Sau nhiều chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục được Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP HCM hôm 18/10. So với ba lần dự thảo trước đó, tiêu chí về số lượng học sinh, giáo viên được siết chặt hơn.
Theo đó, khi mở cửa học trực tiếp, số lớp và số học sinh tối đa trong mỗi lớp phải dưới 50% số lượng theo quy định (tiêu chuẩn hiện hành là lớp tiểu học 35 em, lớp THCS - THPT 45 em). Để đáp ứng tiêu chí này, các trường phải tách lớp, chia lớp học theo ca, buổi khác nhau.
Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng THPT Thành Nhân cho rằng, việc chia lớp, chia ca là bài toán khó với các trường. Để đảm bảo dưới 50% số lớp học, mỗi lớp dưới 50% học sinh, trường phải chẻ đôi tất cả các lớp. Yêu cầu này biến một trường thành hai trường, đồng nghĩa với việc giáo viên, nhân viên phải tăng thêm hoặc mỗi người phải làm việc gấp đôi.
Với các trường cơ sở vật chất hạn hẹp, việc này dường như bất khả thi vì sẽ không đủ phòng học để bố trí. Chưa kể, biên chế giáo viên ở hầu hết các trường chỉ vừa đủ cho các tiết dạy trong điều kiện bình thường, nên việc tăng thêm là rất khó.
Các trường trung học ở ngoại thành, tập trung đông dân cư như quận Tân Phú, Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, nhiều lớp sĩ số trên 50, việc chia tách càng khó khăn. Bởi không chỉ tách lớp làm đôi, trường phải dồn số học sinh "dôi dư" thành các lớp riêng.
"Phương án tôi nghĩ đến lúc này là kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến. Thời khoá biểu sẽ được sắp xếp lại để có môn các em vẫn học truyến như cũ, có môn sẽ học ở lớp. Số lớp đi học trở lại cũng rải đều, đầu tiên lớp 12, tiếp đó là lớp 10 rồi 11", thầy Độ gợi ý.
Học sinh trường THPT Trần Văn Giàu xem danh sách lớp được chia tách khi đi học lại sau đợt dịch tháng 5/2020. Ảnh: Mạnh Tùng
Bà Kim Nguyễn Quỳnh Giao, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Văn Linh, đưa ra một phương án khác. Theo bà, trong cùng một thời điểm, chỉ một nửa học sinh trường được học trực tiếp, sau đó xoay ca. Bằng cách này, tất cả có thể đến trường học và đảm bảo được yêu cầu giãn cách, không tập trung đông người. Tuy nhiên, bà Giao nhìn nhận việc bố trí thời khoá biểu, sắp xếp giáo viên không hề đơn giản.
"Dĩ nhiên, khi học sinh trở lại thì an toàn vẫn là trên hết. Tôi tán thành và ủng hộ quy định này và sẽ tìm cách khắc phục nếu ngành cho mở cửa trường", bà Giao cho biết.
Không chỉ lo thiếu phòng học, giáo viên, nhiều trường còn lo ngại vấn đề ngân sách. Bởi khi chia lớp, số tiết dạy của giáo viên tăng gấp đôi, ngân sách phải gánh thêm phần tiền trội tiết. "Đây là nguồn ngân sách rất lớn mà nhà nước phải cấp bù", một hiệu trưởng THPT nhận định. Theo ông, giải pháp tốt nhất là như gợi ý của người đồng nghiệp Nguyễn Đình Độ: tách mỗi lớp thành hai nhóm, nhóm này học trực tiếp thì nhóm kia học trực tuyến và ngược lại.
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bách khoa TP HCM cho biết, với hơn 300 học viên hệ "9 cộng 3", nhiều lớp học 50-60 người, trường thậm chí sẽ phải chia tách làm ba lớp, chi phí theo đó cũng nhân lên gần như gấp ba.
"Bài toán lúc này là cân đối giữa nguồn thu và chi. Học phí hiện tại không thể tăng vì dịch bệnh, nhưng chia lớp thì rõ ràng chi phí sẽ tăng. Các trường tự chủ phải tìm cách thích ứng thế nào để đảm bảo được tiêu chuẩn, đồng thời duy trì việc học đúng tiến độ", ông Sáng nói.
Theo ông Sáng, các tiếu chí an toàn như đeo khẩu trang, khai báo y tế, phân luồng, rửa tay thường xuyên là có thể thực hiện. Tuy nhiên việc chia tách lớp theo yêu cầu trên sẽ khó đảm bảo được.
Học sinh trường THPT Trần Văn Giàu được bố trí ngồi ở hội trường lớn để đảm bảo giãn cách. Ảnh: Mạnh Tùng
Chia tách lớp cũng trở nên nan giải với các trường trong việc cân đối chương trình giảng dạy. Hiệu trưởng một trường tiểu học nội thành TP HCM cho biết, theo phương án mở cửa trường học của Sở, việc học trực tiếp dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Theo đó, ngoài việc chia đôi lớp dạy trực tiếp, trường vẫn phải tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh không có điều kiện hoặc cha mẹ không muốn học trực tiếp.
"Điều này không chỉ gây quá tải trong việc giảng dạy mà còn ảnh hưởng tới kế hoạch chung của trường. Một lớp mà 90% đi học trực tiếp, còn lại vẫn muốn học trực tuyến thì xem như phải tổ chức thành ba lớp nhỏ, giáo viên phải làm việc với cường độ gấp 2-3 lần để đảm bảo đồng đều về chương trình học cho mỗi lớp", ông nói.
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, nhìn nhận khi siết chặt các biện pháp an toàn, cần tổ chức dạy trực tiếp một cách đồng đều. Với đặc thù học sinh đông, cơ sở vật chất hạn hẹp, nếu học sinh đi học không đều sẽ gây khó cho quận trong việc sắp xếp chương trình, kế hoạch.
Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học gồm 10 thành phần. Ở mỗi tiêu chí, các trường được chấm điểm đạt hoặc không đạt. Trường đạt 8-10 tiêu chí được đánh giá "Mức độ an toàn cao; được tổ chức hoạt động dạy học". Trường đạt 6-7 tiêu chí vẫn ở "Mức độ an toàn, được tổ chức hoạt động dạy học; trong 48h phải khắc phục để đạt ít nhất 8 tiêu chí thành phần". Dưới 6 tiêu chí, trường không được tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp.
Yêu cầu về số lượng học sinh, giáo viên tập trung tối đa cùng một thời điểm chỉ là một trong số 10 tiêu chí thành phần để đánh giá an toàn trường học. Khi dự thảo mới được công bố, một số trường cho biết, họ vẫn đủ điều kiện mở cửa do đáp ứng tốt các yêu cầu còn lại. Tuy nhiên, trước tình trạng vẫn còn các ca F0 cộng đồng như hiện nay, nhiều lãnh đạo trường cho rằng, việc chia ca, tách lớp nên được xem là tiêu chí tiên quyết bởi nếu không đáp ứng được giãn cách, trường học không thể đảm bảo an toàn để mở lại.
Bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 tại cơ sở giáo dục lần đầu được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM ban hành hồi tháng 4/2020. Việc xây dựng lại bộ tiêu chí lần này nhằm phù hợp với chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của thành phố trong bối cảnh mới.
Ngoài hai trường đầu tiên ở huyện Cần Giờ mở cửa lại vào hôm nay, trường học ở TP HCM dự kiến đồng loạt học trực tiếp từ tháng 1/2022. Các trường đáp ứng được tối thiểu 6 tiêu chí sẽ được mở cửa trở lại.
Mạnh Tùng