Chàng trai miền Tây cho hay, nhiều năm trước, chuyện du học ở Sóc Trăng là rất hiếm và gia đình anh cũng không đủ điều kiện kinh tế. Quãng thời gian học chương trình Tài năng Đại học Bách khoa TP HCM đã giúp Thanh gặp gỡ một số thầy cô du học nước ngoài trở về.
Nghe thầy cô kể nhiều về việc học tập trên thế giới, Thanh mày mò tìm hiểu hình thức apply, các điều kiện cần để du học. Ban đầu, anh nộp vào các chương trình trao đổi ngắn hạn sang khu vực Đông Nam Á để học hỏi. Năm 2020, Vương Thanh tốt nghiệp xuất sắc Kỹ sư ngành Kỹ thuật Hoá học rồi giành học bổng thạc sĩ đến Đại học Ulsan Hàn Quốc.
Nhận bằng thạc sĩ với điểm trung bình tích luỹ CGPA 4.13/4.5, Thanh đặt mục tiêu đến Mỹ để nghiên cứu tiến sĩ.
Tháng 4/2022, anh vỡ oà khi nhận học bổng tiến sĩ với tổng giá trị khoảng 100.000 USD một năm, trong 5 năm (tương đương 10,5 tỷ đồng) đến Đại học California, Santa Barbara (UCSB) - trường top 5 về lĩnh vực Kỹ thuật vật liệu và top 9 chương trình Kỹ thuật Hoá học tại Mỹ, theo U.S News & World Report.
Thạc sĩ Vương Hoài Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại ĐH California, Santa Barbara, người hướng dẫn trực tiếp của Thành là giáo sư gốc Việt Nguyễn Thục Quyên - hiện là Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất hữu cơ rắn.
Vương Thanh từng hỏi giáo sư Quyên về lý do anh được nhận và câu trả lời là: "Em có nghiên cứu về năng lượng ánh sáng mặt trời trùng với cô".
Ở bậc thạc sĩ, Thanh nghiên cứu về việc sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời để phân tách nước, tạo khí hydro (H2), ứng dụng cho các lĩnh vực năng lượng. Hiện, phương pháp sản xuất khí hydro từ quá trình điện phân đang được sử dụng để tách H20 lấy H2, sau đó từ H2 lại tạo ra điện. Theo Thanh, vòng lặp này không hợp lý vì lượng điện tạo ra từ việc đốt khí hydro và lượng điện cần thiết dùng để tách nước tạo khí hydro vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu suất của quá trình.
"Việc sử dụng năng lượng ánh sáng còn rất nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống và thực tế. Sau này, mình sẽ tập trung nghiên cứu về chất hữu cơ bán dẫn ứng dụng cho pin năng lượng mặt trời hữu cơ", Thanh chia sẻ thêm.
Sau thời gian học thạc sĩ, Thanh có một bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành về hydro.
Anh cho rằng, một bộ hồ sơ phù hợp và sự kết nối với các giáo sư nơi sẽ nhận mình là chìa khoá cho đôi bên hợp tác. Anh lưu ý, ứng viên nên xin kết nối với các giáo sư uy tín, đồng thời thể hiện bản thân mình chân thật theo phương châm "có gì - nói đó".
"Khi phỏng vấn ai cũng muốn đỗ nhưng ứng viên không nên cố gắng tạo một câu chuyện fit hoàn toàn với nhà trường, chỉ nên nói thật. Thay vì kể câu chuyện theo hướng mà có thể hội đồng sẽ thích, ứng viên hãy kể câu chuyện của bản thân, những thứ bạn có và có thể làm cho họ, vì đây là mối quan hệ hợp tác. Về lâu dài, ứng viên cũng không thể suốt ngày chiều theo ý của giáo sư nghiên cứu được", Thanh nói.
Thanh cũng minh chứng với hội đồng tuyển sinh UCSB về khả năng nghiên cứu của mình. Anh sở hữu 15-16 bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí quốc tế và trong nước như Tạp chí quốc tế về năng lượng hydro của nhà xuất bản Elsevier, ChemistrySelect của Willey... hoặc Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Khoảng giữa tháng 8, chàng trai Việt sẽ sang Mỹ du học tiến sĩ. Tại UCSB, Thanh định hướng nghiên cứu chất hữu cơ bán dẫn và năng lượng mặt trời dành cho các vấn đề về sức khoẻ, năng lượng. Sau khi hoàn thành bậc tiến sĩ, anh dự định tìm vị trí sau tiến sĩ (postdoc) tại một trong những Viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như: Stanford, Harvard hoặc MIT để bồi đắp kỹ năng, kinh nghiệm. Mục tiêu của Thanh là trở thành nhà nghiên cứu.
Giáo sư Jin Suk Chung - Trường Kỹ thuật Hóa học, Đại học Ulsan, Hàn Quốc đánh giá: "Vương Thanh là một người thông minh và kiên cường. Anh thường ở lại phòng thí nghiệm của chúng tôi làm việc cả cuối tuần. Ngoài ra, anh cũng là một sinh viên nghiên cứu độc lập và tích cực trong nhóm. Với khả năng khoa học đáng khen ngợi, cá tính, sự quyết tâm và cam kết nghiên cứu mạnh mẽ, tôi tin tưởng rằng anh tham gia thành công chương trình nghiên cứu tiến sĩ tại Mỹ".
Thanh nhận định, vượt qua vùng an toàn của bản thân là điều quan trọng với mỗi người, đặc biệt là người trẻ. "Cứ đi, bạn sẽ thấy thế giới rất rộng mở mà nếu không ra khỏi vùng an toàn, vĩnh viễn bạn không thể thấy hay biết được".
Lệ Thu