịch hội đồng trường kiêm hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà, TP.HCM):
Đầu tư xe đưa đón học sinh
Dịch vụ đưa đón học sinh của trường đã được triển khai và phát triển trong 5 năm qua, với mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho học sinh và giảm thiểu việc các em sử dụng xe máy đến trường. Hiện tại, đội xe gồm 6 chiếc với sức chứa 16 và 30 chỗ ngồi, hoạt động theo quy trình được công khai và thống nhất với phụ huynh.
Mỗi xe được bố trí một tài xế và một nhân viên phụ trách, họ sẽ đồng hành cùng một nhóm học sinh cố định trong suốt năm học. Đội ngũ này được tập huấn hằng tháng về quy tắc chuyên chở học sinh và cập nhật các quy định mới về an toàn giao thông.
Quy trình làm việc được thiết lập chặt chẽ: xe chỉ khởi hành khi đủ số học sinh đã xác nhận, và khi học sinh xuống xe phải có sự kiểm tra chéo giữa tài xế và nhân viên để đảm bảo không sót học sinh nào trên xe.
Dịch vụ luôn chú trọng vào việc liên lạc thường xuyên với phụ huynh, đặc biệt là trong những tình huống kẹt xe hay thời tiết xấu. Vào những ngày mưa, học sinh được đưa tận nhà để đảm bảo an toàn.
Về mặt tài chính, phần lớn phí đưa đón được dùng để chi trả cho đội ngũ nhân viên và tài xế, thậm chí nhà trường còn bù thêm cho những xe có ít học sinh để đảm bảo thu nhập ổn định cho họ.
Song song với dịch vụ đưa đón, nhà trường còn phối hợp với cảnh sát giao thông tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông vào đầu giờ thứ hai hằng tháng.
Trường áp dụng chính sách kỷ luật nghiêm ngặt: học sinh vi phạm Luật Giao thông sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm, riêng học sinh lớp 12 sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu và có thể mất quyền dự thi, điều này giúp tăng cường ý thức chấp hành Luật Giao thông của các em.
* Ông Nguyễn Đức Dũng (57 tuổi, lái xe đưa đón học sinh tại một trường phổ thông ở quận Tân Bình, TP.HCM):
Hướng dẫn xử lý những tình huống giao thông trên đường
Để đảm nhận vai trò tài xế đưa đón học sinh, chúng tôi phải trải qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp và bài bản.
Hằng năm, hợp tác xã lái xe tổ chức khóa tập huấn 15 ngày, trang bị cho chúng tôi những kiến thức và kỹ năng cần thiết về nghiệp vụ đón trả học sinh, quy tắc đảm bảo an toàn giao thông khi chở trẻ nhỏ. Sau khi hoàn thành khóa học, chúng tôi được cấp thẻ lái xe đưa đón học sinh chính thức.
Nhà trường cũng tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ mỗi quý để phổ biến nội quy, hướng dẫn cách phối hợp với quản nhiệm và cập nhật tình hình mới. Trong những buổi này, các tài xế có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực tế, học hỏi lẫn nhau để nâng cao chất lượng phục vụ.
Về phía học sinh, các em được tập huấn kỹ lưỡng về quy tắc an toàn và quy trình đi xe. Mỗi xe được trang bị mã QR, học sinh phải quét mã này khi lên xuống xe như một hình thức điểm danh, giúp theo dõi chặt chẽ qua hệ thống của trường.
Đặc biệt, đầu năm học, cả tài xế và học sinh đều được huấn luyện cách xử lý các tình huống khẩn cấp như tai nạn hay hỏa hoạn.
Với vai trò là tài xế, tôi luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu. Xe được điều khiển ở tốc độ vừa phải, không bao giờ nóng vội tăng tốc. Quy định giao học sinh tận nhà hoặc trực tiếp cho phụ huynh được thực hiện nghiêm ngặt, nếu không gặp được phụ huynh, chúng tôi hoặc giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc để xác nhận.
Tôi thường tận dụng cơ hội để chia sẻ với các em về các tình huống giao thông thực tế, hướng dẫn cách xử lý và những điều cần lưu ý khi tham gia giao thông. Tôi tin rằng việc trang bị kiến thức và kinh nghiệm thực tế sẽ giúp các em tự tin và an toàn hơn khi tự điều khiển phương tiện trong tương lai.
* Ông Phạm Vương Bảo (phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM):
Số lượng trường đăng ký đưa rước giảm
TP.HCM đã triển khai dịch vụ đưa đón học sinh từ năm 2002 với nhiều mô hình đa dạng, bao gồm xe theo tuyến có trợ giá và xe do trường tự tổ chức hoặc hợp đồng với đơn vị vận tải. Ban đầu, có khoảng 300 trường tham gia chương trình này, thể hiện nhu cầu đi lại lớn của học sinh.
Tuy nhiên số lượng học sinh sử dụng dịch vụ đã giảm dần khi xe buýt công cộng phát triển rộng khắp với chính sách ưu đãi hấp dẫn như miễn phí cho học sinh tiểu học và giá vé chỉ 3.000 đồng/lượt cho học sinh các cấp khác.
Nhiều phụ huynh cũng chọn tự đưa đón con hoặc sử dụng dịch vụ vận chuyển theo yêu cầu phù hợp với nhu cầu cụ thể.
Hằng năm, thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trung tâm thu thập thông tin về nhu cầu đi xe của học sinh và phối hợp với các đơn vị vận tải để đáp ứng.
Các xe đưa đón phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng xe và dịch vụ, đồng thời tài xế và nhân viên phải chấp hành Luật Giao thông và giám sát số lượng học sinh - quy định này đã được chính thức hóa trong Luật Trật tự, an toàn giao thông.