Ngày 24/1, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, cho biết điều phối viên tổng đài đã trấn an người nhà, xác định vị trí xe và điều động xe cấp cứu gần nhất đến hiện trường. Đồng thời, nhân viên nhanh chóng kết nối cuộc gọi video, bởi đây là một trường hợp sinh non, cả mẹ và bé đều có nguy cơ cao.
Lúc này, sản phụ lúc này tỉnh táo nhưng em bé lại tím tái, không khóc. Điều phối viên hướng dẫn gia đình kích thích cho em bé khóc và thực hiện các bước giữ ấm, lau sạch mũi miệng ngay trên xe.
"Sau 10 phút, em bé tiếp tục có dấu hiệu không khóc, không thở, tổng đài viên tiếp tục hướng dẫn gia đình thực hiện ép tim và theo dõi cho đến khi đội cấp cứu đến", bác sĩ Long nói.
Sau khoảng 15 phút, nhóm cấp cứu vệ tinh từ Bệnh viện Nhà Bè có mặt hiện trường. Êkíp đã hồi sức sơ sinh, kẹp cắt rốn, sổ nhau và chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ. Nhờ sơ cứu kịp thời, em bé hồng hào, khóc lớn khi vào viện, được các y bác sĩ tiếp tục điều trị.
Việc kết nối cuộc gọi video giúp việc hướng dẫn sơ cứu được chính xác hơn. Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM
Theo bác sĩ Long, chăm sóc và điều trị trẻ sinh non vẫn luôn là một thách thức trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh vì tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Trẻ sinh càng sớm thì nguy cơ gặp phải các biến chứng càng cao. Trong những tình huống khẩn cấp, những giây phút mang tính quyết định, cuộc gọi đến cấp cứu 115 có thể giúp cứu mạng kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé.
Lê Phương